Sản lượng điện tái tạo từ 2019 nay tăng mạnh, góp phần giảm đáng kể điện chạy dầu giá cao như thời gian trước khi có nguồn điện sạch, nhất là trong bối cảnh cạn nguồn như hiện nay.
Nếu không có điện tái tạo, phải cắt điện rất nhiều
Theo nguồn tin của VietNamNet, điện mặt trời và điện gió đã “cứu” được 115 triệu kWh trong tổng số 923 triệu kwh (12,5%), một kỷ lục được lập trong ngày 19/5 về tiêu thụ điện những ngày nắng nóng khô hạn, khi cả nước đã khai thác hết nguồn điện.
“Lúc này có thêm 115 triệu kWh điện mặt trời, điện gió là vô cùng quan trọng. Nếu không phải cắt điện rất nhiều. Các năm qua không có nguồn nào mới vào vận hành, chỉ có nhiệt điện Sông Hậu 1 và Thái Bình 2. Vì vậy, rất may mắn là có điện mặt trời, điện gió mới được phát triển trong 4 năm qua . Vì vậy từ ‘cứu’ ở đây là giúp không để tình trạng thiếu điện, cắt điện xảy ra”, một chuyên gia trong ngành chia sẻ.
Điện mặt trời đang phát huy tác dụng trong những ngày nắng nóng đỉnh điểm.
Số liệu của Bộ Công Thương cho thấy, tính đến cuối năm 2022, tổng công suất nguồn điện toàn hệ thống đạt khoảng 77.800MW, chỉ tăng gần 1.400MW so với năm 2021.
Trong đó, tổng công suất điện gió khoảng 4.000MW (5,1%), điện mặt trời đạt 16.506MW (khoảng 21,2%), nhiệt điện than là 25.312MW, chiếm tỷ trọng 32,5%, thủy điện (bao gồm thủy điện nhỏ) là 22.544MW, chiếm tỷ trọng 29%. Quy mô hệ thống điện Việt Nam đứng đầu khu vực ASEAN về công suất nguồn điện.
Nguồn điện tái tạo này chủ yếu do khu vực tư nhân đầu tư. Ước tính, khoảng 20 tỷ USD vốn từ tư nhân và nước ngoài đã được huy động trong thời gian qua, giảm áp lực phải huy động nguồn vốn nhà nước cho đầu tư nguồn điện, trong bối cảnh ngân sách nhà nước đã đụng trần nợ công.
Tiết kiệm chục nghìn tỷ chạy dầu phát điện
Trước khi có điện tái tạo, những tháng cao điểm, EVN phải huy động nguồn điện chạy dầu với giá rất đắt đỏ (4.000-5.000 đồng/kWh). Kết quả thực tế năm 2019, 2020, 2021 và 2022, sản lượng điện tái tạo tăng đáng kể đã góp phần giảm mạnh điện chạy dầu giá cao.
Báo cáo của EVN ngày 19/6/2018 từng đưa ra dự báo nguồn điện dầu cần huy động năm 2019 là 4,4 tỷ kWh và năm 2020 là 5,2 tỷ kWh.
Tuy nhiên, thực tế sản lượng điện dầu năm 2019 chỉ là 2,23 tỷ kWh và năm 2020 là 1,047 tỷ kWh. Điện chạy dầu đã giảm 2,17 tỷ kWh năm 2019 và giảm 4,2 tỷ kWh năm 2020.
“Số tiền tiết kiệm khoảng 10.850-21.000 tỷ đồng”, báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội mới đây ước tính. Các nguồn điện năng lượng tái tạo đã hỗ trợ tích cực cung cấp nguồn điện cho miền Bắc khi miền Bắc thiếu nguồn, phụ tải tăng cao.
Trong năm 2022, giá nhiên liệu than và dầu khí tăng mạnh do kinh tế phục hồi sau dịch Covid-19 và xung đột Nga – Ukraine dẫn đến giá thành sản xuất điện năng từ nguồn truyền thống tăng lên.
