Thông tư 18/2021/TT-BGDĐT về Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ (gọi tắt là Quy chế 2021) mà Bộ GD-ĐT vừa ban hành, dấy lên một cuộc tranh luận sôi nổi trong giới nghiên cứu khoa học.

Cần hay không nghiên cứu công bố quốc tế?

Điểm gây tranh cãi đầu tiên đối với Quy chế 2021 là công bố quốc tế đối với nghiên cứu sinh.

Cụ thể, Thông tư 08/2017/TT-BGDĐT (gọi tắt là Quy chế 2017) yêu cầu nghiên cứu sinh cần công bố tối thiểu 2 bài báo về kết quả nghiên cứu của luận án, trong đó có 1 bài đăng trên tạp chí khoa học thuộc danh mục các tạp chí ISI hoặc Scopus. Bài báo ISI hoặc Scopus này có thể được thay thế bằng 2 báo cáo bằng tiếng nước ngoài trong kỷ yếu hội thảo quốc tế có phản biện hoặc 2 bài báo đăng trên tạp chí khoa học nước ngoài có phản biện.

Trong khi đó, theo Quy chế 2021, các bài báo, báo cáo khoa học xuất bản trong danh mục ISI/Scopus hoặc bài đăng ở hội thảo quốc tế không còn là điều kiện bắt buộc để tốt nghiệp với nghiên cứu sinh nữa. Quy chế mới bổ sung việc chấp nhận các sách chuyên khảo, các công bố tại các tạp chí trong nước theo tiêu chuẩn đánh giá của Hội đồng Giáo sư Nhà nước (0,75 điểm trở lên).

Điểm mấu chốt trong tranh cãi 'nảy lửa' về chuẩn tiến sĩ mới của Bộ GD-ĐT

Tiến sĩ Phạm Hiệp – Giám đốc nghiên cứu, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển giáo dục Edlab Asia, phân tích: Thông tư 08 gửi thông điệp rõ ISI, Scopus là chuẩn quốc tế mà các trường cần phải lấy làm căn cứ để hội nhập. Tuy vậy, quy chế này cũng tính đến các yếu tố đặc thù với một số ngành vì điều kiện không phù hợp với tạp chí ISI, Scopus hoặc chưa đủ năng lực đáp ứng độ khó của tạp chí ISI-Scopus thì có thể thay thế bằng phương thức khác, ví dụ như là 2 bài công bố ở hội thảo quốc tế. Cũng cần lưu ý hội thảo này hoàn toàn có thể do chính các trường đại học ở Việt Nam tổ chức.

“Rõ ràng, những “chuẩn” ở Quy chế 2017 vừa đề cao tính hội nhập theo chuẩn mực quốc tế ISI, Scopus nhưng cũng rất linh động để đáp ứng đối với điều kiện của từng trường. Các “chuẩn” nằm trong Quy chế 2017 không hề cao mà lại rất linh động, định hướng hội nhập quốc tế rất rõ theo đúng tinh thần của Nghị quyết 29 của Trung ương, hay Nghị quyết 14 của Chính phủ. Trong khi Quy chế 2021 không đề cao tính hội nhập quốc tế”.

Nhiều luận cứ đưa ra rằng, Quy chế 2017 chỉ tính đến các tạp chí ISI,Scopus, bỏ rơi các tạp chí trong nước là không đúng vì chuẩn nêu rất rõ có 2 bài (1 bài quốc tế, 1 bài trong nước) như vậy tỷ lệ 50:50, hài hòa.

Do vậy, TS Phạm Hiệp  khẳng định: “Quy chế 2021 hạ chuẩn so với Quy chế 2017”.

Một TS người Việt đang giảng dạy tại Úc thì cho biết anh nửa đồng tình và nửa không đồng tình với quy chế tuyển sinh, đào tạo tiến sĩ, quy định tiến sĩ có bài báo đăng trên các tạp chí khoa học trong nước, được Hội đồng Giáo sư nhà nước quy định khung điểm đánh giá tới 0,75 điểm trở lên theo ngành đào tạo.

“Tôi cũng đồng tình với GS Vũ Minh Giang rằng chẳng thà bỏ quy định này đi còn hơn ép đã người học đăng bài không thực chất, đi thuê mướn người khác. Điều này là có thật khi đặt ra một điều kiện quá cao, người học buộc phải gian lận để đủ tiêu chuẩn”.

Thế nhưng, theo vị TS này, cũng phải nhìn lại chính vì yêu cầu phải có công bố quốc tế mà trong vài năm trở lại đây số lượng bài báo công bố quốc tế của Việt Nam đã tăng và vấn đề công bố quốc tế đã được quan tâm. Trước đây dù khuyến khích nhưng không ai làm nên khi bắt buộc đã có tác động vừa tích cực vừa tiêu cực.

