TS. Vũ Duy Thức – một “start-up” người Việt thành công trên đất Mỹ – cho rằng, với tiềm lực con người, Việt Nam có thể bắt kịp các cường quốc trên thế giới về phát triển công nghệ 4.0. Tuy nhiên, cần phải làm quyết liệt và có sự đầu tư chính sách hợp lý.
TS. Vũ Duy Thức cho rằng, để phát triển công nghiệp 4.0, quan trọng nhất vẫn là con người và giáo dục |
– Chương trình Kết nối mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nam lần này có ý nghĩa như thế nào với bản thân anh nói riêng và với các trí thức trẻ người Việt đang làm việc, nghiên cứu ở nước ngoài nói chung?
Đây là một cơ hội rất khả quan, là một sân chơi để kết nối những bạn trẻ người Việt đang học tập, làm việc, nghiên cứu ở nước ngoài; tạo một kênh thông tin để những người như bản thân tôi và các bạn có thể đóng góp, giúp ích được gì đó cho sự phát triển khoa học công nghệ của Việt Nam.
– Lần này Việt Nam có ý tưởng thành lập một Trung tâm Đổi mới sáng tạo để thu hút các trí thức người Việt từ khắp nơi trên thế giới về cống hiến cho đất nước. Anh nghĩ sao về ý tưởng này?
Tôi nghĩ rằng đây là một ý tưởng rất hay. Bởi vì, thứ nhất, có rất nhiều nhà khoa học, những người làm công nghệ trên thế giới muốn trở về đóng góp cho quê hương. Việc tạo một kênh để họ biết rằng Việt Nam đang cần gì, có thể hợp tác được với những ai, đã làm được những gì là một ý tưởng rất đáng hoan nghênh, là một sân chơi cần thiết để mọi người có thể kết nối và hợp tác với nhau hiệu quả hơn.
– Hiện nay, ở Việt Nam, cụm từ “công nghiệp 4.0” được nhắc đến rất nhiều. Anh đánh giá như thế nào về tiềm lực phát triển công nghiệp 4.0 của Việt Nam, trong khi khoa học công nghệ của chúng ta được nhìn nhận là ‘tụt hậu’ và đi chậm so với thế giới?
Thực ra, có một điều thú vị đó là có một số công nghệ trong mảng này mới xảy ra rất gần đây thôi, ví dụ như công nghệ “blockchain” hay công nghệ AI.
Vì vậy, Việt Nam tuy rằng có thể nói là đang tụt hậu, nhưng với tiềm lực con người thì tôi cho rằng đây là một cơ hội để chúng ta có thể bắt kịp các cường quốc trên thế giới.
Nhưng song song với đó, chúng ta phải làm rất quyết liệt, cần phải có sự đầu tư chính sách hợp lý. Nếu không nắm bắt được cơ hội này, chúng ta sẽ còn bị bỏ xa hơn nữa.
Quan trọng nhất vẫn là giáo dục, đào tạo
– Theo anh, những khó khăn và thách thức của Việt Nam khi phát triển công nghiệp 4.0 là gì? Đặc biệt là những lĩnh vực như AI (trí tuệ nhân tạo), Việt Nam đi sau thế giới rất nhiều, chúng ta phải làm thế nào để bắt kịp?
Cái quan trọng nhất, theo tôi, vẫn là con người và giáo dục. Làm sao để mình đào tạo được những bạn học sinh, sinh viên và những người làm nghiên cứu trực tiếp tham gia vào các dự án trong mảng công nghệ 4.0. Từ đó, ta mới có thể xây dựng được hệ sinh thái bao gồm những người trẻ cùng với những công ty khởi nghiệp, những công ty lớn chung tay với nhau để làm những dự án lớn, mang đến tầm ảnh hưởng cho Việt Nam.
– Anh có đề xuất, kiến nghị gì với các nhà làm chính sách để giấc mơ 4.0 của Việt Nam sớm trở thành hiện thực?
Tôi cho rằng nên tập trung vào giáo dục, đào tạo. Việt Nam nên xây dựng một hệ sinh thái mà ở đó mình có thể vừa học vừa làm. Như vậy thì mới đẩy nhanh được nền tảng về công nghệ 4.0.
– Anh có thể nói cụ thể hơn về những thay đổi cần thiết trong giáo dục, đào tạo của Việt Nam?
Đây là một câu chuyện dài hơi. Tôi nghĩ trước tiên cần tập trung vào mảng nghiên cứu. Chương trình giảng dạy cũng phải phù hợp với thời đại, với những gì cấp tiến nhất của thế giới. Bên cạnh giảng dạy có thể đồng thời nghiên cứu để nâng trình độ lên, bởi vì chỉ giảng dạy thôi thì không đủ để xây dựng một trường đại học có nền tảng cho những nhà khoa học tầm cỡ thế giới.
– Anh đánh giá thế nào về tiềm năng nguồn nhân lực hiện tại của Việt Nam để phát triển công nghệ 4.0?
