Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, nếu học phí năm học 2023 – 2024 thực hiện theo nghị định 81, mức trần học phí giáo dục đại học công lập sẽ tăng trung bình trên 45,7% so với năm trước. Đặc biệt khối ngành y dược tăng gần 100%.
Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT tại Hà Nội năm 2023
Học phí tăng gây khó khăn cho người học
Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa trình Chính phủ tờ trình dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của nghị định 81/2021/NĐ-CP về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ lĩnh vực giáo dục, đào tạo.
Tại tờ trình dự thảo, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết nghị định 81 được Chính phủ ban hành và có hiệu lực từ năm 2021. Tuy nhiên, từ đầu năm 2020, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nặng nề nên Chính phủ đã ban hành nghị quyết 165 năm 2022 về học phí các cơ sở giáo dục đào tạo công lập năm 2022 – 2023.
Theo đó, mức học phí giữ ổn định so với năm 2021 – 2022, mức thu học phí đã không tăng trong 3 năm qua.
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, nếu năm 2023 không có quy định khác, mức học phí năm học 2023 – 2024 sẽ áp dụng theo quy định tại nghị định 81. Theo đó, học phí sẽ tăng cao so với năm 2022 – 2023.
Cụ thể, mức trần học phí giáo dục đại học công lập năm học 2023 – 2024 sẽ tăng trung bình trên 45,7% so với năm trước. Đặc biệt, khối ngành y dược tăng 93%. Khối ngành nhân văn, khoa học xã hội tăng 53%.
Bộ Giáo dục và Đào tạo thông tin, qua phản ánh và thảo luận, góp ý của các cơ quan trung ương, địa phương, học phí năm học 2023 – 2024 cần tăng để đảm bảo nguồn lực nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, đầu tư cơ sở vật chất trong điều kiện nguồn lực đầu tư hạn chế, ngân sách chi thường xuyên bị cắt giảm hằng năm.
Đặc biệt, với các cơ sở giáo dục đại học công lập, thu từ học phí chiếm tỉ trọng chủ yếu (trên 80% tổng nguồn thu của trường), khả năng khai thác từ các nguồn thu khác còn rất hạn chế.
Nhiều cơ sở giáo dục đại học đề nghị cần được áp dụng mức thu học phí theo lộ trình quy định tại nghị định 81 để có thể bù đắp chi phí hoạt động thường xuyên, nâng cao chất lượng đào tạo và thực hiện lộ trình tự chủ.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng nếu học phí năm 2023 – 2024 thực hiện theo mức quy định tại nghị định sẽ gây khó khăn cho phụ huynh, học sinh. Theo đó, hầu hết ý kiến thống nhất đề nghị cần tăng học phí so với năm học 2022 – 2023 nhưng có thể chậm lại 1 năm so với lộ trình tăng học phí theo nghị định 81.
Đề xuất chậm lộ trình tăng học phí lại 1 năm
Theo tờ trình dự thảo, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất điều chỉnh lộ trình học phí, lùi 1 năm so với lộ trình học phí tại nghị định 81.
Mức trần học phí đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập chưa tự đảm bảo chi thường xuyên năm học 2023 – 2024 dự kiến thu bằng mức năm 2022 – 2023.
Cụ thể, học sinh mầm non, học sinh tiểu học khu vực thành thị từ 100.000 – 540.000 đồng/tháng/học sinh; vùng nông thôn từ 50.000 – 220.000 đồng/tháng/học sinh; vùng dân tộc thiểu số và miền núi từ 30.000 – 110.000 đồng/tháng/học sinh.
Học sinh THCS khu vực thành thị từ 100.000 – 650.000 đồng/tháng/học sinh; học sinh vùng nông thôn từ 50.000 – 270.000 đồng/tháng/học sinh; học sinh vùng dân tộc thiểu số và miền núi từ 30.000 – 170.000 đồng/tháng/học sinh.
Học sinh THPT vùng thành thị học phí từ 110.000 – 650.000 đồng/tháng/học sinh; vùng nông thôn học phí từ 70.000 – 330.000 đồng/tháng/học sinh; học sinh vùng dân tộc thiểu số và miền núi từ 30.000 – 220.000 đồng/tháng/học sinh.
Mức học phí cụ thể như sau:
Mức trần của khung học phí đối với cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập tự đảm bảo chi thường xuyên tối đa bằng 2 lần mức trần học phí trên.
Cơ sở giáo dục đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư tối đa bằng 2,5 lần mức học phí trên.
Đối với cơ sở đào tạo đảm bảo chi thường xuyên, chi đầu tư và đạt mức kiểm định chất lượng theo tiêu chuẩn của Bộ Giáo dục và Đào tạo thì được tự xác định mức thu học phí trên cơ sở định mức kinh tế – kỹ thuật, định mức chi phí do cơ sở giáo dục đó ban hành.
Từ năm học 2024 – 2025 trở đi, khung và mức học phí được điều chỉnh theo tỉ lệ phù hợp với điều kiện kinh tế – xã hội của địa phương và khả năng chi trả của người dân, nhưng không quá 7,5%/năm.
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, với giáo dục đại học công lập chưa tự đảm bảo chi thường xuyên, học phí áp dụng cho năm 2023 – 2024 cao nhất là khối ngành y dược 2,45 triệu đồng/tháng/sinh viên, đến năm 2026 – 2027 tăng lên 3,5 triệu đồng/tháng/sinh viên. Khối ngành sức khỏe khác là 1,85 triệu đồng/tháng/sinh viên.
Các khối ngành học còn lại dao động từ 1,2 – 1,45 triệu đồng/tháng/sinh viên.
Cơ sở giáo dục đại học công lập tự đảm bảo chi thường xuyên, mức học phí được thu không quá 2 lần; cơ sở giáo dục đại học công lập tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư không thu quá 2,5 lần.
Mức trần học phí đối với giáo dục đại học công lập chưa tự đảm bảo chi thường xuyên
Tác động của chính sách đề xuất
Đánh giá về tác động của chính sách đề xuất, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết với đề xuất lùi 1 năm so với lộ trình học phí tại nghị định 81, nên biên độ điều chỉnh học phí của năm học 2023 – 2024 thấp hơn so với quy định tại nghị định 81, giảm áp lực về học phí cho người học.
Đối với cơ sở giáo dục đào tạo công lập, việc lùi 1 năm so với lộ trình quy định tại nghị định 81 đồng nghĩa với học phí năm học 2023 – 2024 sẽ được tăng theo mức học phí của năm học 2022 – 2023 theo quy định của nghị định 81, góp phần hỗ trợ các cơ sở giáo dục công lập có nguồn thu bù đắp chi phí, đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo, đồng thời khuyến khích các cơ sở giáo dục công lập đẩy nhanh lộ trình tự chủ chi thường xuyên, gia tăng điều kiện để hội nhập quốc tế.
Nguồn: tuoitre.vn