Niên vụ 2016-2017, toàn tỉnh có 148.407 ha điều, trong đó 131.621 ha cho sản phẩm, năng suất khoảng 9,91 tạ/ha, sản lượng khoảng 130.436 tấn; so với niên vụ 2015-2016 năng suất giảm 17,4%, sản lượng giảm 17,9%. Một trong những yếu tố tác động lớn là do thời tiết diễn biến bất thường, mùa mưa kết thúc muộn vào năm 2016 và trong những tháng đầu năm 2017 có nhiều cơn mưa trái mùa, làm ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình ra hoa tạo trái đợt 3 trên cây điều.

Bên cạnh đó, tình hình sâu bệnh gây hại cũng phát sinh nhiều, nhất là bọ xít muỗi, bọ trĩ và thán thư. Cụ thể, 8.468 ha bị bệnh thán thư khô bông (415 ha bị nặng), 8.215 ha bị bọ xít muỗi (520 ha bị nặng), 2.285 ha bị bọ trĩ (46 ha bị nặng), 1.167 ha bị sâu đục chồi. Thực tế, nhiều diện tích điều trồng trên đất khá dốc, đất bị xói mòn nhanh, gây khó khăn cho quá trình tái canh, ghép cải tạo; chưa có đơn vị nghiên cứu cây điều tại tỉnh để chuyên sâu trong lĩnh vực nghiên cứu, phát triển cây điều; chưa có chính sách của Trung ương về đặc thù phát triển cây điều… đã ảnh hưởng đến sự phát triển ngành điều ở Bình Phước.

Để chủ động phòng, chống sâu bệnh hại cây điều, ngành nông nghiệp tỉnh đã tổ chức 40 lớp hướng dẫn nông dân cách phòng trừ dịch hại với 4.154 lượt người tham gia; hơn 6.000 ha điều được phun thuốc phòng, trừ sâu bệnh hại, đồng thời tuyên truyền trên báo, đài của tỉnh. Trong năm 2016, diện tích điều trồng mới trên địa bàn tỉnh khoảng 900 ha, trong đó 180 ha tái canh, còn lại trồng mới.

Trước tình hình đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đưa ra kế hoạch sản xuất năm 2017 và quy hoạch đến năm 2020.  Trong đó, triển khai thực hiện các nội dung Đề án Phát triển ngành điều Bình Phước đến năm 2020. Cụ thể, xây dựng và trình UBND tỉnh thông qua Đề án “Cải tạo vườn điều để hình thành vùng chuyên canh theo tiêu chuẩn VietGAP trên địa bàn huyện Bù Gia Mập” làm cơ sở để nhân rộng trong tỉnh; điều chỉnh quy mô diện tích năm 2017 đạt khoảng 148.407 ha, đến năm 2020 là 200.000 ha, trong đó đất cây điều ngoài lâm phần 156.200 ha, trong lâm phần 43.800 ha. Phát triển ngành điều theo hướng tập trung, chuyển đổi mạnh từ trồng trọt và chế biến phân tán, quy mô nhỏ sang sản xuất hàng hóa theo hướng công nghiệp trên cơ sở có quy hoạch vùng sản xuất tập trung. Phối hợp với các cơ quan chuyên môn của tỉnh xây dựng chỉ dẫn địa lý đối với “Điều Bình Phước”. Tiếp tục chọn tạo các giống địa phương, phát triển giống điều đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận cho kết quả tốt tại địa phương như PN1, LG1, CH1, MH4/5, MH5/4; đẩy mạnh tuyên truyền để nông dân tham gia liên kết sản xuất…

Thúy Ngọc

Từ khóa : chăm sóc điềugiá điềusản lượng trung bình điều

Các tin liên quan đến bài viết