Trước mắt, câu hỏi này dường như đã có câu trả lời qua ý kiến người trong cuộc sau những ngày TP.HCM trở lại bình thường mới.

Đi lại ở TP.HCM sẽ rất khác? - Ảnh 1.

Khách đi xe buýt số 90 từ phà Bình Khánh – Cần Thạnh, huyện Cần Giờ, TP.HCM  

Từ đây, có thể hình dung ra việc các chính sách giao thông tại TP ít nhiều cũng cần có sự thay đổi linh hoạt cho đến khi việc đi lại trở lại bình thường hơn nữa.

Người dân, tài xế, đơn vị quản lý, chuyên gia đã nói gì về việc này?

Nỗi khổ của tiếp viên, tài xế

* Ông Mai Thái Cường (52 tuổi, tiếp viên bán vé xe buýt tuyến 53 bến ĐH Quốc gia TP.HCM):

Tôi đã sống trong xe buýt hơn 4 tháng

Từ khi dịch bệnh ở TP.HCM bùng phát, xe buýt ngưng chạy, thu nhập không có, tôi buộc phải trả nhà trọ thuê 1 triệu đồng/tháng, xách theo đồ đạc rồi chuyển vào chiếc xe buýt đang đậu trong bến ĐH Quốc gia TP.HCM sinh sống.

Không lời nào có thể diễn tả hết được sự bất tiện khi phải sống trên xe buýt 4 tháng qua, nhưng không sao, tôi vẫn thích nghi được. Bây giờ, tôi chẳng mong cầu điều gì quá lớn lao, chỉ mong dịch chóng qua để xe buýt chạy lại, tôi lại làm tiếp viên xe buýt, trở về với cuộc sống bình thường.

Những tháng qua, tôi chỉ biết nằm dài chờ đợi. Đến khi TP.HCM trở lại bình thường mới, tôi cùng nhiều anh em tài xế, tiếp viên cũng sống trên xe buýt ở bến đã chủ động đi kiếm thêm công việc khác để làm trong khi chờ xe buýt chạy lại.

Tôi mới xin được công việc làm phụ hồ hai bữa nay, việc này có hơi lạ nhưng được đi làm tôi thấy thoải mái lắm.

* Ông Phạm Văn Thân (52 tuổi, phụ xe buýt tuyến Bình Khánh – Cần Thạnh, huyện Cần Giờ):

Lần đầu tiên chở khách ít vậy

Từ ngày 5-10, 4 tuyến xe buýt ở huyện Cần Giờ được hoạt động trở lại, trong đó có tuyến của tôi. Khi xe buýt chạy lại, các tài xế, phụ xe đều mừng lắm, ấy thế mà… khách vắng tanh. Suốt 4 năm làm tiếp viên đến nay, tôi chưa bao giờ thấy cảnh khách đìu hiu như thời điểm này.

Trước đây, mỗi ngày tuyến xe buýt của tôi cứ 8 phút chạy một lần. Còn bây giờ số xe đã giảm một nửa và tăng thời gian chờ lên 20 phút nhưng có chuyến chỉ một hoặc không có người nên chúng tôi đành cố gắng chạy cầm chừng.

Tôi nghĩ người dân vẫn còn e dè chưa dám đi vì lây nhiễm, phần nữa vì nhiều người chưa đi làm lại nên xe buýt vẫn vắng tanh.

* Ông Nguyễn Ngọc Binh (giám đốc Hợp tác xã vận tải 28, TP.HCM):

Xã viên xin bỏ nghề, hợp tác xã động viên

Các tuyến xe buýt của hợp tác xã dự kiến sang tháng 11 sẽ chạy lại nhưng dự báo thời gian tới các xe buýt chạy lại cũng chỉ cầm chừng. Điều chúng tôi lo lắng là tâm lý e dè do dịch sẽ khiến xe buýt vắng khách, thu không đủ bù chi, càng chạy càng lỗ.

Sau một thời gian khó khăn, nhiều xã viên, tài xế, tiếp viên đang dần dần mất đi động lực do thua lỗ, sống không được với nghề. Một số xã viên chồng làm tài xế, vợ con bán vé còn lây lất qua ngày, còn xe nào thuê tài xế, thuê nhân viên thì chịu không nổi đành bỏ cuộc.

Với trách nhiệm người đứng đầu hợp tác xã, tôi cũng động viên anh em cố gắng chạy một thời gian xem sao rồi tính. Nhưng đường dài rất lo, phía trước còn quá nhiều khó khăn…

Đi lại ở TP.HCM sẽ rất khác? - Ảnh 2.

