Điểm sàn chỉ là điều kiện kỹ thuật, thí sinh phải sử dụng điểm chuẩn của các năm trước đó để tham chiếu, từ đó có những lựa chọn sát sườn nhất.
PGS.TS Bùi Đức Triệu, trưởng phòng quản lý đào tạo, Trường đại học Kinh tế quốc dân
Tại Ngày hội tư vấn lựa chọn nguyện vọng xét tuyển đại học, cao đẳng 2023 do báo Tuổi Trẻ tổ chức, PGS.TS Bùi Đức Triệu, trưởng phòng quản lý đào tạo, Trường đại học Kinh tế quốc dân, cho biết ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào (điểm sàn) chỉ là điều kiện căn bản để nộp hồ sơ xét tuyển của thí sinh, giống như để vào đại học phải tốt nghiệp THPT.
Giải thích lý do điểm chuẩn cách xa với điểm sàn, ông Triệu nói đây là kết quả của sự chênh lệch giữa lượng hồ sơ nộp vào, trong khi chỉ tiêu tuyển sinh thì giới hạn, nếu tăng cũng rất ít. Do vậy không phải thí sinh nào đạt ngưỡng xét tuyển cũng có cơ hội học tập.
Ông Triệu lấy ví dụ, tối 21-7, Trường đại học Kinh tế quốc dân công bố điểm chuẩn xét tuyển kết hợp hai nhóm đối tượng 4 và 5 – thí sinh có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế kết hợp với điểm thi hai môn tốt nghiệp THPT và thí sinh hệ các trường THPT chuyên toàn quốc.
Ở phương thức xét tuyển này có khoảng 18.000 hồ sơ xét tuyển, trong khi chỉ tiêu chỉ khoảng 4.500, chênh lệch khoảng 4 lần, tăng 30% so với năm 2022. Ngoài ra, chất lượng hồ sơ cũng cao hơn năm trước, lượng thí sinh có IELTS 6.5 trở lên chiếm 70%.
Do đó điểm chuẩn hai nhóm đối tượng này đều tăng 1 điểm so với năm 2022.
Nhiều phụ huynh đến Ngày hội tư vấn lựa chọn nguyện vọng xét tuyển đại học, cao đẳng 2023 để nhờ chuyên gia tuyển sinh gỡ rối
Ông Triệu nhắc thí sinh: điểm sàn chỉ là điều kiện kỹ thuật, thí sinh phải sử dụng điểm chuẩn của các năm trước đó để tham chiếu, từ đó có những lựa chọn “sát sườn” nhất.
“Năm nay Bộ Giáo dục và Đào tạo áp dụng quy chế nếu tổng điểm của thí sinh đạt từ 22,5 trở lên thì điểm cộng ưu tiên của các thí sinh sẽ giảm dần theo tuyến tính, do vậy điểm chuẩn các ngành từ 28 điểm xác suất tăng sẽ thấp, nhưng các điểm chuẩn tốp dưới sẽ ổn định”, ông Triệu dự đoán.
Làm gì khi không đủ điểm chuẩn vào ngành học mơ ước?
Đối với nhóm thí sinh không đủ điểm chuẩn vào ngành học mơ ước, ông Triệu gợi ý các bạn có thể học văn bằng 2.
Hoặc đến năm 2 hoặc năm 3, sinh viên có thể đăng ký học song song hai chương trình. Khi đó việc đăng ký theo học dễ dàng hơn rất nhiều so với lúc xét tuyển đại học, sắp xếp học theo học chế tín chỉ cũng rất thuận lợi.
Nguồn: tuoitre.vn