Nhiều ý kiến băn khoăn việc sử dụng các chứng chỉ ngoại ngữ với điểm thi để xét tuyển đầu vào ở nhiều trường đại học liệu có phải là “thiên vị” không?
Một học sinh tên Khoa, Trường THPT Lê Quý Đôn (Hà Nội) cho rằng, các phương thức xét tuyển thẳng hoặc tuyển kết hợp chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế có khi chiếm lên đến 40% chỉ tiêu của một số trường.
“Các bạn đi học các chứng chỉ quốc tế sẽ có lợi thế hơn so với các bạn còn lại. Việc xét tuyển kết hợp này thu hẹp cơ hội cho các học sinh không có chứng chỉ ngoại ngữ”, Khoa băn khoăn.
Trả lời câu hỏi này của thí sinh, PGS.TS Vũ Thị Hiền, Trưởng phòng Quản lý đào tạo Trường ĐH Ngoại thương cho hay, thực tế, cũng đã có nhiều ý kiến trái chiều cho rằng việc xét tuyển bằng chứng chỉ ngoại ngữ là không công bằng.
Theo bà Hiền, việc sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ trong xét tuyển là hợp lý bởi đặt trong tương quan với thế giới, một trường đại học khi xét tuyển đầu vào thường dựa trên nhiều tiêu chí. Bên cạnh đó, chứng chỉ ngoại ngữ được đánh giá theo mức đánh giá toàn cầu nên hoàn toàn khách quan. Cùng với đó, các thí sinh không có điều kiện thi chứng chỉ vẫn có những lựa chọn khác như thi THPT, đánh giá năng lực,… để xét tuyển đầu vào.
“Như các nước có nền giáo dục phát triển, khi xét tuyển thí sinh vào một chuyên ngành, họ xét đồng thời rất nhiều tiêu chí: từ học bạ đến chứng chỉ quốc tế, cho đến các kỳ thi năng lực,… Chúng ta thấy việc đánh giá những chứng chỉ IELTS, TOEFL là khách quan, cho nên xu hướng sử dụng các chứng chỉ ngoại ngữ này vào xét tuyển thí sinh là tất yếu.
Tuy nhiên, thực tế là ở Việt Nam thì không phải ai, gia đình nào cũng có điều kiện, thời gian để đi học và thi để có các chứng chỉ này, do đó chúng ta vẫn còn những phương thức khác để xét tuyển.
Hiện, có rất nhiều trường đại học ở Việt Nam hiện nay vẫn để tỷ lệ chỉ tiêu lớn xét tuyển các thí sinh dùng điểm từ kỳ thi tốt nghiệp THPT, hay các kỳ thi đánh giá năng lực. Tức các thí sinh không có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế vẫn hoàn toàn có đủ điều kiện và nhiều cách để vào được những trường đại học/chương trình mong muốn”, bà Hiền nói.
PGS.TS Vũ Thị Hiền, Trưởng phòng Quản lý đào tạo Trường ĐH Ngoại thương. |
Ngoài ra, theo bà Hiền, hầu hết, những chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế thường cũng chỉ dùng xét tuyển cho các chuyên ngành, những chương trìn đòi hỏi cao về khả năng Tiếng Anh.
“Các trường vẫn tuyển và dành chỉ tiêu cho các thí sinh chưa có điều kiện thể hiện được năng lực Tiếng Anh (có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế) bằng những phương thức xét tuyển khác. Các em vẫn có thể dùng những tổ hợp các môn thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển vào những chuyên ngành nhất định”.
Do đó, bà Hiền cho rằng việc sử dụng những chứng chỉ này không phải là điều mang tính chất tiêu cực.
Nguồn: vietnamnet