Từ năm 2023 việc trả lương hưu, hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo, người có công, bảo hiểm thất nghiệp, sẽ thực hiện thanh toán điện tử, và đến 2025 nhóm cuối cùng là đối tượng bảo trợ xã hội cũng sẽ không dùng tiền mặt để chi trả.

Đến 2025: 100% các khoản chi trả an sinh xã hội sẽ thực hiện qua tài khoản - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Văn Hồi, cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội (Bộ LĐ-TB&XH), phát biểu tại hội thảo sáng 16-6 

Sáng 16-6, trao đổi bên lề hội thảo dữ liệu tích hợp và thanh toán điện tử trong thực hiện chính sách an sinh xã hội ở Việt Nam (Bộ Lao động, thương binh và xã hội, Ngân hàng thế giới và Đại sứ quán Úc tổ chức), ông Nguyễn Văn Hồi – cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội, Bộ lao động, thương binh và xã hội – cho biết lộ trình về việc thanh toán điện tử, không dùng tiền mặt trong các chính sách an sinh xã hội.

Theo ông Hồi, đối tượng thụ hưởng chính sách an sinh xã hội của Việt Nam quá lớn (trên 11 triệu người cao tuổi; 10 triệu người có công; 6,2 triệu người khuyết tật; trên 2 triệu trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; trên 15 triệu người tham gia BHXH bắt buộc…).

Vì vậy, đến thời điểm này, mới chỉ có Cao Bằng, Quảng Ninh và sắp tới là Vĩnh Phúc thực hiện thí điểm ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết chính sách an sinh xã hội và chi trả trợ cấp xã hội cho đối tượng bảo trợ xã hội thông qua hệ thống thanh toán điện tử tại địa bàn một số huyện.

“Việc ứng dụng thanh toán điện tử vào chi trả an sinh xã hội rút ngắn được thời gian, đảm bảo chi trả đủ, đúng đối tượng và tiết kiệm cho ngân sách nhà nước.

Tuy nhiên, do còn mới nên việc triển khai gặp một số khó khăn, đặc biệt khi triển khai cho các đối tượng vùng sâu, vùng xa do năng lực tiếp cận với hình thức thanh toán điện tử còn thấp nên sẽ còn mất nhiều thời gian, và chúng tôi đặt mục tiêu cuối cùng là đến năm 2025 sẽ thực hiện chi trả cho đối tượng bảo trợ xã hội qua ngân hàng.

Từ nay đến 2023 các đối tượng dễ thực hiện hơn như hưu trí, hộ nghèo, cận nghèo, người có công, bảo hiểm thất nghiệp… sẽ thực hiện trước”, cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội cho biết.

Tại hội thảo, các chuyên gia về an sinh xã hội của Việt Nam và Ngân hàng thế giới đều cho rằng Việt Nam cần nhanh chóng xây dựng cơ sở dữ liệu, mỗi người dân cần có mã căn cước công dân để kết nối và chia sẻ dữ liệu giữa các cơ sở dữ liệu khác nhau như trợ giúp xã hội, hộ nghèo, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.

Nhờ đó có thể thực hiện so khớp dữ liệu để tránh trùng lắp và kiểm tra các điều kiện hưởng để xác định đối tượng hưởng của chương trình.

Tiếp đó cần có kế hoạch cho từng giai đoạn để mở tài khoản ngân hàng cho người dân, đặc biệt là cho các đối tượng trợ giúp xã hội để thực hiện chi trả trực tiếp vào tài khoản của đối tượng thụ hưởng…

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : an sinhan sinh xã hộihộ cận nghèohộ nghèolương hưutài khoản

Các tin liên quan đến bài viết