Những hòn than đá đen nhánh qua bàn tay của người thợ điêu khắc ở Quảng Ninh lại có thể mang những vẻ đẹp riêng và có giá trị thẩm mỹ cao.
Điêu khắc than đá là một nghề độc đáo, riêng có ở xứ mỏ Quảng Ninh. Hàng mỹ nghệ từ than đá rất kén người chơi, công việc chế tác cũng vất vả, bụi bặm và phải làm thủ công.
Hơn 20 năm qua, những âm thanh quen thuộc ấy vẫn vang lên hàng ngày trong xưởng nhỏ của gia đình anh Nguyễn Văn Quyết và chị Nguyễn Thị Thanh Bình tại thành phố Hạ Long, Quảng Ninh.
Áp lưng vào núi đá, không gian xưởng bao phủ bởi bụi than và ngổn ngang nhiều loại cưa tay, dùi đục, dao khắc… Với truyền thống ba thế hệ làm nghề điêu khắc than đá nên từ khi mới học lớp 8, anh Nguyễn Văn Quyết đã được làm quen với việc chế tác những hòn than.
Những hòn than vô tri, vô giác qua sự gọt giũa của người thợ dần thành hình những tác phẩm nghệ thuật có hồn, có sức sống.
Từ xưởng chế tác của gia đình hàng nghìn các tác phẩm than đá điêu khắc như tượng các con vật hươu, nai, sư tử,… và nổi bật nhất là “Phù điêu Vịnh Hạ Long” đã đến với những người yêu thích nghệ thuật tạo tác từ than đá.
Theo chồng làm nghề đã lâu, chị Bình chia sẻ do đặc tính cứng và giòn, việc điêu khắc trên chất liệu than đá đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mỉ và chính xác cao: “Để làm được một tác phẩm than đá, trước tiên mình phải chọn than, than phải già, có độ bóng mà phải mịn than thì mới làm được. Chọn than rồi thì cưa than tùy theo kích thước. Xong rồi đục, mài, qua công đoạn đánh ráp, đánh bóng. Than là không dùng được bằng máy móc, bắt buộc phải dùng thủ công gần như 100%. Than nguyên khối làm theo kích thước tỉ lệ, nếu có vỡ là phải bỏ”.
Những người thợ lâu năm trong nghề truyền nhau rằng, tại Quảng Ninh chỉ có than của mỏ Đèo Nai, Cọc Sáu mới đủ chất lượng để tạo hình, tạo khối.
Ông Nguyễn Tuấn Lợi, bố đẻ của anh Quyết năm nay đã gần 80 tuổi, là một trong những nhà điêu khắc than đá gạo cội, từng nhiều năm được giao phụ trách kỹ thuật tại Công ty Mỹ thuật – Mỹ nghệ Quảng Ninh.
Ở cái tuổi gần đất xa trời, với nỗi lo nghề điêu khắc than đá đang dần bị mai một theo thời gian, ông Nguyễn Tuấn Lợi bộc bạch: “Mỗi ngày thị trường thu hẹp lại, thế rồi thợ lại có ít cho nên cũng lo là ngày càng dễ mai một đi. Nghề này mà giữ vững được, cái thứ nhất là phải yêu nghề. Bất kể là lúc khó khăn hay lúc thuận lợi thì cũng phải bám lấy nghề mà làm. Mặt khác là cũng phải học hội họa, điêu khắc, có khả năng nghề nghiệp”.
Xưởng điêu khắc của gia đình vào thời điểm phát triển nhất có tới gần 10 thợ nhưng đến nay trụ lại chỉ còn hai người.
Gương mặt nhem nhuốc bột than, anh Nguyễn Văn Quyết cho biết, hiện ở Quảng Ninh chỉ còn không đầy chục gia đình còn giữ được nghề chế tác than đá: “Ngành than đá thủ công mĩ nghệ mang một tính chất đặc sắc, dành riêng cho tỉnh nhà. Đến với Hạ Long, đến với Quảng Ninh là người ta biết có ngành than, trong ngành than có ngành nghề thủ công mĩ nghệ than đá. Tôi mong muốn có sự hỗ trợ từ ban ngành, các cấp của thành phố cũng như của tỉnh hỗ trợ vê vốn để giảng dạy và đào tạo thêm những học trò, người kế cận nối tiếp kéo dài ngành nghề thủ công mĩ nghệ than đá”.
Không chỉ là nghề truyền thống gắn liền với lịch sử phát triển ngành than, là nét riêng độc đáo của Quảng Ninh mà than đá mỹ nghệ đến nay đã là một sản phẩm du lịch độc đáo được nhiều bạn bè trong nước và quốc tế biết đến.
Phát huy và gìn giữ nghề chế tác hàng thủ công mỹ nghệ từ than đá chính là mong ước của những con người yêu vùng đất mỏ, yêu cái đẹp và luôn khát khao được thổi hồn vào chất liệu đặc biệt của quê hương.
Theo Dân Trí