Là đơn vị trực tiếp thực hiện công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa của địa phương và quốc gia, trong đó có nhiều loại quý hiếm nhưng Bảo tàng tỉnh Bình Phước hiện vẫn chưa có thiết chế riêng để trưng bày và bảo quản hiện vật, tài liệu. Do các di sản văn hóa chưa được bảo quản riêng, chưa có nhiều không gian trưng bày nên khó phát huy giá trị di sản, thậm chí nếu không có biện pháp bảo tồn hữu hiệu sẽ dẫn đến nguy cơ mai một.
RÀO CẢN TRONG BẢO TỒN DI SẢN VĂN HÓA
Từ khi được thành lập vào năm 1997 đến nay, Bảo tàng tỉnh chưa có trụ sở riêng mà chỉ mượn tạm trụ sở các cơ sở và đơn vị. Trước đây, Bảo tàng tỉnh mượn Nhà giao tế (Lộc Ninh) để làm việc. Từ cuối năm 2015, đơn vị chuyển về thành phố Đồng Xoài và “tá túc chung” với Thư viện tỉnh, Ban quản lý di tích, Trung tâm Văn hóa, tại Trung tâm Văn hóa tỉnh.
Đầu năm 2019, thực hiện sáp nhập các đơn vị, Ban quản lý di tích nhập chung vào Bảo tàng tỉnh thành Bảo tàng tỉnh Bình Phước và làm việc chung trong trụ sở. Đến nay, Bảo tàng tỉnh chỉ mới có không gian trưng bày chuyên đề, chưa có không gian trưng bày cố định và không gian trưng bày ngoài trời nên chưa phát huy hết chức năng trưng bày hình ảnh, tư liệu. Bảo tàng hiện có hơn 12.000 hiện vật, tài liệu cần bảo quản riêng. Tuy nhiên, do sức chứa của nhà kho hạn chế, không gian nhỏ hẹp (chỉ rộng gần 500m2) nên không đảm bảo yêu cầu dẫn đến hiệu quả bảo quản rất thấp. Do hiện vật, tài liệu làm từ nhiều chất liệu khác nhau (gỗ, giấy…) đòi hỏi không gian lớn và nhiệt độ, ánh sáng bảo quản phù hợp. Bên cạnh đó cũng do hạn chế về không gian nên việc trưng bày đôi lúc thực hiện chắp vá, không chuyển tải hết nội dung chủ đề.
Các nhà khoa học và Hội đồng Di sản quốc gia thẩm định giá trị bộ đàn đá Lộc Hòa, ngày 3-12-2017 – Ảnh: Ngọc Bích
Hiện nay, các di sản văn hóa tại Bảo tàng tỉnh được bảo quản chung, đặc biệt bảo vật quốc gia đàn đá Lộc Hòa vẫn chưa có không gian trưng bày. Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia rượu cần đang đối mặt nguy cơ mai một. Ngân sách đầu tư cho hoạt động bảo tàng, bảo quản, tôn tạo, tu bổ di tích còn hạn chế ảnh hưởng đến việc phát huy giá trị di tích. Các di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh hiện có ở tất cả huyện, thị xã, thành phố nhưng chưa được bố trí thuyết minh viên gây khó khăn cho công tác tuyên truyền và phát huy giá trị di tích.
TĂNG CƯỜNG KHAI THÁC VÀ PHÁT HUY GIÁ TRỊ DI SẢN
Năm 2020, Bảo tàng tỉnh tiếp tục hoàn thành công tác trưng bày tại Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo (Bù Đăng) và tại phòng trưng bày Bảo tàng tỉnh, đồng thời xây dựng đề án khai thác di sản; thực hiện trưng bày chuyên đề nhân các ngày lễ lớn và Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025. Đồng thời, xây dựng hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể lễ hội Cầu bông của người Kinh ở Bình Phước; hồ sơ khoa học di tích địa điểm Khơme Đỏ thảm sát dân thường; hồ sơ khoa học di tích nơi ghi dấu ấn tội ác ngụy quyền tại cầu Đắk Lung (Phước Long). Đồng thời, xây dựng bia giới thiệu tại các di tích đã được xếp hạng như thác Voi, thác Đứng (Bù Đăng), thác Đắk Mai (Bù Gia Mập). Đây là những mục tiêu quan trọng, có ý nghĩa đối với hoạt động của Bảo tàng tỉnh, làm cơ sở để bảo tàng khai thác và phát huy hiệu quả di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.
Ông Phạm Hữu Hiến, Phó giám đốc Bảo tàng tỉnh cho biết: Mặc dù trong điều kiện khó khăn về cơ sở vật chất nhưng thời gian qua, bảo tàng đã thực hiện nhiều hoạt động nhằm đa dạng hóa hoạt động, nâng cao hiệu quả phát huy giá trị di sản văn hóa. Trong đó có một số hoạt động tiêu biểu được nhiều người đón nhận như: Tổ chức trưng bày di sản văn hóa kết hợp trình diễn các loại hình di sản văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số; phối hợp với Bảo tàng Chứng tích chiến tranh tổ chức trưng bày chủ đề “Bình Phước trước và sau chiến tranh”; Phối hợp Bảo tàng Dân tộc học tổ chức đưa đoàn nghệ nhân đi trình diễn, giới thiệu di sản văn hóa của Bình Phước tại Hà Nội; Phối hợp Bảo tàng Lịch sử TP. Hồ Chí Minh tổ chức trưng bày chuyên đề “Văn hóa dân tộc S’tiêng”, tổ chức chương trình Điểm hẹn di sản… Đặc biệt, bảo tàng đã tổ chức công bố, phát huy giá trị bảo vật quốc gia đàn đá Lộc Hòa với chuỗi hoạt động thu hút và xã hội hóa, vận động được gần 500 triệu đồng.
Để phát huy tốt giá trị của di sản văn hóa đang lưu giữ, Bảo tàng tỉnh dự kiến triển khai trưng bày 2 không gian ở trụ sở hiện nay và tiếp tục phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hóa đã xếp hạng. Cùng với việc đa dạng hóa các hoạt động phù hợp nhằm tăng cường khai thác và phát huy giá trị di sản trên địa bàn tỉnh, hy vọng thời gian tới, Bảo tàng tỉnh Bình Phước sẽ là điểm đến để lại nhiều dấu ấn văn hóa trong lòng du khách trong, ngoài tỉnh và quốc tế.
Nguồn https://baobinhphuoc.com.vn/Content/de-xung-dang-la-noi-luu-hon-di-san—bai-cuoi-104910