Từ xét nghiệm, tiêm vắc xin Covid-19 tới cách ly y tế,… đã được xã hội hoá nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ đồng thời giúp nguồn thu cho doanh nghiệp vượt qua đại dịch.

Biến khách sạn thành nơi cách ly, chữa bệnh

Là một tiếp viên hàng không thực hiện một số chuyến bay quốc tế trong thời điểm dịch bệnh, ông Nguyễn Thành Trung vừa hoàn thành cách ly y tế tại một khách sạn ở quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) do hãng hàng không chi trả. Với ông Trung, đây là một sự trải nghiệm mới. Trong thời gian cách ly tại khách sạn, ông cảm thấy thoải mái khi được chăm sóc đầy đủ về sức khoẻ y tế cùng cơ sở vật chất hiện đại.

“Nhân viên khách sạn luôn sẵn sàng phục vụ 24/24 một cách chu đáo. Mỗi ngày, tôi đều được ăn những món ngon, đủ dinh dưỡng. Các nhân viên trong khách sạn đã giúp tôi có những ngày cách ly vui vẻ”, ông Trung chia sẻ.

Khảo sát sơ bộ cho thấy, nhu cầu cách ly tập trung đến từ nguồn khách nhập cảnh, giới lãnh đạo doanh nghiệp và khách trong nước tiếp tục tăng.

Dịch vụ chống Covid-19: Khách sạn, bệnh viện tư... tham gia tuyến đầu
Nhiều khách sạn tham gia cách ly y tế

Theo Sở Du lịch TP.HCM, thời gian đầu mới áp dụng cách ly có thu phí tại khách sạn, chỉ có nhóm khách là chuyên gia, nhà quản lý, nhà đầu tư nước ngoài nhập cảnh Việt Nam. Hiện, mọi công dân từ nước ngoài nhập cảnh về TP.HCM đều có thể đăng ký cách ly thu phí tại khách sạn.

Mới đây, Bộ Y tế đề xuất Thủ tướng Chính phủ về việc sử dụng khu nghỉ dưỡng, khách sạn, nhà nghỉ, ký túc xá,… làm nơi điều trị bệnh nhân Covid-19 ở mức độ nhẹ. Chi phí, chế độ sẽ do Bộ Y tế và Bộ Tài chính xây dựng, hướng dẫn.

Các cơ sở này tiếp nhận, theo dõi và điều trị ban đầu cho bệnh nhân Covid-19 ở mức độ nhẹ hoặc không có triệu chứng, để giảm cho tải khu vực bệnh viện, hạn chế không để dịch bệnh lây lan trong cộng đồng. Mô hình này đã thí điểm thành công tại Bắc Giang và hiện là TP.HCM.

Biến khách sạn, resort thành khu cách ly được coi là một trong những giải pháp “sống chung với dịch”, bởi chưa thể dự báo khi nào dịch bệnh chấm dứt. Theo Savills Việt Nam, trong quý 2/2021, có 8 khách sạn cách ly đi vào hoạt động, nâng tổng số khách sạn phục vụ cách ly tại TP.HCM lên 25 cơ sở, cung cấp hơn 3.000 phòng.

Tại Hà Nội, 10 khách sạn từ 3 đến 5 sao cũng được lựa chọn làm địa điểm cách ly. Đây được xem là cách giúp các chủ khách sạn có nguồn thu do tác động tiêu cực của dịch bệnh. Không chỉ Hà Nội và TP.HCM, tại nhiều tỉnh thành khác như Đà Nẵng, Nha Trang, Hội An,… một số khách sạn đã chuyển đổi công năng thành khu vực cách ly trong mùa dịch.

Bên cạnh đó, từ 1/8, TP.HCM là địa phương đầu tiên trên cả nước thí điểm số hóa quy trình đặt dịch vụ khách sạn và vận chuyển dành cho khách F1 cũng như mở rộng cho khách quốc tế. Đây có thể là một phương án để các cơ sở cách ly tập trung dịch vụ tiếp cận nguồn khách.

Thời gian tới, lượng người thuộc diện cách ly sẽ tăng mạnh, việc đưa các cơ sở lưu trú vào phục vụ người cách ly có trả phí là điều được nhiều người ủng hộ. Bởi, họ có nhiều lựa chọn hơn, lại chia sẻ gánh nặng cho các cơ sở cách ly tập trung đang quá tải. Đối với các khách sạn, đây là giải pháp tăng tính hiệu quả, giúp các khách sạn lấp đầy một phần số phòng đang trống.

