Sau nhiều lần dọa sẽ nhảy vào xung đột Israel-Hamas, Iran tiếp tục tuyên bố Tel Aviv có thể bị đánh phủ đầu trong vài giờ tới, một kịch bản mà các chuyên gia vô cùng lo ngại.

Ngoại trưởng Iran Hossein Amir Abdollahian (trái) gặp quan chức cấp cao Ismail Haniyeh của Hamas ở Doha, Qatar, ngày 14-10 - Ảnh: AFP

Ngoại trưởng Iran Hossein Amir Abdollahian (trái) gặp quan chức cấp cao Ismail Haniyeh của Hamas ở Doha, Qatar, ngày 14-10 

 

Phát biểu trên truyền hình quốc gia tối 16-10, giờ địa phương, Ngoại trưởng Iran Hossein Amir Abdollahian cảnh báo các lực lượng kháng chiến sẽ mở “nhiều mặt trận” chống Israel, nếu Tel Aviv tiếp tục tấn công vào Dải Gaza.

Đã “lên cò”

“Nếu tội ác chiến tranh chống lại người Palestine không được chấm dứt ngay lập tức, nhiều mặt trận khác sẽ mở ra và điều này là không thể tránh khỏi”, ông Abdollahian tuyên bố sau khi trở về từ chuyến công du đến các nước đồng minh và láng giềng.

Theo New York Times, nhà ngoại giao Iran đã gặp quan chức hàng đầu của phong trào Hồi giáo Hamas là Ismail Haniyeh ở Doha, lãnh đạo Hassan Nasrallah của Hezbollah ở Beirut và Tổng thống Bashar al-Assad của Syria ở Damascus.

Ngoại trưởng Iran nhấn mạnh các thủ lĩnh “kháng chiến” tại khu vực đã “lên cò” và sẵn sàng tấn công phủ đầu Israel trong vài giờ tới. Ông khẳng định những nhận định rằng Hezbollah không thể tham chiến vì các vấn đề tài chính ở Lebanon là sai lầm.

Khi được hỏi liệu Tehran có tham chiến hay không, ông Abdollahian nói rằng: “Mọi chuyện đều có thể”.

Trước đó, Mỹ và phương Tây đã lo ngại kịch bản Iran có thể tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp, chẳng hạn thông qua các lực lượng ủy nhiệm ở Syria hoặc hỗ trợ nhóm vũ trang Hezbollah của Lebanon tham chiến, biến cuộc xung đột thành một cuộc chiến khu vực.

Mỹ và Israel hiện giám sát hoạt động của Hezbollah ở phía bắc Israel. Các quan chức Washington hiện yên tâm rằng 2 tàu sân bay mà Mỹ triển khai đến khu vực sẽ khiến nhóm này không dám manh động.

Israel cũng tấn công các sân bay ở Syria và cáo buộc Tehran tìm cách mở mặt trận thứ hai khi chuyển vũ khí cho và thông qua Damascus (Syria). Trong khi đó, Washington cũng thông qua các kênh ngoại giao ở Qatar, Oman, Trung Quốc để cảnh báo Iran không tham gia xung đột.

Tuy nhiên ông Abdollahian khẳng định Mỹ không thể vừa kêu gọi các bên kiềm chế trong khi Washington ủng hộ Israel tấn công Gaza. “Đã hết thời gian cho những kiểu thông điệp này của Mỹ”, ông nói.

Tổn thất cho cả Israel và Iran

Những người ủng hộ Hezbollah xuống đường ở Beirut, Lebanon, ngày 13-10 - Ảnh: REUTERS

Những người ủng hộ Hezbollah xuống đường ở Beirut, Lebanon, ngày 13-10

 

Theo giới phân tích, đối với Israel, cuộc chiến với Iran và các lực lượng ủy nhiệm của Tehran sẽ tổn thất hơn nhiều so với cuộc chiến chống Hamas, đặc biệt khi Hezbollah được cho là đang sở hữu nhiều vũ khí đáng gờm.

Trong khi đó Iran cũng sẽ mất mát nhiều thứ nếu tham gia, bao gồm 6 tỉ USD “bị đóng băng” đang nằm trong tay Mỹ, theo New York Times.

Theo tờ Vox, khả năng Tehran tham chiến rất khó, bởi Tehran đã theo đuổi con đường giảm căng thẳng với Mỹ và các nước thời gian gần đây.

“Các nhân tố trong khu vực như Saudi Arabia và Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) cũng đã đạt được bước tiến trong việc giảm bớt căng thẳng với Iran và vạch ra hướng quản lý các cuộc xung đột khác nhau. Điều đó đặt Iran vào tình thế khó tấn công trực tiếp vào Israel.

Nhưng Hezbollah có khả năng sẽ nhảy vào cuộc chiến. Và nếu Hezbollah quyết định tham gia cuộc xung đột ở nước láng giềng Israel, “điều đó sẽ thay đổi cuộc chơi”, chuyên gia Firas Maksad của Viện Trung Đông nhận định trên Đài CNBC.

Nhóm này là một lực lượng chiến đấu nguy hiểm hơn nhiều so với Hamas và được coi là quân đội phi quốc gia hùng mạnh nhất trên thế giới. “Đây sẽ là yếu tố thay đổi cuộc chơi, không chỉ đối với Israel mà còn đối với toàn bộ khu vực”, ông Maksad đánh giá.

Hezbollah hiện hoạt động với tư cách vừa là một đảng chính trị vừa là nhóm bán quân sự, và bị Mỹ liệt vào danh sách tổ chức khủng bố. Nhóm này nắm giữ rất nhiều quyền lực ở Lebanon dưới hình thức đảng chính trị Shiite, nắm giữ 62 ghế trong Quốc hội, cùng với nhóm chiến binh được Iran hậu thuẫn.

Tuy nhiên Lebanon đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất trong lịch sử, với lạm phát 3 con số và đồng tiền đã mất hơn 90% giá trị kể từ khi bắt đầu cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2019. Gần 3/4 dân số Lebanon sống dưới mức nghèo khổ.

Rủi ro dầu mỏ

Không chỉ ảnh hưởng đến an ninh về lâu dài đối với Tel Aviv, cuộc xung đột hiện tại sẽ đe dọa lợi ích cốt lõi của Mỹ ở Trung Đông, Ukraine và cả cuộc cạnh tranh với Trung Quốc ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

Theo Hội đồng Quan hệ đối ngoại, chiến tranh lan rộng sang Iran sẽ gây ra những rủi ro to lớn, trong đó Tehran không chỉ tấn công Israel mà còn có thể nhắm vào hoạt động vận chuyển dầu ở vùng Vịnh và khả năng leo thang trên khắp Iraq, Yemen và các mặt trận khác nơi các đồng minh của Iran nắm giữ quyền lực.

“Những rủi ro đó đã ngăn ngay cả những người có quan điểm diều hâu nhất với Iran, như khi (cựu tổng thống Mỹ) Donald Trump chọn không trả đũa cuộc tấn công vào các nhà máy lọc dầu Abqaiq của Saudi Arabia vào năm 2019”, tổ chức này nhận định.

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : HamasIran

Các tin liên quan đến bài viết