Điểm chuẩn đại học năm 2020 tăng là điều có thể đoán định. Ngay sau khi có điểm thi, một số đại học đã dự kiến điểm chuẩn tăng từ 2 – 5 điểm. Song, khi kết quả chính thức được công bố vẫn khiến phụ huynh, thí sinh ngỡ ngàng. 

Kết thúc kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020, nhiều thí sinh và giáo viên đã mường tượng ra và đoán định mức điểm chuẩn năm nay nhiều khả năng sẽ cao hơn so với năm ngoái do đề thi “dễ thở”.

Điều này càng được củng cố sau khi có kết quả thi tốt nghiệp THPT đợt 2 năm 2020, Bộ GD-ĐT công bố xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đối với một số ngành đào tạo đặc thù. Ở nhóm ngành đào tạo giáo viên, ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đã tăng 0,5 điểm so với năm 2019. Ở nhóm ngành đào tạo sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề, ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào cũng được xác định ở mức cao hơn 1 điểm so với năm 2019. Bộ GD-ĐT cũng cho hay, cơ bản “điểm sàn” năm nay cao hơn năm ngoái.

Thế nhưng mức điểm thực tế khi một số trường công bố hẳn khiến nhiều thí sinh ngỡ ngàng bởi sự tăng vọt, đặc biệt ở khối ngành Kinh tế, Kỹ thuật – Công nghệ, Y – Dược.

Điểm chuẩn đại học 'bùng nổ', nhiều thí sinh rơi vào thế bí
Ảnh minh họa

Nhìn chung, điểm chuẩn các ngành ở tất cả các trường khối kinh tế đều tăng. Nguyên nhân có thể là do ở khối này, năm nay các phương thức xét tuyển khác ngoài điểm thi tốt nghiệp THPT chiếm tỷ lệ lớn.

Dẫn chứng đối với trường top giữa là ĐH Thương mại, năm nay điểm chuẩn các ngành đều dao động ở mức 24 đến hơn 26. Trong khi năm ngoái, mức điểm chuẩn chỉ trong khoảng từ 22 đến 24, và cũng chỉ có duy nhất một ngành có mốc điểm chuẩn 24. Như vậy, hầu hết các ngành đều tăng, thậm chí nhiều ngành tăng gần 3 điểm. Điểm khá thú vị là ngành có điểm chuẩn cao nhất Trường ĐH Thương mại năm 2019 chỉ bằng đúng ngành có điểm chuẩn thấp nhất năm 2020.

Năm nay, ngành Marketing có mức điểm chuẩn cao nhất Trường ĐH Thương mại với 26,7 điểm; xếp ngay sau đó là ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng với 26,5 điểm.

Với những mức điểm này, nếu ở kỳ tuyển sinh đại học năm ngoái, các thí sinh hoàn toàn có thể trúng tuyển vào Trường ĐH Ngoại thương hay Trường ĐH Kinh tế quốc dân.

Bởi năm 2019, nhóm ngành có điểm chuẩn cao nhất của Trường ĐH Ngoại thương tại cơ sở Hà Nội là Kinh doanh quốc tế và Quản trị kinh doanh quốc tế là 26,25; nhóm ngành Kinh tế và Quản trị kinh doanh tại cơ sở 2 ở TPHCM cũng chỉ đến 26,4 điểm.

Trong khi đó, 2 ngành có điểm chuẩn cao nhất Trường ĐH Kinh tế quốc dân năm 2019 là Kinh tế quốc tế và Kinh doanh quốc tế cũng chỉ ở mức 26,15.

Nếu xét điểm chuẩn Trường ĐH Ngoại thương, năm nay điểm chuẩn nhóm ngành Kinh tế, Kinh tế quốc tế cao nhất lên đến 28 điểm, cao hơn 1,8 điểm so với mức điểm chuẩn của năm ngoái.

Các nhóm ngành khác như Luật; Tài chính – Ngân hàng, Kế toán,… mức điểm chuẩn cũng đều tăng lên gần 2 điểm.

