Doanh nghiệp nước ngoài có cả một nền tảng tư tưởng, hệ triết lý, pháp lý làm bệ đỡ, trong đó bao gồm triết lý chính trị, thể chế nhà nước, hệ thống luật pháp, và niềm tin xác tín nơi dân chúng. Còn doanh nghiệp Việt Nam?
LTS: Tuần Việt Nam mở Diễn đàn “Vì Việt Nam hùng cường” với mong muốn thu nhận từ quý độc giả những ý kiến, bài viết về các giải pháp phát triển đất nước trong tất cả các lĩnh vực nhằm khơi thông tiềm năng phát triển, cổ vũ niềm tin của cộng đồng vào tương lai Việt Nam.
Chủ đề đầu tiên của Diễn đàn tập trung vào thể chế kinh tế. Mời quý vị cùng theo dõi.
Chính phủ đã và đang tạo nỗ lực tìm mọi cách để giúp doanh nghiệp làm ăn thuận lợi, thúc đẩy kinh tế phát triển. Tuy nhiên, vẫn cần đặt câu hỏi, doanh nghiệp còn cần gì nữa, còn thiếu gì nữa để sẵn lòng dốc túi ra làm ăn kinh doanh, góp phần tạo ra thịnh vượng cho đất nước.
Để xem doanh nghiệp cần gì, thiếu gì, tôi muốn so sánh giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài nhằm giúp hình dung ra những vấn đề của doanh nghiệp Việt Nam chúng ta.
Doanh nghiệp nước ngoài có cả một nền tảng tư tưởng, hệ triết lý, pháp lý làm bệ đỡ, trong đó bao gồm triết lý chính trị, thể chế nhà nước, hệ thống luật pháp, và niềm tin xác tín nơi dân chúng.
Hoạt động trong môi trường mà mọi thứ đều nhằm mục đích phục vụ cho hoạt động của doanh nghiệp như vậy thì có thể nói doanh nghiệp nước ngoài họ được hưởng đủ những thuận lợi và không còn mong gì hơn thế.
Còn doanh nghiệp ở Việt Nam có gì?
Về triết lý chính trị
Như đã biết, chúng ta xuất phát từ những quan niệm về kinh tế tập thể bao cấp không có chỗ cho doanh nghiệp và doanh nhân. Doanh nhân một thời bị coi là thành phần bóc lột, bị điều chỉnh, thậm chí bị trấn áp. Nhưng quá khứ đó đã qua.
Từ mấy chục năm nay về cơ bản chúng ta đã có được nhận thức thống nhất về coi trọng kinh tế theo hướng thị trường, coi trọng doanh nghiệp và doanh nhân. Mới năm ngoái Ban chấp hành trung ương đã ban hành Nghị quyết 10 về phát triển kinh tế tư nhân; và Chính phủ hiện nay thì luôn rà soát các rào cản kinh doanh để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động.
Song nói gì thì nói, vẫn còn đó những tàn dư ảnh hưởng của triết lý cũ, vẫn còn đó những khoảng không gian bị choán chỗ không dành cho phát triển kinh tế do vì mô hình thể chế quyền lực Nhà nước hiện nay.
Điều này là sự thật bởi vẫn tồn tại quan điểm “không phát triển kinh tế bằng mọi giá”, “năng lực quản lý đến đâu thì mở ra đến đó” – những cụm từ có thể thấy đâu đó trong các quyết định chính sách, mà theo đó đổi mới phát triển kinh tế phải cầm chừng tương thích với năng trình độ còn hạn chế trong quản lý kiểm soát.
“Không phát triển kinh tế bằng mọi giá”, “năng lực quản lý đến đâu thì mở ra đến đó”, hay “giữ ổn định để phát triển” kể ra cũng đúng ở góc độ nào đó. Chúng ta không ai mong muốn một tình thế lộn xộn, không có lợi cho mưu cầu hạnh phúc và thịnh vượng của nhân dân.