Ông Mai Thái Cường (tiếp viên bán vé xe buýt số 53) sống trong chiếc xe buýt suốt 4 tháng qua. Ông đang ăn vội cơm trưa để đi phụ hồ trong ngày chờ xe buýt chạy lại 

Cần tầm nhìn xa hơn

* Ông Lê Trung Tính (chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách liên tỉnh và du lịch TP.HCM):

Lo người dân thay đổi thói quen đi lại

Trước đây, việc sử dụng phương tiện công cộng để đi lại làm việc, học hành và vui chơi, giải trí đã là một yêu cầu rất khó thực hiện vì sự thiếu thốn, sự bất hợp lý của các hệ thống vận tải hành khách công cộng ở các đô thị.

Ở thời điểm hiện nay, tâm lý e ngại sử dụng xe công cộng để đi lại là thêm một lý do khách quan. Do đó, thời gian công bố hết dịch càng dài thì tác động đến thói quen sử dụng phương tiện công cộng để đi lại càng lớn, dẫn tới thay đổi “thói quen đi lại” mà TP.HCM nhiều năm dày công xây dựng là điều đáng lo.

Tổ chức WHO và các chuyên gia trên thế giới đã dự liệu ít nhất đại dịch COVID-19 cũng sẽ chỉ chấm dứt vào cuối năm 2023.

Chính vì thế ngay từ bây giờ khi hoạch định chính sách phục hồi và phát triển vận tải hành khách công cộng, chúng ta không thể chỉ nhìn ngắn hạn mà phải có tầm nhìn dài hạn, ít nhất là trong vòng 3 – 5 năm tùy theo lĩnh vực hoặc ngành.

Ví dụ, vận tải hàng hóa sẽ phục hồi trong vòng 1 – 2 năm, vận tải hành khách phải từ 2 – 3 năm; vận tải hàng không phải mất 3 – 5 năm.

Ngoài ra, việc tổ chức đấu thầu toàn bộ hệ thống xe buýt theo lộ trình trước đây là vấn đề cần xem lại. Nhân cơ hội này chúng ta phải thay đổi chính sách như chỉ tổ chức đấu thầu những tuyến tốt nhất, có hành khách đi lại nhiều nhất, có khả năng hòa vốn hoặc sinh lời…

Về tài chính, cần đẩy mạnh các gói hỗ trợ lớn đủ tầm nhằm giúp các doanh nghiệp có điều kiện tái hoạt động. Bộ Y tế nên nhanh chóng ban hành sớm giao quyền xét nghiệm về cho các doanh nghiệp nhằm giảm chi phí và thời gian.

Để nuôi dưỡng sức doanh nghiệp và hợp tác xã sau thời gian dài khó khăn, cần giảm sâu và kéo dài thời gian giảm mức phí đường bộ, lùi thêm thời gian lắp camera xe khách, thu phí cảng biển và bán vé tự động trên xe buýt.

* Ông Hà Ngọc Trường (phó chủ tịch Hội Cầu đường cảng TP.HCM):

Cần tuyên truyền tốt hơn, tránh tâm lý e ngại

Chúng tôi đã đi khảo sát trên một số tuyến xe buýt mới hoạt động trở lại và thấy xe buýt rất ít khách, có những chuyến chỉ có từ hai đến ba khách. Đây là điều đáng lo ngại, nhất là trong bối cảnh từ ngày 25-10 đến đầu tháng 11, hệ thống xe buýt sẽ mở thêm nhiều tuyến.

Trên thực tế, việc đi lại trên xe buýt hiện nay khá an toàn do có giãn cách số chỗ và trên xe trang bị đầy đủ thiết bị để phòng chống dịch. Do đó, cần tuyên truyền cho người dân hiểu và quay lại với xe buýt nhằm hạn chế xe cá nhân mà TP.HCM đang thực hiện suốt thời gian vừa qua.

Các phương án dài hạn đối với việc phát triển mạng lưới giao thông công cộng linh hoạt mà các chuyên gia đã góp ý cho Sở GTVT thời gian qua là:

– Điều tra, khảo sát lại tình hình đi lại của người dân cũng như tình hình vận chuyển xe buýt trong giai đoạn vừa qua.

– Củng cố và điều chỉnh linh hoạt lại mạng lưới tuyến để thích ứng với tình hình mới.

