UBND TP. Hà Nội vừa báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc đầu tư xây dựng tổ hợp thể thao Hàng Đẫy để phục vụ Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 31 – SEA Games 31. Trước đó, sân vận động Hàng Đẫy đã được UBND TP. Hà Nội giao cho Tập đoàn T&T của ông Đỗ Quang Hiển (bầu Hiển) quản lý.

Theo báo cáo, khu đất đề xuất nghiên cứu lập dự án đầu tư xây dựng có tổng diện tích 32.158 m2, bao gồm khu vực Sân vận động Hàng Đẫy và phụ cận (gồm khu vực nhà thi đấu Trịnh Hoài Đức và khu đất của Sở Kế hoạch và Đầu tư), thuộc phường Cát Linh, quận Đống Đa, TP.Hà Nội.

Tổ hợp thể thao sân vận động Hàng Đẫy được thiết kế 3 khu chức năng khác nhau: khu vực sân vận động, được xây dựng trên khu đất sân vận động hiện nay; Khu vực nhà thi đấu, được xây trên nền khu đất nhà thi đấu Trịnh Hoài Đức; Khu vực văn phòng làm việc, được xây dựng trên khu đất của Sở Kế hoạch và Đầu tư.

Theo dự kiến, Hà Nội khu đất sân vận động Hàng Đẫy mới có diện tích 23.433 m2, với sức chứa 20.000 chỗ ngồi, cao 35 m, 4 tầng hầm liên thông khu vực lập dự án (2 tầng thương mại dịch vụ, 2 tầng để xe).

Khu đất phụ cận xây dựng nhà thi đấu Trịnh Hoài Đức đa năng rộng 6.938 m2, có 1.500 chỗ ngồi. Nhà thi đấu này có tổng chiều cao 35 m (8 tầng, 1 tum).

Theo quy hoạch, tầng 1 được bố trí sảnh, nhà thi đấu đa năng, khán đài và khu dịch vụ; tầng 2-3 là khu dịch vụ; tầng 4-8, là khu dịch vụ và văn phòng…

“den xanh” lai bat cho giac mo hoi sinh “thanh duong bong da” hang day cua bau hien hinh anh 1

 Phối cảnh Sân vận động Hàng Đẫy sau khi được đầu tư cải tạo.

Dự kiến, tổng mức đầu tư tổ hợp thể thao sân vận động Hàng Đẫy khoảng 6.309 tỷ đồng, theo nguồn vốn xã hội hóa 100%. Đổi lại, nhà đầu tư được khai thác, vận hành sân vận động khoảng 50 năm.

TP.Hà Nội đang hoàn thiện các thủ tục pháp lý để sớm khởi công tổ hợp sân vận động Hàng Đẫy, nhằm đáp ứng mục tiêu đến tháng 10.2021 hoàn thành, phục vụ SEA Game 31.

Trước đó, Ban Cán sự Đảng UBND TP.Hà Nội đã có báo cáo gửi Thường trực Thành ủy về việc đầu tư xây dựng tổ hợp thể thao SVĐ Hàng Đẫy. Thường trực Thành ủy Hà Nội cũng đã đồng ý chủ trương với Ban Cán sự Đảng UBND TP về việc giao cho Tập đoàn T&T quản lý, sử dụng, vận hành SVĐ Hàng Đẫy.

Đáng chú ý, vào giữa tháng 2.2018, dư luận xôn xao về thông tin Tập đoàn T&T của ông Đỗ Quang Hiển (bầu Hiển) được UBND TP.Hà Nội giao quản lý, sử dụng và vận hành sân vận động Hàng Đẫy.

Trả lời báo chí về vấn đề này, ông Đỗ Quang Hiển cho biết: “Thực hiện chủ trương xã hội hóa giáo dục, thể thao của Chính phủ, TP.Hà Nội đã quyết liệt thực hiện xã hội hóa thể thao, trong đó tin tưởng giao cho Tập đoàn T&T đầu tư phát triển dự án nâng cấp, mở rộng Sân vận động Hàng Đẫy. Chúng tôi sẽ bỏ vốn đầu tư và hợp tác với các đối tác có năng lực quản lý sân…”

Theo bầu Hiển, sân vận động Hàng Đẫy là nơi có bề dày truyền thống lịch sử gắn bó với không chỉ người yêu bóng đá Hà Nội mà người dân cả nước cũng đều biết đến sân này. Tuy nhiên, hiện nay sân xuống cấp nghiêm trọng, có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan, song chủ yếu là do thiếu ngân sách cải tạo.

