Hãng tin RT cho hay, nội dung của học thuyết đã được đăng tải đầy đủ trên cổng thông tin điện tử pháp lý của chính phủ, đây cũng là lần đầu tiên Nga sửa đổi học thuyết của hải quân sau 7 năm. Học thuyết thể hiện tầm nhìn và vai trò của Moscow trong lĩnh vực hàng hải, nhất là khi bối cảnh địa chính trị và an ninh toàn cầu đang có nhiều biến động.
Theo học thuyết mới, hải quân Nga sẽ bảo vệ lợi ích quốc gia “thông qua việc thể hiện tầm ảnh hưởng tại vùng biển Caspi cũng như trên toàn cầu”. Những lợi ích quốc gia này sẽ được hải quân Nga thúc đẩy thông qua “các nguyên tắc và chuẩn mực được công nhận rộng rãi của luật pháp quốc tế”, đồng thời, những lợi ích của các quốc gia đồng minh cũng sẽ được cân nhắc.
Một điểm đáng chú ý khác trong tài liệu mới được phê duyệt là “các thách thức và mối đe dọa” hải quân Nga phải đối mặt. Trong số các nguy cơ an ninh, chiến lược của Mỹ hướng tới sự kiểm soát ở các vùng biển thế giới và ảnh hưởng toàn cầu của nó đối với các quá trình quốc tế được coi là vấn đề trọng tâm. Bên cạnh đó, việc mở rộng cơ sở hạ tầng quân sự của NATO tại các khu vực tiếp giáp với biên giới Nga cũng là điều không thể chấp nhận được trong quan hệ của Moscow với liên minh này.
Cũng theo học thuyết mới, hải quân Nga nhận thức rõ những khó khăn và bất lợi của việc không có những căn cứ quân sự ở nước ngoài, vốn là yếu tố quan trọng để duy trì sức ảnh hưởng và mở rộng phạm vi hoạt động. Để giải quyết vấn đề này, học thuyết đã đề cập tới kế hoạch xây dựng căn cứ hải quân ở Biển Đỏ.
Một yếu tố quan trọng khác để nâng cao vị thế của hải quân là việc đóng mới các tàu sân bay cũng được đề cập trong học thuyết. Tài liệu này cho biết, một cơ sở đóng tàu mới sẽ được xây dựng ở miền Đông nước Nga, nhằm cung cấp các con tàu “phù hợp với nhiệm vụ ở Bắc Cực”, cũng như “tàu sân bay hiện đại cho Hải quân”. Hiện tại, Nga chỉ có một tàu sân bay là “Đô đốc Kuznetsov”, vốn đã ngừng hoạt động để sửa chữa được vài năm.
Học thuyết Hải quân được cho là sẽ cố gắng gia tăng tầm ảnh hưởng của Moscow trên toàn cầu, nhưng một khu vực đặc biệt được chú ý là Bắc Cực. Tài liệu này khẳng định, Nga coi Bắc Cực không chỉ là một khu vực trọng yếu với kinh tế, mà còn là một “cứ điểm quân sự chiến lược”. Tầm nhìn của Moscow là muốn tuyến đường biển ở cực bắc trở thành tuyến hàng hải quốc gia “an toàn quanh năm”.
Ngoài ra, học thuyết mới cũng đặt mục tiêu ”tăng cường toàn diện vị thế địa chính trị của Nga” ở Biển Đen và Azov. Một điểm đáng lưu ý nữa có liên quan tới việc nâng cao hiệu quả phòng thủ và bảo vệ biên giới biển của Nga. “Trong trường hợp các phương pháp giải quyết khúc mắc như công cụ ngoại giao và kinh tế không đạt hiệu quả, Nga có thể sử dụng lực lượng quân sự tại các đại dương trên thế giới theo đúng hiệp ước và luật pháp quốc tế”, học thuyết ghi rõ.
Nguồn: vietnamnet