Từ việc Tiền Giang tính đóng cửa các khu công nghiệp, nhiều ý kiến đề nghị nên mở rộng mô hình “2 tại chỗ” (ăn uống và làm việc tại chỗ) tùy vào tình hình dịch ở các địa phương.
Nhiều chuyên gia đồng tình với ý kiến của bà Phan Thị Thanh Xuân, phó chủ tịch Hiệp hội Da giày túi xách VN, về đề xuất “2 tại chỗ” vì đặc thù lao động ngành dệt may, da giày đông, công nhân đa phần là nữ phải chăm sóc con cái.
Giảm tình trạng ngừng sản xuất
Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, phó tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), cho hay đến nay có tới 95% doanh nghiệp sản xuất ngành may đã phải tạm dừng hoạt động. Nguyên nhân là hầu hết các nhà máy may có lượng công nhân lên tới hàng nghìn, việc đáp ứng yêu cầu “3 tại chỗ”, phải lo chỗ ăn nghỉ và sinh hoạt tại nhà máy chật hẹp, là rất khó khăn, rủi ro dịch bệnh thường trực.
Một số đối tác tính toán đến việc chuyển đơn hàng sang các nước khác để đảm bảo không bị đứt gãy nguồn cung ứng, khiến nhiều doanh nghiệp ngành may “ngồi trên đống lửa”.
Ông Trương Thanh Hoài, cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công thương), cũng bày tỏ lo ngại nguy cơ đứt gãy chuỗi sản xuất kéo dài khiến nhiều ngành sản xuất công nghiệp lớn, trọng điểm như dệt may, da giày, điện tử, gỗ và lâm sản… có thể bị mất đơn hàng.
Bởi Mỹ, châu Âu đã mở cửa trở lại, nhu cầu tiêu dùng bắt đầu khởi sắc. Vì thế, cần giảm thiểu tình trạng ngừng hoạt động của doanh nghiệp để tránh nguy cơ bị loại ra khỏi chuỗi cung ứng khi các khách hàng lớn chuyển dịch đơn hàng sang các nước đối thủ khác.
Cùng với tình trạng doanh nghiệp ngừng sản xuất thì hàng chục nghìn công nhân về quê, theo ông Hoài, nếu không có đánh giá đầy đủ, kỹ lưỡng và sự chuẩn bị tốt thì khi dịch bệnh được kiểm soát có thể dẫn tới tình trạng thiếu lao động cho các nhà máy. Như vậy sẽ rất khó đảm bảo được khả năng cung ứng, sản xuất các đơn hàng quy mô lớn cho các tập đoàn đa quốc gia.
“Bằng mọi giá phải cố gắng duy trì sản xuất ở mức độ tối thiểu, phân loại các vùng nguy cơ, nơi nào đảm bảo an toàn phải duy trì hoạt động” – ông Hoài nhấn mạnh và cho rằng trước mắt có thể cân nhắc phương án “3 tại chỗ” với doanh nghiệp có đủ điều kiện và kiểm soát được an toàn dịch bệnh. Với những doanh nghiệp ở vùng an toàn, có mức độ công nhân ở tập trung cao (nơi gần nhà máy), có thể triển khai phương án “2 địa điểm, 1 cung đường” (công nhân chỉ đi làm và về nhà).
Thêm “vùng xanh”
Theo bà Đỗ Thị Thúy Hương – ủy viên ban chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam, thực tiễn từ các đơn vị cho thấy tình trạng lây nhiễm diễn ra là do khi cung ứng hàng thực phẩm, công nhân tập trung đông nên lây nhiễm chéo.
Mô hình “3 tại chỗ” áp dụng thành công ở miền Bắc nhưng mỗi đợt dịch và mỗi vùng miền có đặc thù khác nhau, không thể áp dụng khiên cưỡng được.
Bà Hương cho rằng với những địa bàn không có ca nhiễm thì có thể khoanh vùng diện hẹp (“vùng xanh” cả ở chỗ làm và chỗ ở của công nhân) để doanh nghiệp tổ chức sản xuất theo mô hình “2 tại chỗ” (tạo 1 cung đường, người lao động vẫn được về nhà trên cơ sở đảm bảo tuyệt đối việc kiểm soát dịch bệnh).
Bà Hương lưu ý 4 ngành dệt may, da giày, túi xách, điện tử, gỗ và lâm sản có tổng kim ngạch xuất khẩu đạt gần 150 tỉ USD/năm, chiếm gần 60% kim ngạch cả nước, với 8 triệu lao động, và nhấn mạnh cần đẩy nhanh hơn chiến lược tiêm vắc xin trên cơ sở huy động mọi nguồn lực công – tư tham gia, tổ chức nhiều mô hình tiêm.
Một số doanh nghiệp cũng cho rằng Chính phủ cần có các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp như tăng giờ làm thêm (quy định hiện nay là 40 giờ) với doanh nghiệp vẫn sản xuất được để bù đắp số lượng nhân công giảm.
Khó khăn nếu kéo dài “3 tại chỗ”
Ông Chu Tiến Dũng – chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp (DN) TP.HCM (HUBA) – cho biết đã gửi văn bản kiến nghị đến UBND TP đề xuất hàng loạt giải pháp.
Với mô hình “3 tại chỗ”, hiệp hội cho hay các DN gặp nhiều khó khăn nếu kéo dài. Ngược lại, một số địa phương không cho DN không thuộc lĩnh vực sản xuất hàng thiết yếu được hoạt động dù đủ điều kiện và phương án “3 tại chỗ”.
Đặc biệt, ông Dũng cho rằng ngành y tế không hướng dẫn về quy trình xử lý trong trường hợp có người lao động thành F0 hay F1, dẫn đến DN rất lúng túng, liên hệ nhiều nơi không được hỗ trợ.
Do đó, Bộ Y tế cần ban hành quy trình khi DN có ca nhiễm, nghi nhiễm để DN cách ly F0, F1 ngay tại nhà máy với sự hỗ trợ của y tế địa phương, hoặc DN không đáp ứng điều kiện y tế thì phải nhanh chóng đưa F0 đi điều trị, cách ly F1 để bảo vệ “vùng xanh” và tiếp tục sản xuất.
Đặc biệt, HUBA kiến nghị cần có quy định thời gian tối đa cho việc sàng lọc, khoanh vùng, khử khuẩn… để nhà máy sớm được đi vào hoạt động.
Nguồn: tuoitre.vn