Y tế tư nhân vào cuộc

Không ngoại lệ, hệ thống y tế tư nhân đã được vận động tham gia từ rất sớm với việc lấy mẫu xét nghiệm cộng đồng, tiêm vắc xin. Giờ đây, nhiều bệnh viện tư sẵn sàng tiếp nhận điều trị bệnh nhân Covid-19.

Được sự phân công của Sở Y tế Hà Nội về đợt hai lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc Covid-19 tại cộng đồng, Bệnh viện Đa khoa Medltatec tham gia sàng lọc 130.000 xét nghiệm trong tổng số 800.000 xét nghiệm của toàn TP trong 3 ngày (từ 18-20/8).

Dịch vụ chống Covid-19: Khách sạn, bệnh viện tư... tham gia tuyến đầu
Bệnh viện tư vào cuộc đua chống dịch

Tại TP.HCM, Bệnh viện FV (quận 7) là một trong những bệnh viện tư nhân tham gia chiến dịch tiêm vắc-xin phòng Covid-19. Bà Phạm Thị Thanh Mai, Giám đốc điều hành FV, cho biết, bệnh viện đã trang bị hệ thống kho lạnh được Viện Pasteur TP.HCM kiểm định và chứng nhận đủ điều kiện có thể lưu trữ cùng một lúc 800.000 liều vắc-xin AstraZeneca, 200.000 liều Moderna và 600.000 liều Pfizer.

Hiện tại, cứ một nhóm với ba điều dưỡng, một bác sĩ cùng với nhân viên hành chính, Bệnh viện FV đã có thể tiêm 800 mũi mỗi ngày. Như vậy, với nhân lực hơn 100 điều dưỡng có chứng chỉ tiêm vắc-xin, FV có thể tổ chức tiêm đến 10.000 mũi trong một ngày tại bệnh viện và các điểm tiêm di động.

“Nếu làm việc bảy ngày trong tuần, Bệnh viện FV có thể tiêm cho khoảng 250.000 người/tháng, góp phần cùng TP.HCM đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng”, bà Mai chia sẻ.

Ngày 30/7, Bộ Y tế đã có công văn hỏa tốc số 6140/BYT- KCB do Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long ký ban hành về việc huy động các cơ sở khám chữa bệnh tham gia phòng chống dịch.

Tại TP.HCM, sự tham gia của bệnh viện tư nhân đã giúp TP có thêm nguồn lực quan trọng trong công tác điều trị bệnh nhân Covid-19. Theo Sở Y tế TP.HCM, đến ngày 27/7, có 4 bệnh viện tư nhân đăng ký chuyển đổi công năng tiếp nhận và điều trị bệnh nhân Covid-19.

Sở Y tế cho hay, còn nhiều bệnh viện tư nhân khác tiếp tục đăng ký tham gia đồng hành với các bệnh viện công để sớm khống chế được dịch bệnh, góp phần giảm tỷ lệ chuyển nặng và giảm tử vong.

Tại buổi gặp gỡ, trao đổi với lãnh đạo các bệnh viện, cơ sở y tế tư nhân tại TP.HCM mới đây, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long đánh giá cao khi các bệnh viện, cơ sở y tế tư nhân đã chủ động lên phương án tách đôi để đảm bảo vừa chăm sức khoẻ nhân dân vừa sẵn sàng tham gia điều trị bệnh nhân.

Ông mong muốn, các cơ sở y tế tư nhân đăng ký chính thức với Sở Y tế TP.HCM số giường dành cho chăm sóc sức khoẻ thông thường và số giường điều trị bệnh nhân Covid-19. Trên cơ sở đó, TP nắm được mạng lưới tổng thể để điều phối bệnh nhân. Đồng thời, đăng ký số lượng nhân sự có thể tham gia điều trị hồi sức và vận hành máy thở để điều động nhân lực đến những cơ sở đang cần.

Trong nỗ lực đạt mục tiêu kép chống dịch và phát triển kinh tế, sự tham gia của các khách sạn, bệnh viện tư nhân có vai trò quan trọng trong việc chung tay đẩy lùi dịch bệnh, đồng thời giúp doanh nghiệp có thêm nguồn thu vượt qua khó khăn.

Giám đốc một chuỗi khách sạn cho rằng, lợi ích hơn cả một “cú ăn ba” vừa giúp người cách ly hưởng dịch vụ tốt, DN lưu trú có nguồn thu và chính quyền giảm bớt gánh nặng lo nơi cách ly chống dịch. Hơn cả, điều đó tạo điều kiện thuận lợi cho việc hồi sinh kinh tế trong thời đại dịch.

Nguồn: vietnamnet

Từ khóa : Bệnh Viện Tư Nhânkhách sạnKhách Sạn Cách LyTP HCM

Các tin liên quan đến bài viết