Giáo viên khốn khổ vì áp lực thành tích còn phụ huynh có con em được thầy cô chủ động nâng điểm cũng chẳng sung sướng gì. Lý do là vì: điểm số ảo làm học sinh mất động lực học tập nên phụ huynh càng khó dạy con em mình, muốn con được ở lại lớp mà sao khó quá!
Kết thúc buổi họp phụ huynh của cô con gái nhỏ đang học lớp 3, tôi hơi ngạc nhiên vì cả lớp đều được lên lớp, không có em nào ở lại. Ngạc nhiên là bởi vì con tôi vẫn thường hay kể chuyện các bạn cùng lớp với mẹ.
Con kể trong lớp có bạn N. học rất yếu, đọc và làm Toán còn rất kém. Trong lần họp phụ huynh năm lớp 2, tôi đã được giáo viên chủ nhiệm kể về hoàn cảnh đặc biệt của gia đình em: 4 chị em là của những người đàn ông khác nhau của mẹ, gia đình thuộc hộ nghèo, chủ yếu ở với bà ngoại. Mỗi sáng tôi đều gặp bà ngoại đi bộ dẫn em đến trường. Nhìn dáng vẻ già nua, lam lũ của bà tôi thật sự thấy ái ngại cho sự vất vả của bà khi phải một tay chăm sóc đàn cháu nhỏ. Hoàn cảnh đó có lẽ là nguyên nhân chủ yếu làm cho bé N. dù đã học lớp 3 nhưng khả năng đọc và làm Toán không tốt, thậm chí là đọc được một bài văn cho suôn sẻ vẫn là một thách thức với em.
Vậy nhưng, em sẽ vẫn được lên lớp vì “nếu cho em ở lại sẽ rất tội và lỡ may em mắc cỡ mà nghỉ học luôn”! Tình thương trong trường hợp này thật dễ làm người ta đồng cảm với cách giải quyết đó của nhà trường. Nhưng lên lớp rồi mọi thứ tiếp theo sẽ ra sao? Liệu em có theo nổi chương trình không hay sẽ hụt hơi bước tiếp và rồi lại tiếp tục được “tình thương” đưa lên lớp trên nữa? Và cứ “thương” như vậy thì có phải cũng chính là bệnh thành tích không?
Chuyện của bé N. làm tôi nhớ lại đứa cháu của mình. Dù rất xấu hổ nhưng phải thừa nhận là cháu tốt nghiệp lớp 12 được tất cả là nhờ công của các thầy cô cả về nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Thằng bé vốn ham chơi hơn ham học, lúc nào điểm số cũng lẹt đẹt, chỉ xếp loại trung bình hoặc yếu. Gia đình thường xuyên nhắc nhở nhưng cháu rất ít khi học bài quá 15 phút mỗi tối, chỉ trừ hôm nào đi thi cuối kỳ. Có bắt cháu ngồi vào bàn thì cháu cũng chỉ ngồi cho có. Kiến thức đã bị mất căn bản nên càng học lên cao càng đuối, càng nản, không biết phải học từ đâu. Có hôm buổi chiều đi thi thì sáng đó nó mới chịu lôi sách vở ra xem. Cháu cũng từng đi học thêm ở nhà cô nhưng không cải thiện được gì vì cháu chỉ ngồi cho có chứ trong đầu không chịu học nên gia đình cho nghỉ, chỉ học phụ đạo tại trường.
Nhiều lần tôi nhắc nhở thằng bé: không ai bắt con phải đạt loại khá giỏi vì khả năng con có hạn nhưng ít ra con phải được loại trung bình thì mới được lên lớp. Nếu con cứ lười biếng, không chịu học thì chỉ có ở lại lớp thôi. Thằng bé nghe rồi để đấy, không thèm suy nghĩ gì. Kết quả, hết năm lớp 10: bị thi lại 2 môn. Trước khi đi thi, thằng bé chỉ xem sơ sơ bài vở nhưng rồi thi cũng qua, vẫn được lên lớp 11. Hết lớp 11, thậm chí thằng bé còn không bị thi lại dù vẫn học hành chểnh mảng như cũ. Đến năm lớp 12, thằng bé vẫn học bài mỗi tối không quá 15 phút như xưa giờ vẫn vậy và nó bảo chỉ cần tốt nghiệp thôi chứ không có ý định học đại học. Kết quả là nó vẫn tốt nghiệp đúng như nó nghĩ. Lời cảnh báo của tôi trở thành sự hù dọa vô căn cứ.
Bởi vậy, tôi rất đồng cảm với quan điểm của đại biểu Quốc hội Bùi Văn Phương (Ninh Bình). Giữa phòng họp Diên Hồng, ông Phương đã nói những lời day dứt tâm can: “Vậy bây giờ cái gì cũng sợ, sợ đánh giá bằng điểm, các cháu điểm thấp thì các cháu buồn, rồi đổi mới bằng việc đánh giá không cần dùng điểm; cho các cháu lưu ban thì sợ các cháu tổn thương, cho các cháu không tốt nghiệp được cũng sợ các cháu tổn thương. Thầy cô bây giờ không dám động gì, không nghiêm khắc với học sinh, sợ xã hội”. Rõ ràng đây là sự méo mó trong giáo dục mà ai cũng thấy, xã hội kêu ca nhưng lại chẳng nhìn thấy cách giải quyết tận gốc rễ của vấn đề.
Giáo viên vẫn tiếp tục khốn khổ vì áp lực thành tích còn phụ huynh có con em được thầy cô chủ động nâng điểm chẳng sung sướng gì. Thầy cô khổ sở 10 thì phụ huynh cũng đau đầu 10. Lý do là vì: điểm số ảo làm học sinh mất động lực học tập nên phụ huynh càng khó dạy con em mình, muốn con được ở lại lớp mà sao khó quá! Học sinh thì ảo tưởng vào khả năng của mình, lười học vì đằng nào mà chẳng có điểm “đẹp”. Vậy ai đang được hưởng lợi từ sự vất vả này của cả phụ huynh và thầy cô giáo?
Theo Dân Trí