– Đề nghị TP thông qua để thí điểm phương án sử dụng xe buýt mini chạy ở các tuyến đường dưới 7m để đón khách trong các hẻm, đường nhỏ ra đường lớn hoặc kết nối với tuyến metro trong tương lai bởi xe buýt lớn mà chạy vào các đường nhỏ là không phù hợp, lãng phí, ùn tắc…

Khách đi xe còn e ngại

* Anh Nguyễn Duy Phương (hành khách duy nhất trên chuyến xe buýt 90 hôm 22-10, tuyến Bình Khánh – Cần Thạnh):

Xe buýt chưa đồng bộ thì ít khách

Tôi đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin nên ngay khi công ty làm việc trở lại thì mình cũng cảm thấy yên tâm di chuyển bằng xe buýt đi làm mỗi ngày.

Theo tôi, lượng khách vắng thế này có thể do nhiều người vẫn chưa đi làm và các tuyến xe buýt cũng chưa hoạt động đồng bộ, như tuyến buýt số 20 (Bến Thành – Nhà Bè) vẫn chưa chạy lại thì lượng khách từ TP về đây để đi xuống Cần Giờ vẫn còn ít.

* Bà Nguyễn Thị Kim Đào (60 tuổi, ngụ ở TP Thủ Đức):

Xe buýt tiện cho người lớn tuổi nhưng ngại

Trước đây tôi thường chọn xe buýt để đi làm, đi chợ… Từ ngày về hưu, cứ cuối tuần tôi leo lên chuyến xe buýt 141 (KDL BCR – Long Trường – KCX Linh Trung 2) đi thăm con cháu. Tôi chọn xe buýt thay vì xe máy vì đi an toàn, không mệt mỏi khi kẹt xe…

Thời gian tới khi xe buýt hoạt động lại, tôi cũng ngần ngại chưa dám đi. Tôi lo xe buýt hay các phương tiện công cộng khác đều tập trung đông người trong một không gian nhỏ, kín, sợ lây lan dịch bệnh.

Hơn nữa, hiện toàn TP chỉ mới mở lại vài tuyến xe buýt, không có kết nối, số chuyến giảm hẳn so với trước đây. Như vậy, quá trình đi lại sẽ bị ảnh hưởng không nhỏ. Chính vì vậy, con cái không cho tôi đi xe buýt nữa.

Tỉ lệ lây nhiễm trên xe công cộng rất thấp

Theo TS Vũ Anh Tuấn – giám đốc Trung tâm nghiên cứu giao thông vận tải Việt Đức, đến nay rất nhiều người dân lầm tưởng cứ leo lên xe buýt, xe khách… thì dễ bị lây nhiễm dịch COVID-19, dẫn đến e ngại.

Trong khi đó, nhiều quốc gia trên thế giới như Mỹ, Pháp, các nước châu Âu đã có nghiên cứu và đưa ra kết luận thực tế tỉ lệ lây nhiễm COVID-19 trên xe công cộng chỉ khoảng 1%. Con số này thấp hơn rất nhiều so với ở môi trường chợ, công ty…

Nếu bạn đi xe buýt thì chỉ ở trên xe từ 15 phút đến hơn 30 phút, chỉ cần thực hiện đầy đủ biện pháp phòng chống dịch thì nguy cơ lây nhiễm dường như không có.

Như vậy, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP sớm triển khai một cuộc khảo sát nhu cầu đi xe buýt của hành khách trước và sau giãn cách xã hội, thống kê lại tỉ lệ người chọn xe buýt trong thời gian tới.

Đồng thời khảo sát này sẽ giúp nhận định tâm lý người dân thay đổi như thế nào ở giai đoạn sắp tới. Căn cứ vào đó, các đơn vị đề xuất kế hoạch mở lại xe buýt thận trọng, có giai đoạn và lộ trình. Sau đó áp dụng công nghệ trong việc giám sát hoạt động an toàn của các chuyến xe.

Xe liên tỉnh quá ế, đường sắt khách đầy toa

* Ông Nguyễn Hoàng Huy – tổng giám đốc bến xe Miền Đông:

Đi lại liên tỉnh cũng còn tùy tình hình

Hiện nay, chỉ mới có 7 tuyến xe liên tỉnh khởi động trở lại để kết nối với TP.HCM, trong đó có tuyến đi các tỉnh Bình Định, Đồng Nai, Phú Yên…

Tuyến đi Đắk Lắk đăng ký chạy trước đó phải tạm ngưng do tài xế vi phạm quy định phòng dịch của địa phương. Tuy nhiên, doanh nghiệp đăng ký chạy và số chuyến còn thưa thớt. Qua thời gian chạy thí điểm từ ngày 13-10, sản lượng hành khách không cao.

