Sau khi nghiên cứu đề thi tham khảo THPT quốc gia năm 2019 mà Bộ GD-ĐT vừa công bố, nhiều giáo viên nhận định đề dễ thở hơn năm 2018, phần lớn kiến thức thuộc chương trình lớp 12.
Đề tham khảo Ngữ văn “dễ thở” hơn đề thi 2018
Nhận xét về đề thi môn Ngữ văn, cô Trịnh Thu Tuyết, nguyên giáo viên dạy Ngữ văn của Trường THPT Chu Văn An (Hà Nội) chia sẻ, cấu trúc đề cơ bản gần như không thay đổi. Theo đó gồm 2 phần: Đọc hiểu (3 điểm) với ngữ liệu ngoài sách giáo khoa và 4 câu hỏi với mức độ: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao; phần Làm Văn gồm 2 câu hỏi Nghị luận xã hội (2 điểm) và Nghị luận văn học (5 điểm).
“Về tổng thể, nhìn chung nếu như đề tham khảo thì dễ thở hơn so với đề thi năm 2018”, cô Tuyết nói.
Đề Lịch sử đúng tiêu chí xét tốt nghiệp
Nhận xét về đề thi môn Lịch sử, ThS Nguyễn Viết Đăng Du, Tổ trưởng tổ lịch sử, Trường THPT Lê Qúy Đôn cho hay, đề thi bám sát nội dung của chương trình phổ thông, trọng tâm là chương trình lớp 12. Đề có 2 câu thuộc chương trình 11 là câu 24 và 32. Một câu sử dụng kiến thức 11 để liên hệ với sử 12 (câu 29).
“Nhìn chung nhiều câu ở mức độ nhận biết, thông hiểu. Các câu hỏi vận dụng chỉ chiếm khoảng 20%. Đề thi có thể là đẹp và đúng với tiêu chí xét tốt nghiệp”, ông Du nói.
Có sự phân hóa khá rõ ở đề tham khảo môn Hóa
Trong khi đó nhận xét về đề thi môn Hóa học, cô Trần Thị Thao (giáo viên dạy Hóa học của Trường THPT Nghi Lộc 2, Nghệ An) cho rằng, đề thi có sự phân hóa, trong đó 60% số câu hỏi đầu dành cho phần xét tốt nghiệp. “Đây là những câu hỏi mà học sinh dễ dàng giành điểm. 40% câu hỏi sau dùng phân loại xét tuyển đại học, cuối đề có một vài câu hỏi tương đối khó”.
Đề tham khảo môn Toán nhẹ nhàng hơn đề chính thức năm trước
Nhận xét về đề thi môn Toán, thầy Trần Tuấn Anh (giáo viên dạy Toán ở Quận Gò Vấp, TP.HCM) nhận định, nhìn chung đề thi minh họa nhẹ nhàng hơn cả đề thi chính thức năm vừa rồi.
Theo thầy Tuấn Anh, nội dung và cấu trúc đề bao quát chủ yếu kiến thức 12 (gần tới 90%), khoảng 10% còn lại là kiến thức 10 và 11.
“So với đề 2018, đề minh hoạ ngắn hơn và yêu cầu nội dung kiến thức nhẹ nhàng hơn. Câu khó từ mức điểm gần 9 trong khi năm ngoái câu khó từ mức điểm 7. Nội dung, kiến thức có lớp 10 nhưng tỉ lệ lớp 10 và 11 là thấp hơn đề 2018”.
Theo thầy Tuấn Anh, với đề này cách ôn phù hợp là nắm chắc kiến thức sách giáo khoa 12, hiểu cách vận dụng căn bản nhất. Hạn chế giải các bài tập dài, nặng kiểu tự luận, như đề thi học sinh giỏi.
Đồng quan điểm, thầy Nguyễn Quốc Chí, giáo viên Trung tâm Tuyensinh247 đánh giá đề tham khảo không khó hơn đề thi THPT quốc gia năm trước.
