Đề thi minh họa THPT quốc gia năm nay không làm khó thí sinh và có sự phân hóa.
Đề thi môn Văn có tính giáo dục
Cô Lưu Mai Tâm, giáo viên trường THPT Trịnh Hoài Đức, Bình Dương cho biết đề thi có cấu trúc giống đề thi năm 2018, 2019, gồm hai phần: đọc hiểu (3 điểm) và làm văn (7 điểm).
Phần Đọc hiểu: Gồm 4 câu hỏi nhỏ theo các mức độ nhận biết, thông hiểu, vận dụng.
– Câu 1: Xác định phương thức biểu đạt chính – nhận biết kiểu loại văn bản.
– Câu 2: Nhận biết một nội dung quan niệm trong văn bản. Cách hỏi hơi rườm rà, có thể diễn đạt lại: Theo tác giả, anh hùng là người có thái độ như thế nào trước khó khăn, nghịch cảnh?
– Câu 3: Thông hiểu một nội dung đưa ra trong văn bản.
– Câu 4: Vận dụng: lựa chọn thái độ đối với một quan niệm của tác giả văn bản.
Hình thức câu hỏi và các mức độ câu hỏi quen thuộc với HS; nội dung ngữ liệu phù hợp với trình độ nhận thức của học sinh lớp 12, có tính giáo dục, hướng tới lối sống tích cực.
Phần Làm văn: Gồm hai câu hỏi ứng với hai yêu cầu: nghị luận xã hội và nghị luận văn học.
– Câu 1: Viết đoạn văn khoảng 200 chữ trình bày suy nghĩ về những hành động nhỏ làm nên người anh hùng giữa đời thường. Với lệnh đề này, đoạn văn vừa hướng vào biểu hiện, vừa chỉ ra tác dụng, giá trị của những hành động nhỏ làm nên người anh hùng. Đề có tính liên hệ thực tế, tính thời sự cao, có khả năng nắm bắt ý thức, nhận thức của học sinh về vai trò, sứ mệnh, trách nhiệm của mỗi người trong cuộc đời.
– Câu 2: Đề yêu cầu nghị luận về nhân vật trong một phần của tác phẩm. Lệnh hỏi giống với đề thi tốt nghiệp của những năm 2013 trở về trước; đề không có đuôi phân hóa, không trích dẫn văn bản.
Nhìn chung, đề ra theo hướng an toàn, có lợi cho học sinh khi xét tốt nghiệp. Đề bám vào kiến thức trọng tậm, có tính thời sự, giáo dục cao. Tuy nhiên khả năng phân hóa học sinh chưa cao.
Tương tự, cô Nguyễn Mai Loan, Giáo viên trường THCS – THPT quận Tân Bình chia sẻ, đề minh họa không đi ra ngoài khung quy định. Các đơn vị kiến thức-kỹ năng trong câu hỏi không vượt ra ngoài nội dung chương trình được điều chỉnh tinh giản mà bộ vừa mới công bố.
Cấu trúc đề vẫn gồm hai phần :phần đọc hiểu (3 điểm) làm văn (7 điểm) theo các mức độ: nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao. Đề minh họa này tương đối “dễ thở” với học sinh 12.
Mức độ đề bài khá an toàn để HS trung bình có thể có trên 3.5 điểm. Học sinh khá,giỏi sẽ dễ đạt 6.5 điểm trở lên
Môn Toán: 30% mức vận dụng và vận dụng cao
Nhận xét về đề Toán, thầy Ngô Phạm Hưng Thịnh, giáo viên trường THPT Nguyễn Du, quận 10 cho hay nội dung đề bao gồm kiến thức lớp 11 và lớp 12.
+) Lớp 11 gồm 5 câu chiếm 10%, cụ thể như sau:
Phần Đại số và giải tích gồm Tổ hợp xác suất; dãy số, csc, csn.
Phần hình học là véctơ trong không gian, quan hệ vuông góc trong không gian.
+) Lớp 12 gồm 45 câu chiếm 90%, cụ thể như sau:
Phần giải tích:
Chương 1: ứng dụng đạo hàm để khảo sát và vẽ đồ thị hàm số gồm 13 câu trong đó có 3 câu vận dụng thấp, 2 câu vận dụng cao.
Chương 2 là hàm số lũy thừa, hàm số mũ, hàm số lôgarit gồm 8 câu trong đó có 1 câu vận dụng cao.
Chương 3: nguyên hàm, tích phân, ứng dụng gồm 7 câu trong đó có 2 câu vận dụng thấp, 1 câu vận dụng cao.
Chương 4 gồm 3 câu số phức.
Phần hình học gồm khối đa diện (3 câu); mặt nón, mặt trụ, mặt cầu (3 câu); phương pháp tọa độ trong không gian (8 câu).
Nhìn chung, về cấu trúc đề có 1 điểm lớp 11, 9 điểm lớp 12 (kiến thức học kỳ 2 chiếm 3,2 điểm trong đó có 2,6 điểm ở mức nhận biết, thông hiểu và 0,6 điểm ở mức vận dụng thấp, vận dụng cao. Kiến thức học kỳ 1 chiếm 5,8 điểm).
Về độ phân hóa đề theo tỉ lệ 70% kiến thức ở mức nhận biết thông hiểu và 30% kiến thức ở mức vận dụng và vận dụng cao.
Tổ hợp KHXH: nội dung tập trung học kỳ 1
Đối với môn Địa lý, cô Võ Thị Kim Hiệp, Giáo viên trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, quận 1 cho biết đề thi khá hợp lý với tình hình hiện nay.