Nhưng có câu hỏi ngược lại, phải chăng những mục tiêu đó đang khiến cho nền kinh tế không phát triển được hết các tiềm năng vốn có, và đi kèm với một cái giá quá cao?
Liệu chúng ta có thể vẫn “giữ được ổn định” mà vẫn nới lỏng không gian cho phát triển kinh tế hay không?
Đâu là những việc có thể làm giúp ích cho phát triển kinh tế mà vẫn giữ được ổn định?
Năng lực quản lý có thực sự là không kịp với nhu cầu đổi mới phát triển hay là khả năng vẫn đủ nhưng là muốn níu giữ những “xưa cũ” vì lợi ích cục bộ hẹp hòi?
Về thể chế nhà nước và hệ thống luật pháp
Các doanh nghiệp nước ngoài được bảo vệ hữu hiệu bởi một bộ máy nhà nước tản quyền có tính chất cân bằng kiểm soát; doanh nghiệp nước ngoài họ không phải chịu áp lực trước một nhà nước tập quyền với quyền lực áp chế khuất phục quá cao.
Ở đây tôi sẽ chỉ ra một việc vừa giữ được sự ổn định vừa lại tạo ra dư địa cho phát triển kinh tế, kích thích lòng tin của doanh nghiệp: vai trò của nền tư pháp. Nền tư pháp có khả năng tạo ra thêm dư địa rộng lớn cho phát triển kinh tế.
Liên quan đến vấn đề giấy phép con và các điều kiện kinh doanh không cần thiết, chúng ta vẫn phải loay hoay xử lý vấn đề này. |
Thứ nhất: Mỗi năm có không biết bao nhiêu vụ tranh chấp về tài sản giữa người dân và doanh nghiệp với nhau với tổng giá trị tài sản tranh chấp lên đến nhiều tỷ đô la. Nếu khối tài sản này được giải quyết tranh chấp mau chóng, được phân định rõ ràng về chủ quyền sở hữu để sớm đưa vào lưu thông thì sẽ giúp tạo ra hiệu quả kinh tế rất tốt.
Nhưng lâu nay, nói riêng về lĩnh vực này, hệ thống tư pháp hoạt động nhiều bất cập yếu kém, khiến cho doanh nghiệp mất rất nhiều thời gian công sức và tiền bạc để theo đuổi các vụ kiện mà kết quả phán quyết nhiều khi không đảm bảo công lý. Doanh nghiệp theo đó mất niềm tin vào cơ chế tư pháp và tài sản của họ bị đặt để vào môi trường pháp lý nhiều rủi ro.
Muốn người dân và doanh nghiệp bỏ tiền ra đầu tư kinh doanh thì điều quan trọng đầu tiên là tài sản của họ phải được bảo vệ, tức là thể chế sở hữu phải vững chắc, quyền tài sản phải minh định.
Bảo vệ sở hữu ngoài, bên cạnh khuôn khổ pháp lý, các quy định về sở hữu đầy đủ, rõ ràng, thì còn cần việc thực thi hiệu quả. Có nghĩa, quyền lợi của doanh nghiệp phải được bảo vệ nhanh chóng, hiệu quả, chính xác khi bị xâm phạm. Đó chính là vai trò của tòa án trong các vụ kiện tụng dân sự.
Một khi tòa án yếu kém sẽ khiến doanh nghiệp phải cân nhắc, thận trọng, dè chừng trong các khoản đầu tư hoặc giao dịch kinh doanh. Thiếu một hệ thống tư pháp hiệu quả làm bệ đỡ, doanh nghiệp sẽ cầu cứu, trông mong vào ai trước những rủi ro kinh doanh?
Đối với các nước phát triển “công lý” là thuật ngữ cổ xưa, sâu đậm. Từ rất sớm họ đã có ý niệm rõ rằng về “công lý” và “lẽ công bằng”, những giá trị luôn luôn được đề cao, khởi xướng trong các thang bậc giá trị xã hội.
