Hầu hết các tuần phim Việt trong năm 2017 đều đông kín khách. Trừ hao đi sức hấp dẫn của vé miễn phí, dễ thấy khán giả thực sự quan tâm đến phim nội địa.
Mặc dù xem phim nước ngoài nhiều hơn nhưng tôi vẫn có nhu cầu xem phim Việt. Phim Việt vài năm trở lại đây tiến bộ hơn rất nhiều. Tôi thích những bộ phim gần gũi với văn hóa của Việt Nam như Cô gái đến từ hôm qua, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, Em là bà nội của anh. Phim Em chưa 18 làm cũng tốt, nhưng tôi thấy xa lạ vì giống phim Mỹ quá
Khán giả 9x HOÀNG PHÚ LONG
Năm 2017 dù không có nhiều phim sinh lời nhưng thành công của một số phim như: Em chưa 18, Cô gái đến từ hôm qua… đã tiếp thêm hi vọng cho các nhà sản xuất nội địa.
Tiêu biểu là Em chưa 18 đã vượt qua “bom tấn” của Mỹ, trở thành phim có doanh thu cao nhất mọi thời tại Việt Nam.
Có vẻ như các nhà sản xuất chiều chuộng khán giả hết cỡ nhằm có thể sống sót trong cuộc cạnh tranh khốc liệt với phim nước ngoài.
Gần 40 phim Việt/năm
Theo Cục Điện ảnh, đến cuối tháng 11-2017 đã có 37 bộ phim Việt được sản xuất.
Con số gần 40 phim/năm đã được các nhà sản xuất nội địa giữ suốt ba năm qua, là nỗ lực vượt bậc của họ trong việc duy trì về số lượng phim.
Còn thống kê của CGV, năm 2017 tổng doanh thu phòng vé của Việt Nam là 3.250 tỉ đồng, tăng 16% so với năm 2016.
Trong đó phim Việt chiếm 25% trong tổng số doanh thu này.
Năm nay các nhà đầu tư đã chịu khó theo đuổi những đề tài về thân phận con người (Lô tô, Đảo của dân ngụ cư, Dạ cổ hoài lang), câu chuyện về tình phụ tử, mẫu tử (Có căn nhà nằm nghe nắng mưa, Cha cõng con, Nắng 2 và hai bộ phim sản xuất trong năm, sẽ ra rạp lần lượt vào cuối năm 2017 đầu năm 2018: Khi con là nhà, Ở đây có nắng).
Trong năm nay, để “đổi món” cho khán giả, các nhà sản xuất đua nhau “săn” các kịch bản của Hàn Quốc, thúc đẩy phong trào remake (làm lại phim), từ Bạn gái tôi là sếp đến Yêu đi đừng sợ, Sắc đẹp ngàn cân…
Ngoài ra, một số nhà đầu tư quyết định thử sức với những phim có yếu tố giả tưởng, thể loại Việt Nam không có nhiều kinh nghiệm.
Trong một thị trường mà phim ngoại lấn át (khoảng trên dưới 200 phim được nhập về Việt Nam mỗi năm), đó là những nỗ lực đáng ghi nhận của các nhà sản xuất nội địa.
Dẫu vậy, về chất lượng phim, vẫn là tỉ lệ 10 phim may ra chọn được 1-2 phim khá. Phần lớn phim được cái này thì mất cái kia. Những phim được coi là tốt vẫn chỉ là sản phẩm của những người “thợ thủ công” lành nghề chứ chưa cho thấy nhiều sáng tạo.
Em chưa 18, Cô Ba Sài Gòn, Lôi Báo… dù đầu tư chỉn chu, một số phim có kỹ thuật vượt lên trên mặt bằng, nhưng phần nhiều vẫn mang đậm dấu ấn của phim Mỹ. Cô Ba Sài Gòn còn “chép” cảnh quay trong phim Mỹ The evil wears Prada.
Trong năm 2017, số lượng bộ phim gây thất vọng cũng không ít, như: 49 ngày 2, Chí Phèo ngoại truyện, Chơi thì chịu, SOS Sói trắng, Sắc đẹp ngàn cân…
Gần đây nhất phải kể tới Giấc mơ Mỹ, khán giả xem xong tự hỏi tại sao phải bỏ nhiều tiền đi ra nước ngoài để làm một bộ phim… dở như vậy.
Thị trường điện ảnh tại Việt Nam phát triển được đến như hiện nay cũng nhờ các doanh nghiệp nước ngoài đổ vào đầu tư.
Nhưng cho đến thời điểm này, khi họ nắm tới hơn 60% cụm rạp tại Việt Nam, thống lĩnh về phát hành phim, các nhà sản xuất nội địa buộc phải chia nhau phần còn lại ít ỏi của miếng bánh thị phần.
Năm nay không ai khóc trước truyền thông vì lý do phim mình không vào được “rạp xịn”, nhưng chắc hẳn vẫn nhiều người thắc thỏm mỗi khi phim của mình ra rạp…
Nguồn: tuoitre.vn