BP – Thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 1-1-2017 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2017, ngày 21-2, UBND tỉnh đã ban hành Chương trình hành động số 46/CTr-UBND nhằm thực hiện các nội dung của Nghị quyết số 01. Theo đó, UBND tỉnh giao các sở: Tài chính, Kế hoạch – Đầu tư, Kho bạc Nhà nước, Cục Thuế cùng các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã chủ động thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính, ngân sách.
Nói tới ngân sách là nói tới việc thu – chi. Cái lẽ thông thường là mỗi ngành, địa phương đều phải phấn đấu tăng thu, giảm chi để nhà nước có điều kiện đầu tư phát triển kinh tế và tăng phúc lợi xã hội. Thế nhưng ở nước ta, do điều kiện tự nhiên, xã hội ở mỗi vùng, miền có những thuận lợi, khó khăn khác nhau nên nguồn thu không đồng đều. Và do không cân đối được thu – chi nên một số địa phương, trong đó có Bình Phước phải dựa vào nguồn ngân sách nhà nước để bảo đảm nguồn chi. Và việc phân chia “chiếc bánh ngân sách” với cơ chế xin – cho trước đây nảy sinh từ đó.
Khi Luật Ngân sách nhà nước đã đi vào đời sống một thời gian khá lâu thì việc “chia bánh” đã rạch ròi, dân chủ hơn rất nhiều so với trước. Ngân sách nhà nước là do công sức của nhân dân làm ra. Nhưng khi phân chia lại do một số cơ quan chức năng tính toán, cân đối. Vì thế, để bảo đảm công bằng, dân chủ, khách quan thì các vị đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp phải giám sát, thông qua kế hoạch chi ngân sách là điều tất yếu. Tuy nhiên trong thực tế, việc giám sát phân chia ngân sách không hề đơn giản. Chưa nói tới sự hiểu biết pháp luật của các vị đại biểu nhân dân có đủ để giám sát các cơ quan chức năng trong việc phân chia ngân sách, xét về góc độ nhu cầu thì nguồn ngân sách có hạn mà địa phương nào, ngành nào cũng thấy nhu cầu chi của mình quá lớn và bức thiết. Trong thực tế, có không ít địa phương rất khó khăn, nguồn thu thấp nên mọi hoạt động đều dựa vào sự hỗ trợ của trung ương nhưng lại đòi hỏi thái quá về các nguồn chi. Rất nhiều công trình trăm tỷ, ngàn tỷ, địa phương “đòi” cho bằng được, nhưng thực hiện không hiệu quả hoặc hiệu quả rất thấp. Có những công trình hàng trăm tỷ, do tính toán không kỹ, phát sinh kinh phí nhiều và phải thi công kéo dài trong nhiều năm, đến khi hoàn thành thì đã lạc hậu. Chỉ tính riêng năm 2016, mức bội chi ngân sách 11 tháng của cả nước đã lên tới 176.900 tỷ đồng – một con số khổng lồ. Bởi thế, cùng với hoàn thiện Luật Ngân sách nhà nước, Quốc hội đồng thời xây dựng, hoàn thiện các luật khác như Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng, Luật Đấu thầu, Luật Phí và lệ phí, Luật Quản lý nợ công… cùng các nghị định, các văn bản chỉ đạo, điều hành của Chính phủ nhằm sử dụng hiệu quả nguồn ngân sách nhà nước.
“Chiếc bánh ngân sách” năm 2017 đã được phân chia. Vấn đề quan trọng là sử dụng nguồn ngân sách thế nào cho hiệu quả. Đầu tư ngân sách thế nào cho trúng, trở thành “đòn bẩy” để phát triển kinh tế – xã hội là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của mỗi ngành, địa phương. Thực tế không ít địa phương “chạy” được nguồn ngân sách rồi lại chỉ lo mua sắm thiết bị công, xây trụ sở, gây lãng phí không cần thiết. Bởi thế, ngay từ đầu, các cấp ủy đảng, chính quyền cần phải có những ràng buộc pháp lý để đồng tiền do nhân dân làm ra được sử dụng đúng mục đích, hiệu quả. Và đây cũng chính là thước đo để đánh giá bộ máy quản lý và cá nhân người đứng đầu các ngành, địa phương.
Nguồn:BPO