Việc Trường Bùi Thị Xuân (quận 1, TP.HCM) “đếm” like trên Facebook, Zalo để chấm điểm bài làm học sinh gây ra nhiều ý kiến trái chiều.

Học sinh Trường Bùi Thị Xuân trong một hoạt động ngoại khóa. Việc Trường Bùi Thị Xuân đưa ra quy định chấm điểm dựa trên lượt like, share trên Facebook, Zalo khiến phụ huynh bức xúc - Ảnh tư liệu

Học sinh Trường Bùi Thị Xuân trong một hoạt động ngoại khóa. Việc Trường Bùi Thị Xuân đưa ra quy định chấm điểm dựa trên lượt like, share trên Facebook, Zalo khiến phụ huynh bức xúc 

“Em không đồng tình với việc đếm like trên Facebook, Zalo để chấm điểm bài làm học sinh” – Nguyễn Hoàng Thông, học sinh lớp 12 ở quận Phú Nhuận, cho biết.

Thông kể: “Lớp em đã làm nhiều dự án liên môn và mỗi lần như vậy tụi em đều phải tìm cách đưa dự án lên mạng xã hội. Làm sao để càng nhiều người biết đến dự án của mình càng tốt. Do đó, em không chỉ đăng trên Facebook, Zalo, Viber mà còn nhờ người thân share, like…

Tuy nhiên, những việc này chúng em làm là vì mục tiêu lan tỏa dự án của mình chứ không phải làm để lấy điểm.

Nếu thầy cô đếm like trên Facebook, Zalo để chấm điểm thì rất áp lực cho học sinh. Chưa kể, việc like, share trên Facebook, Zalo nó rất ảo. Số lượng like, share trên Facebook, Zalo không thể hiện trình độ, năng lực học sinh trong quá trình học tập”.

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, đa số giáo viên THPT ở TP.HCM đều cho rằng: việc yêu cầu học sinh đăng sản phẩm của mình lên Facebook, Zalo là điều tốt.

“Nhưng dựa vào số lượng like, share trên Facebook, Zalo để chấm điểm thì không ổn” – ThS Nguyễn Viết Đăng Du, giáo viên môn sử Trường THPT Lê Quý Đôn, quận 3, TP.HCM, nêu ý kiến.

Theo thầy Du, có thể Trường Bùi Thị Xuân muốn lan tỏa một hình thức dạy học mới. Học sinh đăng clip của nhóm mình lên Facebook, Zalo cũng là việc nên làm.

“Nhưng chấm điểm dựa vào lượt like, share trên mạng xã hội thì tôi chưa thấy Bộ, Sở Giáo dục và Đào tạo quy định. Tôi cho rằng việc chấm điểm nhất thiết phải do giáo viên đứng lớp đảm nhiệm. Thầy cô giáo sẽ là người “cầm cân nảy mực” trong việc này chứ không ai khác.

Mà theo quy định giáo viên cũng phải công bố cho học sinh biết rõ về các tiêu chí khi chấm điểm. Các tiêu chí này cần xuất phát từ kiến thức, kỹ năng… của học sinh chứ không phải dựa vào lượt like, share trên Facebook, Zalo” – thầy Du khẳng định.

Thầy Du thông tin thêm hiện tại ai cũng có thể bỏ tiền ra mua lượt like trên Facebook, Zalo. Hoặc học sinh có bạn bè là hacker cũng có thể làm được việc này. Như vậy, nếu chấm điểm dựa vào lượt like, share trên Facebook, Zalo thì không ổn.

Phụ huynh bức xúc

“Tôi rất bức xúc khi được biết Trường Bùi Thị Xuân chấm điểm bài làm học sinh dựa trên lượt like và share trên Facebook, Zalo”, phụ huynh Trường THPT Bùi Thị Xuân, quận 1, TP.HCM, phản ánh với Tuổi Trẻ Online tối 28-10.

Theo phụ huynh, Trường Bùi Thị Xuân thông báo sẽ cho học sinh khối 10 đi xem kịch Yêu là thoát tội ở Nhà hát Trần Hữu Trang vào giữa tháng 11-2023. Mỗi học sinh sẽ đóng 65.000 đồng. Sau khi xem kịch xong, các học sinh sẽ làm bài thu hoạch theo nhóm 8-10 em.

Bài thu hoạch sẽ được chấm điểm như sau: Thang điểm đánh giá 10 điểm. Trong đó nội dung cảm nhận vở kịch 3 điểm; thiết kế bài thu hoạch đẹp 3 điểm; đăng trên Facebook và Zalo cá nhân được trên 100 like 2 điểm; share trên trang cá nhân đạt trên 50 share 2 điểm.

“Tôi đồng ý cho con mình đi xem kịch. Nhưng tôi không đồng tình việc trường chấm điểm bài làm của học sinh dựa vào lượt like, share trên Facebook, Zalo”, phụ huynh này nêu.

Ông Huỳnh Thanh Phú, hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân, cho rằng: “Đây là hoạt động không bắt buộc. Học sinh nào đi và làm bài thu hoạch theo nhóm thì sẽ được cộng điểm thưởng vào môn ngữ văn.

Tức mỗi nhóm học sinh sẽ làm một clip, sau đó đăng trên Facebook, Zalo. Tùy vào sản phẩm, các em sẽ được cộng từ 1-2 điểm vào bài kiểm tra thường xuyên của môn ngữ văn.

Việc yêu cầu học sinh đăng clip lên Facebook, Zalo là cách nhà trường giáo dục học sinh sử dụng mạng xã hội một cách văn minh.

Ngày nay, mạng xã hội đang tồn tại một cách khách quan, gây đau đầu cho các nhà quản lý. Với một số người, thông tin không đúng, thông tin phản động cũng like, cũng share. Thì nay việc học sinh Trường Bùi Thị Xuân đăng lên mạng xã hội những clip là sản phẩm văn hóa của mình là lan tỏa cái hay, cái đẹp…”.

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : facebookhoạt động ngoại khóa

Các tin liên quan đến bài viết