Nếu thống kê mức điểm chuẩn của riêng Trường ĐH Ngoại thương trong 5 năm gần nhất, thì mức điểm năm nay cũng thuộc hàng cao nhất và xấp xỉ với năm 2017 – năm được đánh giá là trải qua một kỳ thi THPT quốc gia có “mưa điểm 10”.

Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cũng tương tự khi mức điểm chuẩn nhiều ngành học tăng từ 2-3 điểm.

Điểm chuẩn ngành Khoa học máy tính thuộc nhóm ngành Công nghệ thông tin là ngành học có điểm chuẩn cao nhất năm nay với 29,04 điểm. Năm ngoái ngành này cũng có điểm chuẩn cao nhất vào trường nhưng mức điểm chuẩn chỉ là 27,42.

Xếp ngay sau đó các ngành Kỹ thuật máy tính, Khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo cũng tăng điểm chuẩn khi năm nay là 28,65; trong khi năm ngoái lần lượt là 26,85 và 27 điểm.

Điểm chuẩn các ngành của Trường ĐH Y Hà Nội năm 2020 cũng tăng từ 2,15 đến 3,35 điểm, tăng mạnh nhất là ngành Y khoa phân hiệu Thanh Hóa (3,35 điểm) và ngành Kỹ thuật xét nghiệm y học (3,3 điểm).

Điểm chuẩn đại học 'bùng nổ', nhiều thí sinh rơi vào thế bí
Ảnh minh họa

Phụ huynh và thí sinh ngỡ ngàng

Một thầy giáo chuyên luyện thi ở Hà Nội cho biết, từ tối 4/10, ngay sau khi nhiều trường đại học top đầu công bố điểm chuẩn, bản thân đã nhận được mấy chục cuộc điện thoại từ các phụ huynh, thí sinh nhưng hầu hết trong đó lại là để xin tư vấn vì lý do “trượt hết tất cả các nguyện vọng”. Thậm chí có em tới 27,5 cũng “ngã ngựa”, trượt hết tất cả.

Thực tế với cách xét tuyển các nguyện vọng theo kiểu “nước tràn” như hiện nay, việc trúng tuyển vào một ngành học/trường của một thí sinh có mức điểm cao hay đơn giản là “đỗ được vào đại học” không phải là quá khó khăn nếu thí sinh đăng ký nhiều hơn nguyện vọng dự phòng cho các mức điểm thấp hơn mà mình có.

Song một phần có thể cũng vì mức điểm cao (nếu so sánh với năm ngoái) khiến các thí sinh và phụ huynh rơi vào trạng thái chủ quan, an tâm “ảo”.

Thí sinh Đ.T.N ở Thái Bình có tổng điểm theo tổ hợp khối D là 24 nhưng cũng “méo mặt” vì trượt tất cả nguyện vọng.

Thí sinh này đăng ký ngành Báo chí và Truyền thông đại chúng của Học viện Báo chí và Tuyên truyền cùng một số ngành của trường khác ở mức điểm chuẩn khoảng 22 của năm 2019, nhưng năm nay “té ngửa” vì khi các trường công bố đều trên 26 điểm.

Một thí sinh khác chia sẻ: “Em để 5 nguyện vọng và được gần 25 điểm nhưng trượt hết cả 5. Em không nghĩ là điểm năm nay tăng nhiều như thế”

Về nguyên nhân khiến điểm chuẩn tăng mạnh so với năm ngoái, ngoài yếu tố khách quan là điểm thi, việc các trường ngày càng tuyển sinh bằng nhiều phương thức cũng là một phần nguyên nhân đẩy điểm chuẩn theo phương thức xét tuyển bằng điểm thi tăng vọt.

Bởi khi số chỉ tiêu đã được lấp dần bởi các phương thức khác, số dành cho phương thức dùng điểm thi tốt nghiệp THPT chắc chắn bị co hẹp.

Nguồn: vietnamnet

Từ khóa : đại họcđiểm chuẩnthí sinhTHPT

Các tin liên quan đến bài viết