Thậm chí, có chuyến xe chỉ chở vài khách. Sở dĩ như vậy là vì hành khách còn e ngại các quy định về vắc xin, cấp độ dịch… Hơn nữa, tình hình dịch bệnh vừa bắt đầu ổn định, tâm lý dân vẫn sợ đi xe liên tỉnh di chuyển đường xa dễ lây lan dịch bệnh.

Mỗi địa phương lại có quy định về phòng chống dịch COVID-19 khác nhau. Chính vì vậy, cơ quan nhà nước hết sức thận trọng, từng bước đề xuất mở lại từng tuyến sao cho phù hợp nhu cầu người dân và tình hình dịch bệnh. Khi đảm bảo các yêu cầu an toàn, tuyến liên tỉnh trở lại nhiều, lượng khách sẽ dần tăng trở lại.

gasaigon

Người dân mua vé tàu tại Ga Sài Gòn (Q.3, TP.HCM) vào trưa 21-10 

Đại diện Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Sài Gòn:

Khách đi tàu kín chỗ

Sau khi Bộ GTVT có hướng dẫn mới về tổ chức giao thông đường sắt, đơn vị đã tăng thêm tàu trên các tuyến Bắc – Nam và các tuyến khu đoạn. Cụ thể, hàng ngày tuyến Bắc – Nam sẽ chạy 3 đôi tàu SE3/4, SE5/6 và SE7/8.

Đối với các đoàn tàu chặng ngắn, ở phía Nam, công ty tổ chức chạy tàu Sài Gòn – Đà Nẵng và ngược lại; còn ở phía Bắc, ngành đường sắt đang tổ chức chạy các đoàn tàu Hà Nội – Vinh, Hà Nội – Hải Phòng…

Theo quy định từ ngày 21-10, khách đi tàu ở các vùng xanh, vàng, cam không cần xét nghiệm; chỉ yêu cầu xét nghiệm các trường hợp có biểu hiện các triệu chứng nghi ngờ hoặc có điều tra dịch tễ từ địa bàn vùng dịch cấp 3; khách từ vùng đỏ (vùng 4) hoặc cách ly y tế vùng (phong tỏa).

Người tiêm đủ liều vắc xin hoặc F0 khỏi bệnh chỉ yêu cầu xét nghiệm (PCR hoặc test nhanh trong vòng 72 giờ) khi có yêu cầu điều tra dịch tễ, đến từ địa bàn có dịch cấp 4 hoặc vùng phong tỏa.

Về phòng chống dịch, hiện nay trên tàu vẫn bố trí 1 toa dành riêng cho khách vùng 4 mua vé và ngồi trên toa này. Các quy định của Bộ GTVT đều được công ty thực hiện tốt như cập nhật danh sách hành khách đến địa phương để gửi cho địa phương, lưu giữ cam kết của hành khách đi tàu…

Từ ngày bắt đầu hoạt động trở lại, từ 13 đến 20-10, các đoàn tàu Bắc – Nam xuất phát từ ga Sài Gòn hầu như kín chỗ, hết vé. Các chính sách giá vé vẫn như công bố từ tháng 8-2021và công ty không tăng giá. Với việc nới các điều kiện đi lại về xét nghiệm, dự báo trong thời gian tới lượng khách đi tàu sẽ đông hơn.

screen shot 2021-10-24 at 09

Ngại phương tiện công cộng là tình hình chung

Xu hướng bao trùm là người dân đã chuyển từ các phương tiện giao thông công cộng (GTCC) như xe buýt, tàu điện, tàu điện ngầm (metro) sang các phương tiện đi lại cá nhân như xe hơi, xe đạp.

Ngại xe buýt, tàu điện

Theo trang web của Diễn đàn Kinh tế thế giới, có tới 1/3 cư dân tại một số đô thị lớn trên thế giới đã không còn dùng phương tiện GTCC như tàu điện, xe buýt… vì e ngại COVID-19.

Báo cáo “Giao thông công cộng toàn cầu năm 2020” của Công ty Moovit nghiên cứu về thói quen đi lại của người dân tại 104 thành phố ở 28 quốc gia cho thấy dịch COVID-19 và các đợt phong tỏa cũng như xu hướng làm việc từ xa gia tăng đã khiến lượng người di chuyển hằng ngày bằng phương tiện GTCC cũng giảm theo.

