Tính đến 8h30 sáng 8-7 (giờ Việt Nam), Mỹ đã vượt qua cột mốc 3 triệu ca nhiễm virus corona, nhiều bang ghi nhận số ca nhiễm cao kỷ lục. Úc quyết định phong tỏa thành phố lớn thứ hai của nước này là Melbourne, ‘nhốt’ hơn 5 triệu người dân.
Dịch COVID-19 hiện nay đã lây lan ra 213 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Cho đến nay, 11.920.632 người đã mắc phải căn bệnh này, 545.275 người đã chết vì đại dịch và 6.836.368 người khỏi bệnh.
Việt Nam 0 ca mắc mới, 93% bệnh nhân COVID-19 đã khỏi
Thông tin từ Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 sáng 8-7 cho biết trong 24 giờ qua Việt Nam không ghi nhận ca mắc bệnh mới, và đến nay đã 83 ngày Việt Nam không ghi nhận ca lây nhiễm trong cộng đồng.
Trước đó tối 7-7, tại Bệnh viện Đa khoa Bà Rịa – Vũng Tàu, ba bệnh nhân số 340, 341 và 350 đã được công bố khỏi bệnh. Như vậy đến thời điểm này Việt Nam đã có 345 trong số 369 bệnh nhân đã khỏi (chiếm 93,5%).
Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 cho biết ngày 11-7 bệnh nhân nam phi công người Anh sẽ được tổ chức tiễn ra viện để ngày 12-7 trở về Anh trên chuyến bay thương mại.
California ghi nhận số ca nhiễm hàng ngày cao kỷ lục
Sau Texas, bang California cũng đã báo cáo hơn 10.000 ca nhiễm virus corona trong ngày 7-7, mức tăng kỷ lục hàng ngày về số ca bệnh mới của bang. Ngoài California, Mỹ có 3 bang từng ghi nhận nhiều hơn 10.000 ca nhiễm COVID-19 hàng ngày là Texas, Florida và New York.
Theo hãng tin Reuters, California là một trong những bang ghi nhận số ca nhiễm COVID-19 tăng chóng mặt trong tuần qua, đặt ra câu hỏi về việc tổng thống Trump sẽ làm cách nào để xử lý cuộc khủng hoảng hiện nay trong bối cảnh các bang đang dần nới lỏng các biện pháp chống dịch.
Với 10.201 ca nhiễm mới trong ngày 7-7, California hiện đã có gần 284.000 người mắc COVID-19.
Nhật không cần lại tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia
Bộ trưởng Kinh tế Nhật Yasutoshi Nishimura ngày 8-7 nói rằng nước này không cần phải tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia mới vì đại dịch COVID-19, bất chấp số ca nhiễm đang tăng lên, với lý do số người mắc COVID-19 nặng vẫn ở mức thấp và hệ thống y tế vẫn đáp ứng được.
Tuy nhiên, ông Yasutoshi lưu ý về số ca nhiễm không thể truy vết cũng như các ca nhiễm là người cao tuổi, khẳng định cần phản ứng ở mức độ khủng hoảng đối với đại dịch này, theo hãng tin Reuters.
Hơn 3 triệu người mắc COVID-19 tại Mỹ Latin và Caribe
Theo thống kê của trang worldometers.info, đã có hơn 3 triệu người mắc COVID-19 tại khu vực Mỹ Latin và Caribe. Nơi đây hiện là tâm dịch COVID-19 mới của thế giới với 3.023.813 ca nhiễm virus corona và 140.000 người chết, theo hãng tin AFP.
Hơn nửa số ca nhiễm COVID-19 trong khu vực là ở Brazil (1.674.655 ca). Peru và Chile cũng đã ghi nhận hơn 300.000 ca COVID-19.
Mỹ vượt 3 triệu ca nhiễm COVID-19
Theo trang worldometers.info, Mỹ hiện đã ghi nhận 3.086.630 ca nhiễm COVID-19 và đã có 133.813 người chết vì đại dịch này.
Bang Texas phá vỡ kỷ lục vào ngày 7-7 (giờ Mỹ) khi báo hơn 10.000 ca nhiễm mới. Cơ quan Y tế bang Texas cho biết đây là mức tăng hằng ngày lớn nhất ở bang này kể từ khi đại dịch COVID-19 bắt đầu bùng phát.
Theo thống kê của Hãng tin Reuters, Texas, với 30 triệu dân, đã báo cáo số ca nhiễm COVID-19 mới hằng ngày nhiều hơn mức tăng hằng ngày được ghi nhận vào thời đỉnh dịch tại bất kỳ quốc gia nào khác ở châu Âu.
Các ổ dịch ở bang Texas, California, Florida và Arizona đã khiến Mỹ phá vỡ kỷ lục với cột mốc 3 triệu ca COVID-19 khi chứng kiến tỉ lệ lây nhiễm tăng chóng mặt.
Để kiểm soát sự lây lan của COVID-19, bang Texas đã ra lệnh đóng cửa các quán bar, giới hạn lượng khách tại các nhà hàng.
Ông Greg Abbott, thống đốc bang Texas, đã ban hành sắc lệnh hành pháp yêu cầu người dân phải đeo khẩu trang nơi công cộng. Ông Abbott cũng nói rằng việc phong tỏa lại tiểu bang này sẽ là biện pháp cuối cùng được tính đến nếu diễn tiến dịch tiếp tục phức tạp lên.
Cho đến nay, chỉ có 2 bang khác của Mỹ từng ghi nhận hơn 10.000 ca nhiễm COVID-19 trong một ngày là bang Florida với 11.458 ca vào ngày 4-7, và bang New York với 12.847 ca vào ngày 10-4.
Mỹ chính thức khởi động tiến trình rút khỏi WHO
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 7-7 cho biết đã nhận được các báo cáo về việc Mỹ chính thức thông báo với Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc quyết định rút khỏi WHO nhưng không thông tin chi tiết về vấn đề này.
Trước đó, Nhà Trắng thông báo Tổng thống Donald Trump chính thức bắt đầu rút Mỹ khỏi WHO sau nhiều chỉ trích về phản ứng của tổ chức y tế này trong đại dịch COVID-19. Dựa vào các điều kiện đặt ra khi Mỹ gia nhập WHO năm 1948, nước này có một năm để hoàn tất quá trình rút khỏi cũng như để thực hiện các nghĩa vụ tài chính khác.
Úc phong tỏa Melbourne, “nhốt” hơn 5 triệu dân
Trước tình hình các ca nhiễm COVID-19 tiếp tục tăng cao, chính phủ Úc ngày 7-7 đã quyết định phong tỏa thành phố lớn thứ hai của nước này là Melbourne, “nhốt” hơn 5 triệu người dân bên trong thành phố trong ít nhất 6 tuần.
Thống đốc bang Victoria Daniel Andrew khẳng định “chúng ta không thể giả vờ” cuộc khủng hoảng đã kết thúc sau khi thủ phủ của bang ghi nhận thêm 191 ca nhiễm mới trong vòng 24 giờ qua, theo Hãng tin AFP.
Nguồn: tuoitre.vn