“Xác định kết quả PCTN là tiêu chí, thước đo đánh giá phẩm chất, năng lực và mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu” – Phó bí thư, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong phát biểu.
Tham luận tại Hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) sáng nay 25-6, Phó bí thư, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong chia sẻ cách làm của TP.HCM.
“Thước đo” đánh giá cán bộ
Ông Phong cho biết Ban thường vụ Thành ủy TP.HCM đã ban hành chương trình hành động nhằm phát hiện, xử lý các vụ việc liên quan đến tham nhũng, trong đó xác định vị trí, vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng là vô cùng cấp thiết và quan trọng.
Phó bí thư, chủ tịch UBND TP.HCM cho biết: “Thành ủy đã đề ra nhiệm vụ trọng tâm để nâng cao hiệu quả việc phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng, đồng thời yêu cầu người đứng đầu cấp ủy tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể, cơ quan, đơn vị cam kết làm gương thực hiện và xác định trách nhiệm trực tiếp chỉ đạo PCTN, lãng phí, chủ động tự phát hiện vụ việc có dấu hiệu tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương do mình phụ trách”.
“Xử lý kịp thời nghiêm minh người đứng đầu, nếu không chủ động phát hiện để xảy ra tham nhũng tại cơ quan mình phụ trách hoặc bao che ngăn cản việc phát hiện xử lý tham nhũng”.
Ông Phong cho rằng trong thực tiễn triển khai công tác PCTN, lãng phí ở TP.HCM, nhận thức của người đứng đầu cấp ủy cơ quan đơn vị trên địa bàn TP đã có chuyển biến mạnh mẽ, vai trò trách nhiệm người đứng đầu trong thực hiện đấu tranh PCTN được nâng lên, nhất là trong phát hiện các vụ việc, vụ án tham nhũng.
“Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền nhiều cơ quan, đơn vị đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác thanh tra, rà soát và phát hiện nhiều vụ việc tham nhũng, tiêu cực, chuyển sang cơ quan điều tra xử lý theo thẩm quyền”, ông Nguyễn Thành Phong nói.
“Người đứng đầu các cơ quan PCTN đã phát huy hơn vai trò trách nhiệm, lãnh đạo chỉ đạo các bộ phận nghiệp vụ, xử lý kịp thời nghiêm minh các vụ việc, vụ án tham nhũng, đáp ứng được nhu cầu PCTN và tình hình chính trị của địa phương”.
Xử lý trách nhiệm người đứng đầu trong PCTN còn hạn chế
Tuy vậy, ông Nguyễn Thành Phong thừa nhận tại TP.HCM việc phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng và xử lý trách nhiệm người đứng đầu vẫn còn nhiều hạn chế, khó khăn.
Một số người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, nhất là người đứng đầu cơ quan, chính quyền cơ sở chưa quan tâm đúng mức công tác lãnh đạo, chỉ đạo công tác tự kiểm tra, giám sát.
Việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, phản ánh kiến nghị còn nhiều vụ việc chưa dứt điểm, tình trạng giải quyết trễ hẹn còn nhiều, tiến độ xử lý tin tố giác tội phạm và điều tra truy tố xét xử các vụ việc tham nhũng còn kéo dài.
Tỉ lệ phát hiện sai phạm qua thanh tra lớn nhưng làm rõ xử lý tham nhũng còn hạn chế. Việc xử lý cán bộ còn nhiều bất cập do vướng mắc về quy định về thời hiệu.
Tham nhũng vẫn tìm cách tác động bằng nhiều cách khác nhau đối với cán bộ công chức…
Phó bí thư, chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong
“Trên thực tế, hành vi tham nhũng ngày càng tinh vi, được che chắn tiềm ẩn dưới nhiều hình thức, lợi ích nhóm. Vẫn còn một số tình trạng doanh nghiệp, người dân có tâm lý khi giao dịch với chính quyền phải có lót tay, chấp nhận tiêu cực. Tham nhũng vẫn tìm cách tác động bằng nhiều cách khác nhau đối với cán bộ công chức…”, ông Phong nói.
Phó bí thư, chủ tịch UBND TP.HCM cho biết thời gian tới TP sẽ thực hiện một số giải pháp, trong đó tập trung vào tuyên truyền, thay đổi nhận thức; tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, các cấp ủy và người đứng đầu;
Tăng cường công tác thanh tra, nhất là các ngành, các cấp, các đơn vị có nguy cơ dễ xảy ra tham nhũng; quán triệt, thực hiện có hiệu quả quy trình xử lý thông tin phản ánh cán bộ, công chức có biểu hiện suy thoái.
“TP sẽ thường xuyên tổ chức hội nghị để tuyên truyền, đánh giá công tác phát hiện, xử lý vụ việc tham nhũng của người đứng đầu. Phát huy vai trò các cơ quan dân cử, báo chí trong tố giác hành vi tham nhũng”, ông Phong trình bày.
TP.HCM cũng kiến nghị có hướng dẫn cụ thể cách xác định mức độ trách nhiệm của người đứng đầu cấp trên đối với sai phạm của người đứng đầu cơ quan cấp dưới hoặc trong trường hợp sai phạm liên quan tới nhiều ngành, nhiều cấp nhiều cơ quan đơn vị theo quy định xử lý trách nhiệm người đứng đầu, nhằm xác định cụ thể đầy đủ hơn vai trò trách nhiệm của ngươì đứng đầu cơ quan tổ chức tại cơ quan mình phụ trách.
Nguồn: tuoitre.vn