Ví dụ tại thành phố Thessaloniki của Hy Lạp, 34,3% người dân không còn dùng phương tiện GTCC vì ngại COVID-19. Bên cạnh đó, 45% cư dân thành phố này nói họ cũng giảm dùng GTCC. Còn trên toàn nước Mỹ, khoảng một nửa những người thường xuyên phải đi lại bằng các phương tiện GTCC nói họ đã giảm bớt vì tác động dịch bệnh.

Không ngạc nhiên khi một nghiên cứu công bố cuối năm ngoái của Công ty Continental của Đức đã bình luận phương tiện giao thông cá nhân là “bên thắng cuộc” trong cuộc khủng hoảng COVID-19. Nghiên cứu khảo sát nhận thấy để giảm thiểu tiếp xúc với những người khác, nhiều người chọn đi lại bằng xe hơi, trong khi việc sử dụng các phương tiện GTCC giảm mạnh.

Theo Công ty Continental, xu hướng này đặc biệt rõ rệt tại Trung Quốc. Ở đây, gần một nửa những người tham gia khảo sát cho biết lúc này họ đi lại bằng xe hơi thường xuyên hơn. Tại Đức, 1/4 những người được hỏi cũng trả lời tương tự. Ngay cả ở Pháp, dù việc tự do di chuyển bị hạn chế đáng kể thì cũng có 16% người dân đã dùng xe hơi thường xuyên hơn so với thời điểm trước khi bùng dịch.

Tất nhiên các con số trên đến từ việc một nửa số người tham gia khảo sát tại Đức nói họ ít dùng phương tiện GTCC hơn trước. Hơn một nửa người dân ở Trung Quốc và Nhật cũng có xu hướng này. Kể từ khi bùng dịch COVID-19, 57% người Nhật giảm dùng phương tiện GTCC.

xedap nuoc ngoai

Số con đường ưu tiên cho xe đạp đã tăng mạnh tại thành phố Brisbane của Úc trong đại dịch COVID-19 

Có thay đổi luôn?

Không chỉ xe hơi, xe đạp cũng “lên ngôi” trong cùng khoảng thời gian COVID-19 hoành hành tại nhiều nước, như tại thành phố Brisbane, bang Queensland (Úc). Theo báo Brisbanetimes, từ tháng 5 năm ngoái, việc đi lại bằng xe đạp đã tăng khoảng 22% những ngày trong tuần và tới 91% những ngày cuối tuần tại đây.

Về thương mại, các cửa hàng bán xe đạp đã tăng doanh số bán tới 300% số mũ bảo hiểm dành cho người đi xe đạp và tăng 400% doanh số bán xe đạp cho trẻ em. Xu hướng này thậm chí đã khiến một số ý kiến đề nghị Brisbane có nên cấm xe hơi ra vào một số tuyến đường ở thành phố này để khuyến khích người dân chuyển luôn sang xe đạp hay không.

Thực tế, nhiều thành phố đã có những động thái cụ thể khuyến khích người dân chuyển sang đi xe đạp hay đi bộ và thậm chí còn muốn duy trì xu thế này tới cả sau khi hết dịch.

Theo báo Guardian, thành phố Lombardy (Ý) năm ngoái đã công bố kế hoạch tham vọng chuyển đổi 35km đường phố thành đường dành cho xe đạp và người đi bộ để giảm bớt xe hơi, ngăn ô nhiễm cũng như tắc đường.

Thành phố miền bắc nước Ý này và cả vùng Lombardy xung quanh là khu vực ô nhiễm nhất châu Âu và cũng là nơi bị ảnh hưởng dịch COVID-19 nặng nề nhất hồi năm ngoái.

Nhiều nghiên cứu lớn được thực hiện gần đây cho thấy thói quen đi lại và sử dụng các phương tiện giao thông công cộng (GTCC) của người dân đã thay đổi trong khoảng 2 năm qua khi dịch COVID-19 hoành hành tại nhiều nước.

Một câu hỏi lớn là liệu xu hướng chuộng xe riêng có còn tiếp tục sau khi đại dịch lắng dịu? Khảo sát của Continental cho thấy khoảng 6% người dân ở Đức và 15% người dân ở Mỹ nói họ đã mua một chiếc xe hơi hoặc đang cân nhắc mua một chiếc. Tại Trung Quốc, dù tỉ lệ người có xe hơi vẫn rất thấp, nhưng cũng có tới 58% người dân có ý định này.

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : Bình thường mớiCOVID-19Đi lại ở TP.HCMgiao thôngmáy baytàu hỏaxe buýt

Các tin liên quan đến bài viết