Phần lớn tập trung vào kiến thức cơ bản. Tỷ lệ vận dụng, phân hóa thấp. Phần kỹ năng atlat, biểu đồ tương đối nhẹ nhàng. Độ khó của đề so với những năm trước đã giảm xuống một chút. Điều này cũng khá hợp lý vì HS phải nghỉ học kéo dài do dịch COVID-19.
Kiến thức lớp 12 chiếm 95% (38 câu), kiến thức lớp 11 có 2 câu (2 câu khá nhẹ nhàng ở dạng biểu đồ và bảng số liệu, không nặng về lý thuyết).
So với năm trước, đề năm nay số câu kỹ năng atlat, biểu đổ, bảng số liệu nhiều hơn, chiếm tới 15 câu.
Trong đề thi, kiến thức học kỳ 2 gồm có địa lý dân cư (3 câu), các ngành kinh tế (4 câu), các vùng kinh tế (7 câu), biển cả (1 câu) đa số ở kiến thức cơ bản, không có đánh đố, không khó. Còn phần tự nhiên ở học kỳ 1 chiếm 8 câu. Điều này dễ hiểu, học kỳ 2 chiếm số lượng câu nhiều nhưng ở mức nhận biết, thông hiểu. Riêng phần tự nhiên ở học kỳ 1 trong đó có một số câu vận dụng để phân hóa học sinh.
Nhìn chung đề hay, hợp lý có sự linh động về mặt kiến thức. Nếu HS học tốt dễ dàng đạt được 6-7 điểm.
Còn môn Lịch sử, thầy Thiều Quang Thịnh, giáo viên trường THPT Long Thới, huyện Nhà Bè cho biết phần lịch sử thế giới (12 câu) và lịch sử Việt Nam (28 câu) giống tỉ lệ đề chính thức 2019.
Lớp 11 gồm 2 câu chiếm 5% (giảm 2 câu so với đề thi chính thức 2019). Lớp 12 là 38 câu chiếm 95%. Trong đó, nội dung học kỳ 1 là 31 câu (tăng 4 câu) còn học kỳ 1 là 7 câu (giảm 2 câu so với đề chính thức 2019).
Nhìn chung đề minh họa hoàn toàn bám sát sách giáo khoa, nhẹ nhàng, phù hợp tốt nghiệp THPT trong mùa COVID-19. Các câu hỏi phân loại, vận dụng cao chủ yếu thuộc phần lịch sử Việt Nam.
Với đề tham khảo này, học sinh trung bình hoàn toàn có thể đạt mức 5 điểm trở lên. Học sinh Giỏi, ôn tập kỹ thì có thể chinh phục điểm 9.
Thầy Vũ Hồng Nhân, Tổ trưởng chuyên môn Giáo dục công dân, trường THPT Trưng Vương, quận 1 cho hay đề thi minh họa bao gồm kiến thức của khối 11 và khối 12.
Độ khó trong câu hỏi trắc nghiệm tương đương năm ngoái, chỉ khác nội dung tổng thể chương trình được giảm bớt. Nội dung kiến thức học kỳ 2 được giảm bớt, tập trung chủ yếu ở học kỳ 1.
Với đề thi, nếu học sinh học thuộc dạng trung bình trở lên có thể đạt điểm 6, để đạt điểm 9,10 các em phải có khả năng đọc, hiểu, vận dụng.
Tổ hợp KHTN không quá khó
Nói về đề minh họa môn Sinh, cô Lê Thị Trang, giáo viên trường THPT Đào Duy Anh, quận 6 cho hay nội dung kiến thức tương đối nhẹ nhàng. Các câu hỏi phân hoá một cách rõ ràng.
Phần kiến thức nhận biết chiếm tỉ lệ cao nhất với 20 câu (50%). Phần kiến thức thông hiểu với 10 câu (25%). Phần kiến thức vận dụng với 6 câu (15%) và vận dụng cao chiếm 4 câu (10%).
Nội dung chương trình thi vẫn tập trung chủ yếu ở chương trình sinh học lớp 12 (chiếm 85% số câu). Từ đó, khả năng đạt 6-7 điểm môn sinh học trong đề thi năm nay sẽ khả quan hơn. Do đó, HS không nên quá chú trọng vào những câu hỏi khó hoặc những bài toán sinh học vận dụng cao mà bỏ quen các câu kiến thức cơ bản.
Về môn Vật lý, thầy Lê Thanh Nghị cho biết đề minh họa không quá khó. Đa số kiến thức trong đề tập trung lớp 12 chủ yếu ở học kỳ 1, học kỳ 2 chỉ có một số câu cơ bản; có 5 câu kiến thức lớp 11 ( phần điện, phần thấu kính).
Nội dung phân hóa tập trung ở học kỳ 1. Đề “dễ thở” với HS trong tình hình dịch bệnh. Đối với HS giỏi thì sẽ dễ đạt điểm 9, còn HS trung bình thì dễ đạt điểm 6.
Đối với môn Hóa học, thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Du, quận 10 kiến thức ổn, không ra phần giảm tải. Có 6 câu nằm ở chương trình 11 (chiếm 1,5 điểm), còn lại lớp 12. Với đề thi này, học sinh học bài nghiêm túc có học lực trung bình – khá đạt từ 5,5 điểm – 7,5 điểm. Những HS xuất sắc dễ dàng đạt điểm 10.
Đối với môn Tiếng Anh, nhiều giáo viên cho rằng đề năm nay tập trung chủ yếu vào kiểm tra những kiến thức về từ vựng, ngữ pháp, kỹ năng đọc hiểu và kế thừa những dạng bài năm trước.
NGUYỄN QUYÊN
Nguồn https://plo.vn/xa-hoi/giao-duc/de-thi-minh-hoa-thpt-quoc-gia-khong-danh-do-902968.html