Đã nhiều tháng trôi qua nhưng chị Đào Thị H (44 tuổi, ngụ phường Phú Thịnh, thị xã Bình Long, Bình Phước) vẫn chưa hết bàng hoàng mỗi khi nhớ lại câu chuyện mình bị “sập bẫy”.
Chị H kể, để công việc mua bán nông sản được thuận lợi, chị đã mở doanh nghiệp đặt trụ sở giao dịch tại thị xã Bình Long. Ngày 2-2, chị nhận được điện thoại từ số 09011112xx của một người tên Thảo đặt mua 20 tấn hạt tiêu với giá 71.500đ/kg. Bên mua yêu cầu chị H giao hàng tại xã Vĩnh Tân, thị xã Tân Uyên (Bình Dương) và sẽ trả tiền khi nhận hàng.
Sáng hôm sau, chị H cùng tài xế Huỳnh Viết T và phụ xe Nguyễn Minh P.điều khiển xe tải BKS 93C-05000 chở hơn 20,3 tấn hạt tiêu xuống Bình Dương giao cho bên đặt mua. Trong lúc chị H cho xuống hết số hạt tiêu kể trên, Thảo nói đi công việc và hẹn quay lại thanh toán.
Hạt điều được sản xuất, mua bán tại Bình Phước. |
Khoảng 12h30 cùng ngày, Thảo điện thoại yêu cầu chị H đến trước cổng Khu du lịch Đại Nam nhận tiền hàng. Do tin tưởng, chị H cùng tài xế chạy đến điểm hẹn đợi khoảng 30 phút nhưng không thấy Thảo đem tiền đến trả. Trong lúc đứng chờ thì chị H nhận được điện thoại của phụ xe P cho biết có xe ôtô bán tải màu trắng đến nói là người của Thảo nhận 11 bao hạt tiêu (khoảng 70kg, trị giá gần 60 triệu đồng) để chuyển đến nơi khác.
Nghe vậy, chị H quay lại kiểm tra và gọi điện hỏi thì Thảo xác nhận là có phân công người của mình đến chở tiêu để bán lại khách hàng. Thảo còn rối rít xin lỗi chị H và hẹn đến tối sẽ gặp chị H để trả tiền. Thế nhưng sau đó, chị H không thể liên lạc được cho Thảo nên tìm đến Công an tỉnh Bình Dương trình báo.
Trung tá Hồ Hoàng Thanh, Phó trưởng Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Bình Dương cho biết, ngoài trường hợp vừa kể, vào ngày 27-4, anh Trần Anh V (31 tuổi, ngụ xã An Hòa, huyện Krông Pắc, Đắk Lắk) và anh Trần Đăng Q (34 tuổi, ngụ thị trấn Chư Ty, huyện Đức Cơ, Gia Lai) hùn vốn mua 32,970 tấn hạt điều và giao dịch bán cho người phụ nữ tên Đào. Cả hai biết Đào qua sự giới thiệu của người phụ nữ tên Hai (ngụ thị xã Đồng Xoài, Bình Phước).
Qua điện thoại, Đào yêu cầu các anh chở hạt điều xuống ngã ba Cổng Xanh (Bình Dương) để giao hàng. Sau khi cân hạt điều, Đào và người phụ nữ khác tên Huyền hướng dẫn hai anh đến kho nằm trên đường Phạm Ngọc Thạch, phường Phú Mỹ, TP Thủ Dầu Một (Bình Dương) để xuống hàng.
Sau đó, bên mua bảo hai anh V và Q đến quán cà phê chờ chồng Đào đem 180 triệu đồng đến trả. Đến 21h cùng ngày, cảm giác có điều gì đó không bình thường, anh V thuê taxi quay lại kho hàng thì thấy toàn bộ số hạt điều đã biến mất. Cả hai anh gọi điện thoại cho Đào thì thấy thuê bao không liên lạc được.
Cùng lâm vào cảnh tương tự, anh Nguyễn Tiến D (46 tuổi, ngụ huyện Bù Đăng, Bình Phước), đại lý mua bán hàng nông sản ở Bình Phước đã nhận được số điện thoại cũng của một phụ nữ xưng tên Thảo đặt mua 20 tấn cà phê với giá 37.500đ/kg. Thảo yêu cầu anh D giao cà phê tại ấp 4, xã Vĩnh Tân và hứa hẹn sẽ thanh toán tiền hàng đầy đủ.
Tin lời, anh D cùng tài xế điều khiển xe tải chở 19,9 tấn cà phê bán cho Thảo và xuống hàng tại kho trên. Sau khi xuống hàng xong, Thảo trả trước cho anh D 24 triệu đồng rồi mời anh D đi dùng cơm trưa và chờ Thảo về nhà lấy đủ khoản còn lại (722 triệu đồng) để trả. Trong lúc chờ Thảo, anh D quay lại kho thì phát hiện cà phê vừa giao đã biến mất. Anh D liên lạc với Thảo thì thấy thuê bao không liên lạc được.
Đại tá Trần Văn Chính, Phó Giám đốc Công an tỉnh Bình Dương cho biết thêm, trong 6 tháng đầu năm 2018, toàn tỉnh Bình Dương xảy ra 5 vụ lừa đảo mua bán hàng nông sản với thủ đoạn mới, chiếm đoạt số tiền hơn 3 tỷ đồng. Thủ đoạn chính được các đối tượng sử dụng thời gian qua là nhóm đối tượng dùng số điện thoại rác liên hệ đến các đại lý nông sản ở các tỉnh Bình Phước, Đồng Nai, Đắk Lắk, Bà Rịa – Vũng Tàu, Gia Lai… để đặt mua các mặt hàng như tiêu, điều, cà phê và yêu cầu chở đến các kho thuê sẵn trên địa bàn tỉnh Bình Dương để xuống hàng và thanh toán tiền.
Khi hàng đã xuống kho, nhóm đối tượng lừa đảo tìm cách điều chủ hàng đến địa điểm khác nhằm tạo điều kiện cho đồng bọn đến chuyển hàng đến nơi khác rồi lẩn trốn. Trong các vụ việc lừa đảo với chiêu thức mới như trên, số tiền của nạn nhân bị chiếm đoạt nhiều nhất là hơn 500 triệu đồng, ít nhất là hơn 200 triệu đồng với hàng chục tấn nông sản.
Theo kết quả điều tra ban đầu, nhóm đối tượng thường đi từ 2 đến 3 người, địa điểm giao dịch chủ yếu ở tỉnh Bình Dương và sẵn sàng trả một phần số tiền giao dịch để tạo lòng tin và sau đó lợi dụng sơ suất của bị hại rồi bỏ trốn.
Công an tỉnh Bình Dương đề nghị, ai từng là nạn nhân của các đối tượng trên hoặc phát hiện sự việc tương tự nhanh chóng đến trụ sở cơ quan Công an trình báo để kịp thời bắt giữ các đối tượng xử lý theo quy định của pháp luật.
Theo Công an nhân dân