“Hợp lý hơn rất nhiều về kiến thức và phân bố thời gian hợp lý để học sinh thực hiện bài thi. Đề năm nay phân hóa rõ ràng từ câu hỏi số 40. Trong 30 câu đầu tiên bao trọn kiến thức cơ bản của môn Toán THPT. Vậy học sinh có ý thức trong việc học tập, ôn luyện hoàn toàn có khả năng đạt 60% điểm bài thi không mấy khó khăn.
Từ câu 30-40 là nhóm câu hỏi đòi hỏi học sinh vận dụng thêm kiến thức nhưng ở mức độ không cao, đó là nhóm câu hỏi dành cho mức học lực Khá.
Từ câu 40-45, những câu hỏi cần sự tư duy, vận dụng kiến thức linh hoạt, không rập khuôn, đây là những câu hỏi phân loại các học sinh khá giỏi.
Với 5 câu hỏi cuối cùng , vẫn là nhóm câu hỏi tìm kiếm điểm 10 nên theo lẽ tất nhiên là thuộc dạng khó. Tuy nhiên, nhóm cuối này cũng không khó như đề thi năm 2018. Tôi cho rằng đó là điều hợp lý sau một kì thi năm 2018 mà đề thi hơi quá sức với học sinh”, thầy Chí nói.
“Đề thi đã có những cải tiến đáng kể về mặt kiến thức và cách ra đề để hạn chế mẹo vặt trắc nghiệm kèm máy tính cầm tay. Nhìn chung với đề thi như vậy sẽ phân hóa tốt hơn giữa nhóm học sinh trung bình khá và giỏi. Tuy nhiên để tìm ra những học sinh thật sự xuất sắc thì nhóm 5 câu cuối hoàn toàn có thể nâng độ khó thêm một chút nữa” – thầy Chí góp ý.
Ảnh minh họa |
Nhận định tổng quát về các đề thi tham khảo kỳ thi THPT quốc gia năm 2019, các giáo viên của Hệ thống giáo dục Hocmai cho rằng có đến 90% thuộc kiến thức lớp 12, không có câu hỏi thuộc kiến thức lớp 10, tập trung chủ yếu cho mục tiêu xét công nhận tốt nghiệp THPT.
Nhìn chung đề thi đảm bảo bám sát chuẩn kiến thức kĩ năng của chương trình THPT và chủ yếu thuộc chương trình lớp 12. Phần kiến thức lớp dưới chiếm tỉ lệ rất nhỏ (không quá 10%/1 môn và gần như chỉ rơi vào chương trình lớp 11, không có câu hỏi thuộc kiến thức lớp 10). Riêng môn Ngữ văn ngữ liệu nằm hoàn toàn trong chương trình lớp 12, còn môn Toán có xuất hiện câu hỏi có liên quan đến kiến thức lớp 10 (câu 49).
So với đề thi chính thức kì thi THPT quốc gia năm 2018, độ khó của đề thi tham khảo được giảm đi tương đối rõ rệt và tập trung nhiều vào mục tiêu để xét công nhận tốt nghiệp THPT. Số câu hỏi dễ và câu hỏi lí thuyết (mức độ nhận biết và thông hiểu) tăng lên, số câu vận dụng cao giảm đi chỉ còn chiếm khoảng 10% (khoảng 4 câu) và đồng thời có sự giảm về độ khó của các câu hỏi này so với đề thi 2018.
Theo các giáo viên, sự điều chỉnh này tương đối hợp lí nhằm đảm bảo thực hiện mục tiêu của kỳ thi, giải quyết các vấn đề tồn đọng của kì thi các năm trước. Ngoài ra, việc điều chỉnh về độ khó và cấu trúc đề thi như vậy cũng tạo thuận lợi hơn cho thí sinh trong việc xét công nhận tốt nghiệp theo quy chế mới.
