Lãnh đạo Sở Y tế Kiên Giang đề xuất lập bệnh viện dã chiến do tỉ lệ người Việt về qua biên giới mắc Covid-19 rất lớn.
Tại cuộc họp trực tuyến phòng chống Covid-19 vừa diễn ra, ông Hà Văn Phúc, Giám đốc Sở Y tế Kiên Giang cho biết, công tác phòng chống dịch tại các tỉnh biên giới Tây Nam đang rất căng thẳng, trong bối cảnh số ca mắc tại các nước láng giềng như Campuchia, Thái Lan… tăng mạnh.
Thời gian qua, việc kiểm soát các ca nhập cảnh qua đường mòn, lối mở, trên biển không dễ dàng.
Ông dẫn chứng, Kiên Giang có 56km biên giới đường bộ, hơn 200km đường bờ biển, hàng ngày có hàng ngàn tàu cá, tàu chở dầu, chở nhu yếu phẩm của các nước cùng hoạt động nên việc kiểm soát xuất nhập cảnh trên bộ và trên biển rất khó khăn.
Một chốt biên phòng tại Kiên Giang làm nhiệm vụ chốt chặn, ngăn ngừa các trường hợp nhập cảnh trái phép.
Địa phương đã lập 112 chốt trên bộ cùng 16 tổ cơ động hơn 1 năm nay, trên biển có 9 tàu và 2 xuồng cao tốc, tổng lực lượng hơn 1.000 người thường xuyên canh gác, ứng trực, chưa kể lực lượng hải đoàn 28 và cảnh sát biển vùng 4.
“Dù anh em đã rất nỗ lực nhưng tình hình xuất nhập cảnh vẫn diễn biến rất phức tạp, còn nhập cảnh trái phép cả trên bộ và trên biển”, ông Phúc nêu thực tế.
Đặc biệt từ ngày 20/2 trở lại đây, khi dịch Covid-19 tại Campuchia bùng phát mạnh, rất nhiều người Việt từng xuất cảnh trái phép trước đây tìm mọi cách trở về.
Ông Phúc cho biết, từ tháng 3/2020 đến nay, toàn tỉnh cách ly tập trung hơn 6.000 người, trong đó 3.800 trường hợp cách ly từ ngày 20/2/2021 trở về trước, không có trường hợp nào dương tính.
Riêng từ ngày 20/2 đến nay, có 1.262 người về nước từ các nước giáp biên giới (cả hợp pháp và trái phép), trong đó đã có 36 ca dương tính, 8 ca nghi ngờ.
“Như vậy tỉ lệ mắc Covid-19 trong số người về khoảng 4% là rất cao. Trong thời gian ngắn lượng người về rất đông, có ngày 10 người về, cả 10 đều dương tính”, ông Phúc nói.
Hiện tại, tất cả các bệnh nhân mắc Covid-19 khi nhập cảnh đều được chuyển vào Trung tâm Y tế huyện Hà Tiên điều trị.
Lãnh đạo Sở Y tế Kiên Giang (giữa) kiến nghị Bộ Y tế cho lập bệnh viện dã chiến
Tuy nhiên ông Phúc cho biết, trung tâm này rất bé, chỉ điều trị được khoảng 30 bệnh nhân, nâng cấp tối đa cũng chỉ lên được 50 giường.
Trước tình hình trên, Kiên Giang kiến nghị Bộ Y tế sớm xem xét cho địa phương trình Thủ tướng thành lập bệnh viện dã chiến.
“Thông thường, bệnh viện dã chiến được thiết lập khi số ca nhiễm trong cộng đồng tăng mạnh, nhưng với Kiên Giang, bệnh viện dã chiến để thu dung, điều trị bệnh nhân từ biên giới về. Chúng tôi nhận định, bệnh viện này có thể tồn tại trong 1-2 năm tới cho đến khi dịch tại Campuchia, Thái Lan và các nước Đông Nam Á kiểm soát được”, ông Phúc lý giải.
Lãnh đạo Sở Y tế Kiên Giang cho biết thêm, không thể sử dụng Trung tâm Y tế Hà Tiên thành bệnh viện dã chiến, vì kéo dài sẽ ảnh hưởng đến chăm sóc sức khoẻ nhân dân.
Ông Phúc đề xuất, khi có bệnh viện dã chiến, chỉ điều trị những bệnh nhân nhẹ, các ca có triệu chứng sẽ chuyển vào Trung tâm Y tế huyện Hà Tiên.
Theo ông Phúc, Campuchia đang thực hiện phong toả trong 2 tuần, đây là khoảng thời gian phù hợp để đẩy nhanh việc xây dựng bệnh viện dã chiến trước khi đón tiếp một lượng lớn người Việt trở về khi lệnh giới nghiêm được dỡ bỏ.
Ông cũng đề nghị Bộ Y tế ưu tiên bổ sung vắc xin ngừa Covid-19 cho địa phương do tỉnh vừa có biên giới đường bộ, biên giới trên biển nên nhóm đối tượng ưu tiên rất lớn. Đồng thời kiến nghị Bộ hỗ trợ vật tư, sinh phẩm và máy móc thiết bị vì hiện tại việc mua sắm rất khó khăn do giá đã tăng cao.
“Tôi cũng đề nghị Bộ Y tế sớm tổng kết thực tiễn chống dịch tại Hải Dương và các địa phương khác thành cẩm nang để các địa phương khác học tập và mong đoàn công tác của Bộ Y tế sớm vào các tỉnh Tây Nam để có hướng dẫn, hỗ trợ”, ông Phúc nêu.
Về đề xuất xây dựng bệnh viện dã chiến, ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh cho rằng chưa cần thiết.
“Trước mắt số lượng bệnh nhân ít, vẫn nên chuyển vào Trung tâm Y tế Hà Tiên điều trị. Bệnh viện dã chiến chỉ xây dựng khi có 100-200 bệnh nhân”, ông Khoa nói.
Dù vậy, bệnh viện phải chuẩn bị sẵn phương án, lập sẵn kế hoạch khảo sát địa điểm, quy trình, thiết kế, trang thiết bị để khi cần có thể triển khai xây dựng gấp rút trong 1-2 ngày.
Theo ông Khoa, có 2 loại bệnh viện dã chiến. Thứ nhất, tối ưu nhất là tận dụng cơ sở y tế hiện có, vì nếu không có hệ thống xử lý chất thải thì nguy cơ lây lan dịch bệnh rất lớn; Thứ hai, tận dụng một cơ sở dân sự như ký túc xá, khu thể thao, trường học…
Về kiến nghị hỗ trợ trang thiết bị, ông Khoa cho biết các địa phương phải chủ động trên nguyên tắc 4 tại chỗ. Bộ chỉ hỗ trợ khi vượt quá khả năng địa phương.
Liên quan đến số lượng vắc xin, Bộ Y tế cho biết, đợt 2 đã phân bổ xong và đang chuyển về các tỉnh nên việc điều chỉnh sẽ được xem xét khi tiếp nhận thêm những lô vắc xin mới.
Nguồn: vietnamnet