Tôi cũng chẳng dám nhận mình là “master” hay “chuyên gia” của những chuyến đi. Nhưng tôi thường xuyên “cắp nách” cả nhà lên đường, khi ngẫu hứng, lúc vào các dịp lễ lớn – tranh thủ khi lũ trẻ không bận học và ông xã tôi chẳng cần tăng ca. Thế nên, tôi cũng tự đúc rút cho mình một vài kinh nghiệm “bỏ túi” để chia sẻ cùng các anh chị em.
1. Lên lịch sớm – đặt phòng, book tour ngay!
Chuyện quá tải ở các điểm du lịch vào dịp cuối tuần hay trong các kỳ nghỉ lớn như 30/4 – 1/5 là điều quá hiển nhiên, ai cũng có thể dự đoán trước. Chính bởi vậy, trước mỗi chuyến đi, bạn nên tìm hiểu thật kỹ về nơi mình định đến, từ đó lên kế hoạch đặt vé, đặt phòng, book tour… càng sớm càng tốt.
Việc tìm hiểu kỹ lưỡng về địa điểm du lịch sẽ giúp bạn tránh được những sự cố ngoài ý muốn như chuẩn bị quần áo không phù hợp, lạc đường, bị taxi gạt, bị hàng quán “chặt chém”…
Việc lên kế hoạch sớm chắc chắn sẽ giúp bạn có nhiều lựa chọn khi đặt vé máy bay, book phòng…, từ đó, giá dịch vụ “ổn áp” hơn nhiều. Hơn nữa, bạn cũng đừng mù quáng tin vào lời quảng cáo “tour siêu rẻ” với “ưu đãi khủng”… Của rẻ là của ôi, hơn nữa gần đây có quá nhiều phốt lừa đảo tour du lịch ở các resort hạng sang. Các chị cần cân nhắc thật kỹ trước khi xuống tiền đặt bất cứ thứ gì.
2. Đừng ngại chuyện hỏi giá trước khi ăn
Nhiều bạn cứ bảo “ai lại hỏi giá, cò kè từng đồng khi đi du lịch”. Nói thật hay mất lòng nhưng tôi khuyên các bạn cứ gạt phắt cái sĩ diện hão ấy đi, đừng ngại người ta nghĩ mình “quê” hay “ít tiền”! Chẳng cứ khi ăn mà lúc đặt xe để di chuyển, mua đồ đặc sản… – nói tóm lại là làm gì thì các bạn cũng nên hỏi giá trước. Không chỉ giá đồ ăn đồ uống mà phải hỏi kỹ cả phí phục vụ, tiền ghế ngồi, khăn tắm… – mọi thứ đều cần hỏi kỹ lưỡng để tránh chuyện bị hớ sau cuộc vui. Kỳ thực, hỏi giá trước khi sử dụng dịch vụ mới là khách hàng thông minh đấy ạ!
Bạn cũng nên mặc cả trước khi mua đồ nhé. Các anh thường không nắm rõ giá cả nhưng các chị thì có thừa sự khéo léo, nhạy bén rồi. Kể cả vào nhà hàng, các chị cứ nửa đùa nửa thật “có bớt chút không em?”, thế nào chẳng được ưu đãi và tránh chuyện phải chi tiền “trên trời” cho món không đáng giá.
Một tip nhỏ nữa là phải chọn đồ phù hợp. Ví dụ đi biển, các chị gọi thịt trâu, thịt bò, gà đi bộ… làm gì cho “đội” tiền? Kinh phí eo hẹp thì mình chọn ngao, bề bề, ghẹ nhỏ thôi. Còn xông xênh thì mình ăn cua, tôm huỳnh đế… Mua đặc sản về làm quà cũng thế – đã tìm hiểu trước thì các chị đều biết thứ nên mua và cái gì cần tránh. Trước khi thanh toán, các bạn nên rà soát hoá đơn cũng như mâm cơm/túi đồ của mình để tránh rơi vào bẫy chiêu trò tăng món dù khách không gọi của nhà hàng.
3. Quyết định luôn và ngay – dứt khoát – đừng “dây dưa”
Hàng quán nào cũng đông khách trong dịp lễ tết. Dù họ hết lòng muốn phục vụ chu đáo từng khách nhưng “lực bất tòng tâm”, khó trách lắm các chị ạ. Thế nên, em khuyên các chị khi đã chọn được món mình ưng thì quyết nhanh và dứt khoát luôn.
Ví dụ vào một quán hải sản, bạn nên “đi chợ” một vòng từ thực đơn tới quầy tươi sống, hỏi rõ món gì còn, món gì thiếu từ nhân viên phục vụ. Sau đó chỉ gọi một lượt thôi, đừng gọi thêm nếm làm gì. Như thế chúng ta mới được ăn ngay, món nóng, phục vụ chu đáo…
Sau bữa ăn, nếu cả nhà còn đói, các chị có thể đi dạo phố, thử thêm một vài món ăn vặt của địa phương. Như thế chẳng tiện cả đôi đường, nếm thử nhiều đặc sản hay sao?
4. Đừng quên lưu số điện thoại đường dây nóng
Câu chuyện bị “chặt chém” rồi ấm ức chịu trận về post lên Facebook chẳng còn xa lạ ở thời 4.0 này. Nhưng tôi nói thật, tại sao các bạn không làm rõ ràng mọi chi tiết ngay và luôn mà phải chờ tới về nhà mới “bóc phốt”?
Theo tôi, cách tốt nhất khi bị “chặt chém” là tìm số đường dây nóng phản ánh tình trạng du lịch của địa phương và gọi điện báo trực tiếp. Như thế vừa giúp đảm bảo quyền lợi của mình vừa tránh tình trạng xô xát nếu gặp người bán hàng hung hăng, nóng tính.
5. Nhờ sự trợ giúp của người bản xứ
Tôi thì được cái tính quảng giao, ở đâu cũng có bạn. Thế nên trước mỗi chuyến đi, tôi thường gọi trước cho bạn ở địa phương đó. Tới nơi cũng sẽ hẹn hò cafe và tranh thủ hỏi thăm tình hình địa phương để được tư vấn nơi nên đi, không nên đi, chỗ phải ăn, chốn hãy bỏ qua… Có người bản địa hỗ trợ chẳng vui sướng và tiện lợi hơn nhiều sao?
Các bạn cũng nên tuyệt đối né “cò”. Công việc của họ là giúp hàng quán “chặt chém” du khách nên dù họ có tốt tới mấy cũng chẳng thương quý mình đâu! Hãy “rắn” nhất có thể để tránh tiền mất tật mang!
Những kinh nghiệm đã theo tôi đi khắp nẻo đường đất nước và cả khi ra nước ngoài du lịch. Nếu bảo hiệu quả 100% thì tôi không dám chắc những thế nào cũng ít nhiều hữu ích, giúp các chị và gia đình tránh cảnh vừa bị “chặt chém” vừa ôm cục tức khi đi du lịch những dịp đông đúc.
Nguồn: vietnamnet