Thông tin dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) xuất hiện ở khu vực phía Nam đã gây ra những xáo trộn nhất định cho sản xuất và thị trường tiêu dùng. Trên thị trường, giá lợn hơi (heo hơi) đã giảm từ 8.000 – 10.000 đồng/kg so trước khi có dịch.
Theo Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, người chăn nuôi lúc này cần bình tĩnh, chủ động ứng phó dịch bệnh. Đây là cơ hội để thương lái tung tin thất thiệt, ép giá, đẩy người chăn nuôi rơi vào hoàn cảnh khó khăn.
Các ổ dịch mới xuất hiện đã được cơ quan thú y và người dân tích cực khống chế. ảnh: Như Nam
Hiện Hiệp hội đang phối hợp cùng chính quyền các cấp, tăng cường truyền thông để người dân nắm thông tin chính thức, để có giải pháp phòng, chống hiệu quả.
Ông Trần Văn Quang – Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi thú y tỉnh Đồng Nai cho biết cơ quan chức năng đang tăng cường các biện pháp giám sát dịch tễ, xử lý triệt để các ổ dịch cũ, không để phát sinh ổ dịch mới.
Ông Quang cũng thừa nhận thực tế tại các tỉnh thành khác, DTLCP đã tái phát sau thời gian khống chế. Vì thế tại Đồng Nai, cả hệ thống từ chính quyền đến nông dân, doanh nghiệp đang đặt mình vào trạng thái sẵn sàng chống dịch bởi nếu để dịch lây lan, hậu quả là rất lớn.
Theo ông Quang, cùng với việc ban hành chính sách hỗ trợ và thống nhất các phương án giám sát nguồn lợn xuất về TP.HCM, tất cả các biện pháp trên đây không chỉ nhằm xử lý triệt để dịch bệnh mà còn đảm bảo cung ứng nguồn thịt sạch ra thị trường.
Trước đó, việc Đồng Nai tích cực thực hiện đề án quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt lợn của TP.HCM từ năm 2016 đến nay đã góp phần giúp người chăn nuôi tiêu thụ tốt thịt lợn có nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo chất lượng.
Đến nay, Đồng Nai đã có gần 620 cơ sở chăn nuôi đăng ký tham gia truy xuất nguồn gốc. Bình quân mỗi ngày có khoảng 3.500 con lợn được truy xuất nguồn gốc để vận chuyển về TP.HCM tiêu thụ.
Theo Dân việt