Bộ Nội vụ đang dự thảo Nghị định quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trong đó có đề xuất hợp nhất một số sở

Theo dự thảo, Bộ Nội vụ đề xuất hợp nhất Sở Tài chính với Sở Kế hoạch và Đầu tư thành Sở Kế hoạch-Tài chính.

Sở Kế hoạch-Tài chính có chức năng tham mưu, giúp UBND cấp tỉnh quản lý nhà nước về tài chính, ngân sách nhà nước, thuế, phí, lệ phí và thu khác của ngân sách nhà nước, tài sản nhà nước; kế toán, kiểm toán độc lập; kế hoạch đầu tư công; đầu tư trong nước, đầu tư nước ngoài ở địa phương; quản lý nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA)…

Cơ cấu tổ chức của Sở hợp nhất này gồm: Văn phòng; Thanh tra và không quá 10 phòng chuyên môn, nghiệp vụ. Đối với thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh được thành lập thêm 1 phòng để quản lý riêng về công sản và thành lập 1 chi cục thay cho 1 phòng chuyên môn, nghiệp vụ về tài chính doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, Bộ Nội vụ cũng đề xuất hợp nhất Sở Xây dựng với Sở Giao thông vận tải (và Sở Quy hoạch-Kiến trúc tại thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh) thành Sở Hạ tầng và phát triển đô thị.

Sở này có chức năng: Tham mưu, giúp UBND cấp tỉnh quản lý nhà nước về quy hoạch xây dựng và kiến trúc, hoạt động đầu tư xây dựng, phát triển đô thị; quản lý đường bộ, đường thủy nội địa, đường sắt đô thị; vận tải, an toàn giao thông…

Cơ cấu tổ chức của Sở Hạ tầng và phát triển đô thị gồm: Văn phòng, Thanh tra và không quá 9 phòng chuyên môn, nghiệp vụ. Đối với lĩnh vực giám định xây dựng, có thể thành lập Chi cục thay cho phòng chuyên môn, nhiệm vụ về lĩnh vực này.

Ngoài ra, theo dự thảo có các sở được tổ chức phù hợp với chính quyền đô thị, chính quyền nông thôn và đặc thù, chuyên ngành.

Cụ thể, thành lập Sở Du lịch tại một số địa phương trên cơ sở tiếp nhận chức năng tổ chức quản lý nhà nước về du lịch từ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Sở Du lịch có chức năng tham mưu giúp UBND cấp tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước về du lịch; các dịch vụ sự nghiệp công thuộc ngành, lĩnh vực theo quy định của pháp luật.

Sở Du lịch được thành lập khi đáp ứng các tiêu chí: Có di sản thiên nhiên, di sản văn hóa được tổ chức UNESCO công nhận là Di sản thế giới hoặc có tài nguyên và tiềm năng du lịch nổi trội (có khu du lịch quốc gia, điểm du lịch quốc gia hoặc đô thị du lịch, điểm tham quan, nghỉ dưỡng có quy mô lớn, nổi bật).

Đồng thời có 5 năm liên tục nằm trong 5 địa phương chưa thành lập Sở Du lịch có tổng thu từ khách du lịch cao nhất trong cả nước hoặc giá trị kinh tế từ du lịch đóng góp vào GDP hàng năm của địa phương có tỷ trọng từ 10% trở lên…

Bộ Nội vụ đang lấy ý kiến góp ý của nhân dân đối với dự thảo này tại Cổng Thông tin điện tử của Bộ.

Nguồn chinhphu.vn

Từ khóa : 24h Bình Phướcsát nhập các sở

Các tin liên quan đến bài viết