“Công bằng hơn” hay “không tin được”?

Tranh luận về Quy chế mới cũng xuất phát từ những băn khoăn về chất lượng tạp chí trong nước.

Thống kê cho thấy Việt Nam hiện có trên 600 tạp chí khoa học, và trong hệ thống tạp chí được Hội đồng Giáo sư nhà nước tính điểm có hơn 400 tạp chí.

Trong số này hiện có 1 tạp chí được chỉ mục trong cơ sở dữ liệu SCIE (Science Citation Index Expansed); 6 tạp chí thuộc ESCI (Emerging Sources Citation Index) của Web of Sciences; 8 tạp chí Scopus và 18 tạp chí được chỉ mục trong cơ sở dữ liệu của ACI (ASEAN Citation Index).

Theo bà Nguyễn Thu Thủy – Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD-ĐT), việc công nhận bài báo khoa học trên các tạp chí chuyên ngành có uy tín trong nước “sẽ là động lực để các tạp chí khoa học phấn đấu nâng cao chất lượng, tiệm cận với các tiêu chuẩn quốc tế bằng nội lực, từ đó, đẩy mạnh việc quan tâm xây dựng các tạp chí trong nước vươn lên đẳng cấp quốc tế”.

Tuy nhiên, độc giả Nguyễn Bảo Duy thẳng thắn nhận xét rằng không thể dựa vào việc chấp nhận cho nghiên cứu sinh (NCS) công bố trong nước để phát triển các tạp chí khoa học nội địa.

Lý do, anh Duy phân tích: Phát triển tạp chí tức là đem lại uy tín khoa học cho tạp chí. Giữa tạp chí và nhà khoa học có mối quan hệ biện chứng khăng khít: tạp chí đem lại uy tín cho tác giả và tác giả đem lại uy tín cho tạp chí. Mối quan hệ này không cân bằng.

Với các nhà khoa học trẻ, đăng bài ở tạp chí tốt đem lại uy tín cho họ. Đó là lý do tại sao mặc dù nói rằng giá trị của công trình nằm ở bản thân bài báo, nhưng ai làm ra công trình tốt cũng muốn đăng ở tạp chí xịn.

Với các nhà khoa học lớn, họ đăng bài ở đâu thì đem lại uy tín cho nơi đó. Đó là lý do tại sao các tạp chí mới thành lập luôn tìm cách mời các ‘cây đa cây đề’ trong ngành viết cho mấy bài để câu khách. Người khác nhìn vào sẽ bảo: đấy, đến GS X còn đăng bài ở đây thì tạp chí này không lởm đâu.

Bởi vậy, NCS thì phải ép họ công bố quốc tế để chứng minh năng lực, còn tạp chí nội địa muốn phát triển thì phải đi mời các nhà khoa học lớn viết bài. Tạp chí nội địa và NCS mà đi dựa vào nhau là cùng “xuống hố”.

Trước quan điểm “việc mặc định cứ bài đăng báo quốc tế là tốt, chất lượng bài đăng tạp chí trong nước là thấp là một định kiến cần được nhìn nhận lại. Những đóng góp của hệ thống ấn bản phẩm khoa học trong nước hoàn toàn xứng đáng được nhìn nhận đánh giá khách quan và công bằng hơn” thì một TS đang giảng dạy tại một trường ĐH lớn ở TP.HCM bình luận: nhìn vào số liệu thống kê thì rõ ràng là số tạp chí trong nước tiệm cận được quốc tế đang chỉ chiếm một số lượng rất nhỏ.

“Hiện nay, nhiều tờ báo trong nước nói thẳng ra là rất “lôm côm”, không theo chuẩn mực nào. Dù Hội đồng Giáo sư Nhà nước đã chấm điểm nhưng ngay chính việc phong giáo sư của nước ta còn chưa hội nhập quốc tế cơ mà.

Rất nhiều tạp chí chuyên ngành chẳng ai đọc, giá trị không cao. Trường đại học nào cũng cố gắng ra tạp chí khoa học và có tạp chí để đăng bài của chính mình. Nếu bỏ quy định đăng bài quốc tế mà không làm chặt thì sẽ không còn có đòn bẩy nào để thúc đẩy nghiên cứu khoa học trong nước hội nhập quốc tế” – vị này bày tỏ quan điểm.

