Theo thống kê của Chính phủ, năm 2017 có 39 người đứng đầu thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng bị xử lý kỷ luật (tăng 28 người so với 2016).

Để xảy ra tham nhũng, 39 người đứng đầu bị xử lý - Ảnh 1.

Hàng năm Chính phủ phải báo cáo Quốc hội công tác phòng, chống tham nhũng

Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng chống tham nhũng năm 2017 gửi đến kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa 14 khẳng định công tác phòng chống tham nhũng trong năm 2017 đạt kết quả tích cực trên nhiều mặt.

Dự báo trong thời gian tới, với nỗ lực của các cơ quan chức năng và cả hệ thống chính trị trong các khâu phòng chống tham nhũng, công tác này sẽ tiếp tục có tác dụng rất lớn trong răn đe, cảnh tỉnh, cảnh báo, ngăn chặn tham nhũng, khích lệ các nhân tố tích cực trong PCTN, củng cố niềm tin của nhân dân.

“Vẫn chưa đạt yêu cầu”

Báo cáo thẳng thắn nhận định: “Công tác phát hiện, điều tra tuy có tiến bộ nhưng vẫn chưa đạt yêu cầu, việc xử lý một số vụ việc, vụ án tham nhũng kinh tế còn chưa đạt được tiến độ đề ra; thu hồi tài sản tham nhũng đã được chú ý và có kết quả tích cực hơn nhưng tỷ lệ thu hồi còn thấp; công tác phát hiện, xử lý tham nhũng ở nhiều địa phương chưa có chuyển biến mạnh mẽ và quyết liệt”.

Theo thống kê của Chính phủ, năm 2017 có 39 trường hợp người đứng đầu thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng bị xử lý kỷ luật (tăng 28 người so với năm 2016). Việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng đã được chú trọng trong quá trình xử lý tham nhũng.

Tuy nhiên, Chính phủ thừa nhận “trong quá trình triển khai vẫn còn lúng túng trong việc xác định mức độ trách nhiệm của người đứng đầu cấp trên đối với sai phạm của người đứng đầu cơ quan cấp dưới hoặc trong trường hợp sai phạm liên quan đến nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều cơ quan, đơn vị, bộ phận”.

“Tình trạng việc nhũng nhiễu, tiêu cực, đòi hối lộ trong quá trình giải quyết công việc của người dân, doanh nghiệp vẫn còn xảy ra. Một bộ phận cán bộ chính quyền còn hành động vô cảm hoặc gây tai tiếng cho bộ máy nhà nước do tham nhũng, lợi ích nhóm”, báo cáo nêu.

Việc nộp lại quà tặng hầu như chỉ được thực hiện sau khi phát hiện có sai phạm. Qua một số vụ án được đưa ra xét xử gần đây, dư luận rất bức xúc trước việc tặng quà của Ngân hàng Oceanbank và chi hoa hồng cho bác sỹ của công ty CP VN Pharma.

Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội

Lãnh đạo nhiều hơn nhân viên

Dành nội dung khá lớn để đề cập đến nhiệm vụ tinh giản bộ máy, báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội đề cập thực tế một số bộ, ngành, địa phương đã tiến hành cải cách mạnh mẽ bộ máy hành chính, thu gọn đầu mối.

Các ví dụ được Uỷ ban Tư pháp biểu dương là Bộ Công thương (rút gọn từ 35 đầu mối cấp tổng cục, cấp vụ xuống còn 30 đầu mối, 175 phòng xuống 105 phòng), Bộ Nội vụ giải thể 4 đơn vị, Bộ Công an giảm mạnh đầu mối, Bộ Giáo dục và Đào tạo thu gọn nhiều đầu mối cấp vụ…

TP Hà Nội cũng tiến hành sắp xếp lại các ban quản lý đầu tư, xây dựng (giảm từ 70 xuống còn 41), sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp công lập (giảm từ 229 xuống còn 96); tỉnh Đồng Tháp thì sáp nhập, chuyển chức năng nhiều phòng, ban trong các Sở Nội vụ, Tài nguyên môi trường, Khoa học công nghệ…

Nhưng những cơ quan, đơn vị như vậy còn rất ít.

“Cải cách bộ máy hành chính chưa đạt yêu cầu, tổ chức bộ máy còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc trung gian, việc tăng đầu mối ở nhiều bộ, ngành, địa phương còn diễn ra; số lượng biên chế được tuyển dụng vượt số được cấp có thẩm quyền cho phép còn phổ biến”, Ủy ban Tư pháp nhận định.

Dẫn lại báo cáo của Tổng Kiểm toán Nhà nước, báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Tư pháp nêu: qua kiểm toán tại 23 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, phát hiện việc giao chỉ tiêu biên chế cao hơn chỉ tiêu Bộ Nội vụ giao là 1.672 biên chế; sử dụng hợp đồng lao động làm công việc chuyên môn nghiệp vụ không đúng quy định là 8.280 lao động.

“Việc bổ nhiệm số lượng lãnh đạo nhiều hơn quy định, thậm chí có nhiều nơi lãnh đạo nhiều hơn nhân viên vẫn diễn ra”, báo cáo thẩm tra nhận xét.

Cụ thể, theo kết quả sơ bộ của đoàn giám sát của Quốc hội về thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2016 và báo cáo của Chính phủ thì “tỉ lệ giữa lãnh đạo từ cấp phó phòng trở lên và công chức ở Bộ Công thương là 3/4, Bộ Tài chính, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Văn phòng Chính phủ, Bộ Nội vụ là 3/5…”

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : Chính phủcơ quanđơn vịkỷ luậtQuốc hộitham nhũngtrường hợpỦy ban Tư phápxử lý

Các tin liên quan đến bài viết