Nhiều yếu tố tác động như khả năng bảo vệ của các loại vắc xin khác nhau, nhiều biến thể mới xuất hiện, độ bao phủ tiêm chủng vắc xin… khiến khó xác định tỉ lệ tiêm cần thiết để đạt miễn dịch cộng đồng.
Miễn dịch cộng đồng sẽ đạt được sau khi số người tiêm vắc xin đã đạt khả năng miễn dịch cao đến mức đủ ngăn virus lây nhiễm diện rộng.
Nhưng với dịch COVID-19 và các biến thể liên tục của virus corona, rất khó xác định tỉ lệ người tiêm vắc xin ngừa COVID-19 đến bao nhiêu mới đạt ngưỡng miễn dịch cộng đồng.
Nhiều con số khác nhau
Mỗi căn bệnh có một ngưỡng miễn dịch cộng đồng khác nhau. Ví dụ ngưỡng miễn dịch cộng đồng của bệnh sởi phải đạt từ 92%-94%.
Đối với dịch COVID-19, tại cuộc họp báo hôm 3-8 (giờ địa phương) của Hiệp hội Bệnh truyền nhiễm Mỹ, các chuyên gia giải thích do biến thể Delta, tỉ lệ tiêm vắc xin COVID-19 phải lên đến 80% hoặc hơn nữa mới đạt được miễn dịch cộng đồng.
Cùng thời gian này ở Pháp, GS Alain Fischer – chủ tịch Hội đồng Định hướng chiến lược vắc xin – đánh giá Pháp sẽ đạt ngưỡng miễn dịch cộng đồng 90% vào mùa thu này.
Trong bài phân tích đăng trên trang The Conversation, GS Julie Leak tại Đại học Sydney và TS James Wood tại Đại học New South Wales (Úc) đưa ra ba lý do giải thích vì sao khó xác định ngưỡng miễn dịch cộng đồng.
1. Vắc xin khác nhau, virus cũng biến hóa khôn lường
Khả năng lây nhiễm của virus SARS-CoV-2 thay đổi xoành xoạch.
Muốn biết khả năng lây nhiễm phải xem xét hệ số lây nhiễm cơ bản Ro (số lượng trung bình người bị lây nhiễm từ một ca mắc bệnh).
Các chủng tổ tiên của virus SARS-CoV-2 có Ro là 2-3 trong khi biến thể Delta có Ro cao gấp đôi với hệ số từ 4-6.
Ngoài ra, còn phải tính đến nhiều yếu tố khác như loại vắc xin đã tiêm, liều vắc xin đã tiêm (một hay hai liều) và mức hiệu quả của từng vắc xin với các biến thể khác nhau.
Ví dụ Anh đánh giá hai liều vắc xin Pfizer/BioNTech đạt hiệu quả từ 85%-95% trong ngăn ngừa nhiễm bệnh có triệu chứng đối với biến thể Alpha, trong khi hai liều AstraZeneca lại đạt hiệu quả từ 70%-85%.
Nói chung hiệu quả tổng thể của vắc xin giảm khoảng 10% đối với biến thể Delta.
Hiệu quả của vắc xin giảm đi, chúng ta càng phải nâng mức bao phủ tiêm vắc xin mới kiểm soát tốt dịch.
2. Toàn dân vẫn chưa được tiêm vắc xin
Trên thực tế còn lâu mới tăng độ phủ tiêm chủng vắc xin cho mọi độ tuổi.
Lấy ví dụ ở Úc, chính phủ đã bật đèn xanh cho phép từ ngày 9-8, trẻ em từ 12-15 tuổi có nguy cơ bị bệnh nặng nếu mắc COVID-19 có thể được tiêm vắc xin Pfizer/BioNTech.
Nếu nhóm tuổi này và nhóm tuổi dưới 12 được tiêm vắc xin đầy đủ sẽ mất thêm một thời gian nữa.
3. Mức bảo vệ thay đổi theo thời gian và không gian
Về thời gian, hiếm có ngưỡng miễn dịch cộng đồng nào duy trì trước sau như một.
Khả năng bảo vệ của vắc xin sẽ giảm dần theo thời gian. Thêm vào đó là các biến thể mới xuất hiện hung hãn hơn.
Trong tiêm chủng vắc xin cúm, hiếm khi người ta nói đến miễn dịch cộng đồng bởi thời gian bảo vệ của vắc xin rất ngắn.
Vào mùa cúm năm tới, khả năng miễn dịch của vắc xin dùng trong năm nay sẽ kém hiệu quả hơn đối với chủng virus cúm mới nhất.
Về không gian, khả năng bảo vệ của vắc xin còn tùy địa phương và tùy nhóm tuổi.
Tại một quốc gia đã đạt ngưỡng miễn dịch cộng đồng trong tiêm ngừa bệnh sởi, các đợt dịch nhỏ vẫn có thể bùng phát nơi trẻ em tại các địa phương có mức phủ tiêm chủng vắc xin thấp hơn hoặc nơi các nhóm thiếu niên và người lớn không được tiêm đầy đủ khi còn nhỏ.
Khả năng đạt ngưỡng miễn dịch cộng đồng còn bị ảnh hưởng bởi mật độ dân số và thành phần cư dân sống trong cộng đồng cư dân không đồng nhất.
Dịch COVID-19 trong tương lai sẽ ra sao?
GS Julie Leak và TS James Wood nhận định với ba yếu tố nêu trên, có thể hiểu vì sao các chuyên gia thường tránh đưa ra một con số về ngưỡng miễn dịch cộng đồng.
Với khả năng lây nhiễm cao của biến thể Delta hiện nay, chúng ta sẽ cần tỉ lệ tiêm vắc xin rất cao.
Đến khi miễn dịch cộng đồng lan rộng, chúng ta có thể thay đổi hình thức cách ly, ví dụ có thể chỉ cần cách ly tại nhà đối với người đã tiêm vắc xin đầy đủ.
Các đợt COVID-19 sẽ vẫn xảy ra nhưng ít rủi ro hơn với số người mắc bệnh nặng ít hơn.
Các đợt bùng phát trên toàn thành phố hoặc toàn quốc sẽ biến mất mà thay bằng các đợt mang tính chất cục bộ.
Chúng ta vẫn cần áp dụng các biện pháp phòng dịch như truy vết nhanh các tiếp xúc và cách ly, xét nghiệm nhanh thường xuyên hơn và áp dụng thêm nhiều liệu pháp điều trị mới.
Trong thời gian này, chúng ta cần quan tâm mở rộng phạm vi tiêm vắc xin COVID-19 trong nước và trên toàn cầu.
Không ai trong chúng ta sẽ an toàn cho đến khi mọi người đều an toàn.
Nguồn: tuoitre.vn