Còn theo TS. Phạm Hiệp, quy định đào tạo TS mới thậm chí còn gây ra “tác dụng ngược” đối với việc hội nhập quốc tế của các Tạp chí trong nước. Điều này là bởi, cơ chế chấm điểm của Hội đồng GS hiện nay không rõ ràng, không biết tạp chí 0.5 thì khác gì tạp chí 0.75 hay 1 điểm về mặt tổ chức vận hành hay mức độ hội nhập quốc tế. Ví dụ, một tạp chí hiện đang được 0.5 điểm có quyết tâm nâng cấp, mở thêm số tiếng Anh, nâng cấp hệ thống gửi bài, phản biện (thay vì sử dụng email), có số DOI cho từng bài báo, được Google Scholar chỉ mục hay được Ủy ban đạo đức xuất bản COPE ghi nhận thì vẫn có thể chỉ được giữ nguyên 0.5 điểm. Trong khi đó, một tạp chí được 0.75 điểm hoàn toàn có thể chỉ đăng bài Tiếng Việt, nhận bài gửi qua email, không có chỉ số DOI, không được Google Scholar chỉ mục và cũng không được COPE ghi nhận. Quy chế mới nói là hướng tới hỗ trợ các tạp chí trong nước nhưng thực tế là không có cơ chế cụ thể hướng dẫn sự hội nhập quốc tế và nâng cao chất lượng của các tạp chí trong nước.

Làm sao trông đợi vào sự liêm chính?

Một vấn đề gây tranh cãi nữa chính là sự liêm chính trong đào tạo mà những nhà quản lý trông đợi khi ban hành Quy chế 2021 này.

Lãnh đạo Bộ GD cho rằng Thông tư 18 tăng cường liêm chính học thuật và sự giám sát của các bên liên quan và giới khoa học.

Ví dụ, yêu cầu đăng tải công khai luận án tiến sĩ sau khi bảo vệ trên trang điện tử của cơ sở đào tạo trong 90 ngày là nhằm tạo ra kênh khuyến khích minh bạch hóa về chất lượng, đảm bảo liêm chính học thuật.

“Ít nhất quy chế mới cũng làm những nhà khoa học muốn đi buôn bài ISI sẽ hết đất diễn. Còn chuẩn chỉ là chuẩn, cái tâm của những người làm khoa học mới quan trọng. Những ai làm TS ra không làm gì thì sẽ bị đào thải hoặc chả dám giơ ra mà lòe thiên hạ. Tại Mỹ, tôi đã dự bảo vệ TS chả có yêu cầu ISI. Sau đó vài năm những người tốt nghiệp vẫn làm GS ở các trường danh tiếng. Cái tâm mới là quan trọng” – đây là ý kiến của một độc giả gửi về VietNamNet, bày tỏ sự đồng tình với quan điểm của Bộ GD-ĐT.

Anh N.V.T. cũng nhấn mạnh “Cái quan trọng nhất là đạo đức nghề của mỗi nhà nghiên cứu và chuẩn mực khoa học!”.

Chị Đoàn Liễu bày tỏ quan điểm việc lo ngại về chất lượng đào tạo tiến sĩ là điều hợp lý, thể hiện trách nhiệm xã hội của giới học thuật. Tuy nhiên, chị cho rằng vẫn có những giải pháp cho vấn đề này mà không nhất thiết phụ thuộc hoàn toàn vào yêu cầu công bố quốc tế đối với nghiên cứu sinh.

“Ví dụ, phải có cơ chế giám sát, đảm bảo quy trình dạy và học, quy trình kiểm tra đánh giá người học được thực hiện đầy đủ và hiệu quả, xác lập rõ và giám sát vai trò, trách nhiệm của thầy hướng dẫn, vai trò và trách nhiệm của người học. Cao hơn nữa, cần chú trọng rèn luyện người học về liêm chính học thuật, tuân thủ các quy định về đạo đức học thuật, đó mới là gốc rễ của bất kỳ hoạt động giáo dục nào”…

Tuy nhiên, độc giả Trịnh Mai Lan lại cho rằng “Ở Việt Nam mà đòi hỏi liêm chính với bảo đưa ra sàn còn tùy các trường thì thật là ngô nghê”.

Do đó, chị Lan ủng hộ ý kiến của GS.TSKH Ngô Việt Trung: Không có tiêu chuẩn công bố quốc tế thì những quy định đầu vào, dù có chặt chẽ đến đâu, cùng với các yêu cầu giải trình xã hội, liêm chính học thuật… cũng không thể ngăn cản được việc cho ra lò các “tiến sĩ rởm”.

Anh Thông Hồ thì nhận định với Quy chế mới, tình trạng mua bán, đổi chác bài báo không giảm mà sẽ tăng.

“Người bán báo top-tier hay top field (những tạp chí hàng đầu trong ngành) có lẽ là không có và số lượng người làm được là cực hiếm. Nhưng khi viết báo hạng thường, phản biện lỏng lẻo và luồn lách để có thì những bài báo này không thiếu ở các ‘lò ấp tiến sĩ'”.

Nguồn: vietnamnet

Từ khóa : bộ GD-ĐTtiến sĩ

Các tin liên quan đến bài viết