Để phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” triển khai sâu rộng và hiệu quả, thời gian qua Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh đã chỉ đạo các cấp hội phối hợp chặt chẽ với ngành chức năng ở địa phương nắm rõ số lượng, hoàn cảnh gia đình nữ thương binh, bệnh binh, gia đình chính sách, có công với cách mạng, Mẹ Việt Nam anh hùng. Đồng thời hội các cấp tích cực tham mưu chính quyền để có hướng hỗ trợ kịp thời đối với những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, trường hợp neo đơn.

PHONG TRÀO TÌNH NGUYỆN

Nhiều năm nay, Hội LHPN thị xã Phước Long đã phân công hội viên Chi hội phụ nữ khu phố 4, phường Long Thủy đến chăm sóc, phụng dưỡng và thăm hỏi thường xuyên Mẹ Việt Nam anh hùng Mai Thị Hai. Gia đình mẹ Hai neo người nên dù năm nay 94 tuổi, mẹ chỉ sống một mình. Hiện mẹ Hai vẫn khỏe, tự chăm sóc bản thân và trồng rau phục vụ bữa ăn hằng ngày. Mẹ vui vẻ cho biết: Tuy ở một mình nhưng chị em ở đây rất quan tâm. Mỗi buổi sáng lại có chị ghé qua nhà hỏi “Mẹ muốn ăn gì, con mua ạ?”. Vài ngày có chị đến quét dọn nhà cửa, đong thêm gạo, hái cho mẹ lá trầu. Chị Đỗ Thị Thảo, hội viên Chi hội phụ nữ khu phố 2 nói: Ở sát nhà mẹ là gia đình chị Hiền nên có chuyện gì là thông báo ngay cho chị em. Lúc mẹ đau ốm, chúng tôi chia nhau chăm sóc. Không còn mẹ, nên tôi coi mẹ Hai như người thân trong nhà. Những hoạt động đền ơn đáp nghĩa đối với mẹ Hai không phải là nhiệm vụ mà xuất phát từ mệnh lệnh trái tim của thế hệ sau với người đi trước nên chị em tự nguyện thực hiện.

Hội LHPN và Thị đoàn Phước Long thăm, tặng quà gia đình Mẹ Việt Nam anh hùng Phạm Thị Thung ở khu phố 3, phường Long Thủy

Để chị Nguyễn Thị Thu Hà, con gái Mẹ Việt Nam anh hùng Phạm Thị Thung (SN 1913) ở khu phố 3, phường Long Thủy yên tâm chăm sóc mẹ già, Hội LHPN thị xã tạo điều kiện cho chị vay vốn nuôi chim bồ câu phát triển kinh tế tại nhà. Chị Hà chia sẻ: Mẹ tôi năm nay 105 tuổi, mọi sinh hoạt đều trông cậy vào con cháu. Không chỉ vay vốn từ Hội LHPN, gia đình tôi còn được Hội Nông dân hỗ trợ vốn mở cửa hàng kinh doanh. Nhờ vậy, kinh tế gia đình đã khá hơn, 2 con tôi có việc làm ổn định nên bản thân luôn cố gắng phụng dưỡng mẹ thật chu đáo.

Chị Phạm Thị Liễu, Chủ tịch Hội LHPN thị xã Phước Long cho biết: Nhiều năm qua, Hội LHPN phối hợp với Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội thị xã nắm rõ địa chỉ, hoàn cảnh từng người và chỉ đạo hội cơ sở có cách giúp đỡ phù hợp. Đối với gia đình neo đơn, hội phân công hội viên đến tận nhà thăm hỏi, chăm sóc; có hộ được hội tạo điều kiện vay vốn, giúp cây – con giống, hướng dẫn khoa học – kỹ thuật phát triển kinh tế. Hiện nay đa số gia đình chính sách, người có công trên địa bàn thị xã có mức sống cao và cao hơn mức sống trung bình của cộng đồng nơi cư trú.

HOẠT ĐỘNG THIẾT THỰC, Ý NGHĨA

Hội LHPN các cấp trong tỉnh liên tục phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể vận động, tổ chức cho nữ thanh niên, hội viên tham gia chăm sóc, giúp đỡ các gia đình thương binh – liệt sĩ và người có công, quét dọn, làm vệ sinh, quét vôi tại các nghĩa trang liệt sĩ; đóng góp 4.960 ngày công phụ giúp các mẹ liệt sĩ, Mẹ Việt Nam anh hùng… Bên cạnh đó, hội các cấp tích cực vận động hội viên, tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm ủng hộ tiền và vật chất để xây dựng nhà tình nghĩa, phụng dưỡng Mẹ Việt Nam anh hùng, thân nhân liệt sĩ, người có công với cách mạng, nữ kháng chiến có hoàn cảnh khó khăn, nhà ở tạm được 11 nhà tình nghĩa, trị giá 402 triệu đồng.

Nhân ngày lễ, tết hằng năm, các cấp hội phối hợp với ban, ngành, đoàn thể thăm hỏi và tặng quà gia đình chính sách, Mẹ Việt Nam anh hùng, mẹ liệt sĩ được 50.892 phần, trị giá gần 7 tỷ đồng. Hội LHPN thường xuyên đến thăm các chị nữ kháng chiến, Mẹ Việt Nam anh hùng, mẹ liệt sĩ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, neo đơn và tặng 8.468 phần quà trị giá gần 1,5 tỷ đồng; gần 280 triệu đồng tiền mặt; tặng 227 sổ tiết kiệm trị giá 454 triệu đồng; trao tặng 80 giấy chứng nhận và 8 triệu đồng cho các gia đình chính sách, cách mạng gương mẫu; tặng 12 áo ấm cho mẹ liệt sĩ; gây quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” với số tiền hơn 25 triệu đồng để xây nhà cho gia đình chính sách khó khăn về nhà ở.

Nhờ tích cực tuyên truyền sâu rộng chủ trương, chính sách của Đảng đến hội viên và có nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa chăm lo gia đình chính sách, người có công nên Hội LHPN đã góp phần làm cho phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn” trong tỉnh ngày càng hiệu quả, lan rộng và có chiều sâu. Vì vậy, nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh – Liệt sĩ (27-7-1947 – 27-7-2017), Hội LHPN tỉnh vinh dự là một trong 5 tập thể được UBND tỉnh tặng bằng khen vì có nhiều thành tích trong phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”.

Nguồn Báo Bình Phước

Từ khóa : đền ơn đáp nghĩaliệt sĩthương binh

Các tin liên quan đến bài viết