Ngày nay quyền tư pháp trong các nước phát triển là một trong ba trụ cột quốc gia sánh ngang cùng với lập pháp và hành pháp, là bệ đỡ vững chắc bảo đảm cho tài sản của doanh nghiệp và người dân.
Trong khi đó ở ta hiện nay, quyền tư pháp đang giữ một vị thế, vai trò khiêm tốn trong bộ máy nhà nước và hệ thống nhà nước, dẫn đến hạn chế trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người dân và doanh nghiệp.
Thứ hai: Liên quan đến vấn đề giấy phép con và các điều kiện kinh doanh không cần thiết, chúng ta vẫn phải loay hoay xử lý vấn đề này.
Dù có quy định các “giấy phép con” và điều kiện kinh doanh chỉ được ban hành cấp nghị định, nhưng có thực tế là nhiều bộ, ban, ngành vẫn cài cắm điều kiện kinh doanh trong các thông tư, quy định, văn bản điều hành…
Nếu chúng ta thay đổi cách tiếp cận, để doanh nghiệp khởi kiện một bộ vì đã ban hành ra quy định trái với Luật Doanh nghiệp, trái với tinh thần cải cách thủ tục hành chính, trái với chủ trương về phát triển kinh tế; và trao quyền cho Tòa án tuyên xử một điều kiện kinh doanh, hoặc thậm chí một thông tư trái Luật, thì đây sẽ là một giải pháp giúp dẹp bỏ ngăn ngừa các giấy phép con và điều kiện kinh doanh do bộ máy quan liêu ban hành.
Việc này không đáng lo về mất ổn định vì thẩm quyền giải quyết hoàn toàn trong sự kiểm soát của Tòa án. Ngược lại, kết quả xét xử sẽ tạo áp lực buộc các bộ, ban, ngành phải nâng cao năng lực, trách nhiệm và tạo ra môi trường pháp lý tốt cho phát triển kinh tế.
Ở các nước phát triển, doanh nghiệp khởi kiện một bộ là việc làm bình thường. Song ở ta chưa có được chế định này và do vậy doanh nghiệp đang bị mất đi một cơ chế tự bảo hộ cho hoạt động kinh tế.
Về niềm tin xác tín nơi dân chúng
Phát biểu tại một hội thảo về Internet ở California hôm 10/10/2016 cựu Ngoại trưởng Mỹ John Kerry nói, hiện đang có một “chủ nghĩa tư bản cuồng nhiệt” ở Việt Nam.
Tôi cho rằng, phát biểu của ông Kerry, người rất có thiện cảm với Việt Nam, thể hiện bầu không khí chung mà người dân Việt Nam chúng ta cảm nhận, mong muốn và thực hành trong phát triển kinh tế.
Tất nhiên, về phía người dân vẫn cần rèn luyện và tạo lập nhiều thói quen quan điểm để tương thích phù hợp với kinh tế thị trường. Thực tế là đôi khi chúng ta thường nhầm lẫn, hay không nhận ra sự mâu thuẫn giữa việc chúng ta làm, điều chúng ta nghĩ với những cái chúng ta thực sự mong muốn để đem lại lợi ích cho chúng ta.
Tựu trung, để nền kinh tế phát triển thì có những vấn đề xa xôi, khách quan cần thêm nhiều thời gian để tháo gỡ, nhưng cũng có những vấn đề thuộc về nội tại, chủ quan có thể giải quyết ngay mà tôi đã nêu sơ lược trong bài này.
Một nền tư pháp nhanh chóng, hiệu quả là bệ đỡ cho lòng tin, là cam kết cho quyền tài sản giúp người dân, doanh nghiệp hăng hái đầu tư, kinh doanh mà nhờ vào đó, nền kinh tế sẽ nở rộ.
Nguồn: vietnamnet