“Với đề thi này, thí sinh học ở mức Trung bình – Khá không khó để có thể đạt 6,7điểm/1 môn thi. Cần phải nói thêm rằng đây mới chỉ là đề thi mang tính chất tham khảo để học sinh hình dung được sơ bộ về hình thức của 1 đề thi thật đồng thời có thêm thông tin để phục vụ việc ôn tập. Các học sinh cần bám sát quy chế thi THPT quốc gia, tập trung ôn tập để nắm chắc các phần kiến thức lớp 12, đồng thời rà soát lại các phần kiến thức lớp 11 và một số phần có liên quan ở lớp 10 để gia tăng cơ hội tối đa điểm số”, các giáo viên chia sẻ.
Trao đổi với VietNamNet, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT) cho hay, đề thi năm nay sẽ được xây dựng theo hướng vừa có cơ bản để phục vụ cho mục đích xét tốt nghiệp nhưng đồng thời cũng sẽ có mức độ phân hóa phù hợp để phục vụ cho mục đích tuyển sinh đại học, cao đẳng. Nội dung chủ yếu của đề thi sẽ nằm ở chương trình lớp 12.
“Qua các đề thi tham khảo, các giáo viên bộ môn có thể có phân tích cho học sinh đề thi sẽ đề cập mức độ kiến thức như thế nào và qua đó có sự ưu tiên trong việc ôn tập.
Các thí sinh yên tâm rằng đề thi tham khảo này sẽ có giá trị tham khảo rất tốt cho việc dạy và học cho giáo viên và học sinh trong và ngoài nhà trường”, ông Trinh nói.
Theo ông Trinh, trong cách thiết kế của chương trình giáo dục, luôn có tính liên thông và kế thừa, như vậy không thể nói kiến thức của lớp sau không sử dụng kiến thức của lớp trước. Có thể kiến thức ở lớp trước là công cụ để xử lý, giải quyết những kiến thức ở lớp sau. Đó là điều rõ ràng và không một nhà khoa học nào có thể phân định rằng kiến thức của câu hỏi này, câu hỏi kia là chỉ thuần kiến thức của chương trình lớp 12.
“Tuy nhiên, nội dung của đề thi tham khảo cũng thể hiện rất rõ là đề thi sẽ chủ yếu nằm ở chương trình lớp 12”, ông Trinh chia sẻ.
Trước câu hỏi việc tổ chức một kỳ thi 2 mục đích khiên cưỡng, gượng ép, đề thi năm nay giải quyết như thế nào, ông Trinh cho hay: “Bộ GD-ĐT đã có một quá trình chuẩn bị lâu dài, kỹ lưỡng. sau quá trình thực tiễn thì có sự ra đời của Nghị quyết 29 với nội dung đổi mới việc thi theo hướng tổ chức kỳ thi theo hướng lấy kết quả để xét tốt nghiệp THPT và làm căn cứ cơ sở để các trường ĐH, CĐ sử dụng trong tuyển sinh. Việc xây dựng được đáp ứng mục tiêu đó khó hơn đáp ứng từng mục tiêu riêng rẽ nhưng trên thực tế chúng ta làm được và cơ bản đáp ứng được yêu cầu. Việc xây dựng ngân hàng câu hỏi chuẩn hóa, như các nước phát triển đã xây dựng cả thế kỷ, trong khi chúng ta mới trải qua chập chững những năm đầu tiên. Với các nước như vậy, đội ngũ chuyên gia lớn như thế, chi phí rất lớn so với nguồn lực của chúng ta thì trong những năm vừa qua phải rất cảm ơn đội ngũ thầy cô giáo của chúng ta”.
Tuy nhiên, theo ông Trinh, vẫn còn những điểm cần xử lý, đặc biệt là những tiêu cực. “Quan điểm của Bộ GD-ĐT là không dung túng cho các sai phạm, chủ động nhìn trước tình huống để xử lý”.
Nguồn: vietnamnet