Tôi nghĩ rằng về nhân lực Việt Nam có nhưng vấn đề đào tạo vẫn còn nhiều cái vẫn cần phải cải thiện. Ngoài ra, chúng ta cũng chưa tận dụng hết nguồn nhân lực từ nước ngoài. Vì thế, chương trình kết nối đổi mới sáng tạo này tôi thấy rất hay.
Về Việt Nam, tôi nhận nhiều thuận lợi hơn khó khăn
TS. Vũ Duy Thức đóng góp ý kiến trong cuộc gặp gỡ 100 nhà khoa học trẻ đang làm việc ở nước ngoài tại Khu Công nghệ cao Hoà Lạc. |
– Có một thực tế được phản ánh từ lâu là các trí thức ở nước ngoài khi về Việt Nam làm việc hay phàn nàn về những thủ tục hành chính phức tạp; cơ chế, môi trường làm việc không tạo điều kiện cho họ cống hiến. Theo anh, Việt Nam cần làm gì để thu hút được nhân tài trở về nước?
Mỗi môi trường có những đặc thù khác nhau. Việt Nam cũng có những cái khó khăn riêng, nhưng bản thân tôi thấy, thời gian qua, chúng ta đã có rất nhiều sự thay đổi và những tiến bộ trong thủ tục hành chính.
Theo tôi, thứ nhất, nên có những hướng dẫn rất cụ thể để khi các bạn quay về Việt Nam sẽ hình dung được cần những bước cần làm, mất thời gian bao lâu cho mỗi bước… Như vậy sẽ giúp các bạn giảm “shock” (sốc) khi quay về.
Bên cạnh đó, cần những người Việt hiểu được tình hình trong nước và những gì Việt Nam đang cần, từ đó hợp tác với các bạn từ nước ngoài trở về thì sẽ có kết quả tốt hơn.
– Hiện tại, anh có đang thực hiện dự án nào ở Việt Nam không?
Tôi đang làm một vài dự án ở Việt Nam. Tôi có một vài dự án về công tác xã hội, ví dụ như những quỹ học bổng Vietseeds dành cho những sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, hay chương trình VietAI – mang chương trình học về AI của ĐH Stanford và Google về để đào tạo cho các sinh viên, kỹ sư tại Việt Nam.
Tôi cũng đang xây dựng một hệ thống “innovation lab” – những phòng nghiên cứu sáng tạo của công ty Kambria. Đây là một dự án mới của tôi nhằm xây dựng một nền tảng mở thúc đẩy sự phát triển những kỹ thuật công nghệ cao, đẩy mạnh ứng dụng và thương mại hoá những công nghệ này, mang đến giá trị cho người sử dụng. Đặc biệt, nền tảng có thể giải quyết được những bài toán xã hội, đặc biệt là cho Việt Nam.
– Anh có gặp những khó khăn tương tự như các nhà khoa học vẫn hay than phiền khi về nước?
Tôi gặp thuận lợi nhiều hơn là khó khăn. Tôi nhận được rất nhiều sự ủng hộ của các đơn vị thuộc Chính phủ cũng như cá nhân và các tập đoàn. Hiện nay, những dự án của tôi ở Việt Nam đang rất khả quan.
– Anh có nghĩ rằng do anh là người nổi tiếng nên mới nhận được nhiều thuận lợi như vậy không?
(Cười) Tôi không dám nhận mình là người nổi tiếng. Tôi nghĩ tôi cũng như rất nhiều bạn trẻ khác người Việt hiện đang học tập, nghiên cứu và làm việc ở nước ngoài. Tôi may mắn là có những cơ hội mở ra nhiều hơn mà thôi.
– Anh có ý định về Việt Nam làm việc hay có nhiều hơn các dự án ở Việt Nam?
Tôi rất mong muốn sẽ có nhiều cơ hội hợp tác đi đi về về, để xây dựng những dự án như tôi đã chia sẻ và tiếp tục phát triển nó.
– Cảm ơn anh.
TS. Vũ Duy Thức (ĐH Stanford, Mỹ) là một trí thức trẻ quen mặt trong cộng đồng làm khoa học công nghệ người Việt trên đất Mỹ. Anh nổi tiếng với vai trò là người sáng lập các “start-up” công nghệ sử dụng trí tuệ nhân tạo. Một trong những sản phẩm ấn tượng nhất của anh là robot điều khiển từ xa Ohmni – một robot gia đình, đặc biệt dành cho người cao tuổi. Năm 2017, Vũ Duy Thức là người Việt Nam duy nhất được tờ The Business Journals bình chọn vào top 40 gương mặt dưới 40 tuổi ấn tượng nhất Thung lũng Silicon.Anh là một trong 100 nhà khoa học trẻ người Việt đang làm việc ở nước ngoài tham gia chương trình Kết nối mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nam diễn ra từ ngày 18-24/8/2018. |
Nguồn: vietnamnet