Từ tháng 3/2022, giá than nhập tăng lên tới 300-400 USD/tấn, dẫn đến giá thành sản xuất điện của nhiệt điện than tăng lên tới 3.000 đồng/kWh (khoảng 13 US cent/kWh), cao hơn nhiều so với giá mua điện từ nguồn điện gió, điện mặt trời.
Do đó, sản lượng điện tái tạo được huy động nhiều hơn và giảm mua điện từ nguồn điện than có giá đắt đỏ khi ấy.
Tại Báo cáo số 6155 ngày 1/11/2022 về Kế hoạch vận hành hệ thống điện năm 2023, EVN báo cáo sản lượng điện phát từ nguồn năng lượng tái tạo (gồm điện gió, mặt trời, sinh khối) năm 2022 là 35,647 tỷ kWh, chiếm tỷ lệ 13,2% điện sản xuất toàn hệ thống. Tính riêng sản lượng điện mặt trời phát thực tế cả năm 2022 là 26,302 tỷ kWh, tăng 723 triệu kWh so với kế hoạch.
Ngược lại, điện sản xuất từ nhiệt điện than năm 2022 là 105,173 tỷ kWh, giảm 19,451 tỷ kWh so với kế hoạch năm 2022.
“Chỉ tính riêng chi phí tiết kiệm được do không phải huy động 19,451 tỷ kWh điện than (do có điện mặt trời thay thế), EVN đã tiết kiệm được trên 20.000 tỷ đồng”, một báo cáo của ngành điện đánh giá.
Hồi đầu năm, EVN dự báo giá than nhập khẩu trung bình năm 2023 vẫn ở mức cao, dẫn tới giá điện từ các nhà máy nhiệt điện than nhập khẩu tăng lên đến mức từ 3.537,21-4.230,4 đồng/kWh (tương đương 14,2-16,9 Uscent/kWh).
Vì vậy, để tiết kiệm chi phí vận hành, điện sản xuất từ nguồn năng lượng tái tạo sẽ được EVN huy động lên tới 37,238 tỷ kWh (tăng 1,6 tỷ kWh so với năm 2022), riêng điện mặt trời là 26,54 tỷ kWh (tăng 238 triệu kWh so với năm 2022).
Trường hợp này, năng lượng tái tạo sẽ tiết kiệm cho EVN trong năm 2023 hàng chục nghìn tỷ đồng.
Một chuyên gia ngành điện chia sẻ: Điện mặt trời đang phát huy tác dụng rõ rệt trong những ngày nắng nóng này, giúp giảm bớt phần nào áp lực cung cấp điện vào giờ cao điểm trưa.
Quy hoạch điện 8 đưa ra mục tiêu đến năm 2030 tiếp tục phát triển mạnh năng lượng tái tạo, chuyển dịch năng lượng mạnh mẽ theo hướng xanh, sạch. Tổng công suất các nhà máy điện phục vụ nhu cầu trong nước 158.244 MW (không bao gồm xuất khẩu), trong đó: Điện gió trên bờ 21.880 MW (13,8%); Điện gió ngoài khơi 6.000 MW (3,8%), trường hợp công nghệ tiến triển nhanh, giá điện và chi phí truyền tải hợp lý thì phát triển quy mô cao hơn; Điện mặt trời 20.591 MW (13%), trong đó ước tính điện mặt trời tự sản, tự tiêu khoảng 2.600 MW, được ưu tiên phát triển không giới hạn công suất. Định hướng năm 2050, tổng công suất các nhà máy điện 490.529-573.129 MW (không bao gồm xuất khẩu), trong đó điện tái tạo như sau: Điện gió trên bờ 60.050-77.050 MW (12,2-13,4%); Điện gió ngoài khơi 70.000-91.500 MW (14,3-16%); Điện mặt trời 168.594-189.294 MW (33,0-34,4%); Điện sinh khối, điện sản xuất từ rác 6015 MW (1-1,2%); Nguồn điện lưu trữ 30.650-45.550 MW (6,2-7,9%); |
Nguồn: vietnamnet