Về kế hoạch sửa chữa, cải tạo sân, ông Đỗ Quang Hiển thông tin, trước mắt đơn vị sẽ chỉ sửa chữa những hạng mục cơ bản như sơn sửa sân bãi, khán đài để đảm bảo an toàn, nhà vệ sinh, dịch vụ thay đồ… đáp ứng yêu cầu của Liên đoàn Bóng đá châu Á.

Về lâu dài, tập đoàn sẽ thuê tư vấn nước ngoài để quy hoạch lại toàn bộ sân vận động Hàng Đẫy, đưa hạng mục theo tiêu chuẩn không chỉ thể thao mà các sự kiện văn hóa, dịch vụ cũng như tiện ích…

Để chuẩn bị cho việc xây sân vận động Hàng Đẫy, Tập đoàn T&T và Tập đoàn Bouygues (Pháp) đã ký thỏa thuận hợp tác về cải tạo sân vận động Hàng Đẫy trị giá 250 triệu Euro (khoảng 7.000 tỉ đồng). Thời gian dự kiến kéo dài hơn 3 năm.

Ông Đỗ Quang Hiển kỳ vọng việc hợp tác với một tên tuổi lớn như Bouygues sẽ giúp T&T biến sân Hàng Đẫy trở thành một quần thể sân vận động hiện đại, có kiến trúc đẹp mang tầm cỡ quốc tế. Đồng thời bầu Hiển hy vọng, không chỉ sân vận động Hàng Đẫy, tới đây, các công trình thể thao khác và một số công trình về giáo dục sẽ tiếp tục được TP tiến hành xã hội hóa giao cho doanh nghiệp đầu tư, quản lý để thu hút nguồn vốn và hoạt động hiệu quả, tránh lãng phí nguồn lực.

Trong khuôn khổ chuyến thăm Cộng hòa Pháp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, ngày 27.3.2018, Tập đoàn T&T và Tập đoàn Bouygues (Pháp) đã ký kết hợp tác Dự án nâng cấp mở rộng Sân vận động Hàng Đẫy.

Bên cạnh đó hai bên cũng đã Biên bản ghi nhớ thỏa thuận hợp tác đầu tư Dự án đường sắt đô thị số 3. Theo đó, Tập đoàn T&T xây dựng kế hoạch đầu tư và phát triển dự án đường sắt đô thị số 3 (đường sắt đôi) theo hình thức hợp tác công – tư (PPP) với hợp đồng xây dựng – chuyển giao (BT) kết nối trung tâm TP.Hà Nội với thị xã Sơn Tây (Nhổn – Trôi – Phùng – Vành đai 4 – Sơn Tây) có tổng chiều dài 31,1km, tổng giá trị đầu tư vào Dự án ước tính khoảng 1,4 tỷ Euro (khoảng 39.716 tỷ đồng).

Sân vận động Hàng Đẫy được xây dựng từ năm 1937, ban đầu chỉ là bãi đất trống với diện tích khiêm tốn và hạng mục phụ trợ rất sơ sài. Năm 1958, sân được xây mới với diện tích hơn 21.000m2 và sức chứa khoảng 20.000 chỗ ngồi, có đường piste và tường bao quanh. Năm 1995, sân được cải tạo, có nhiều hạng mục hiện đại và duy trì sử dụng cho tới bây giờ. Theo cam kết của hai bên, Tập đoàn Bouygues hợp tác với Tập đoàn T&T trong thiết kế, xây dựng, vận hành, bảo trì, hỗ trợ thu xếp vốn và đầu tư cho dự án.

Từ khóa : bầu HiểnBầu Hiển T&Tđỗ quang hiểnĐỗ Quang Hiển T&Thơn 6000 tỷ đồng xây hàng đẫySân vận động hàng đẫySân vận động SEA Games 31thánh địa bóng đátổ hợp sân vận động hàng đẫy

Các tin liên quan đến bài viết