Thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn (Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 5-8-2008), cả nước đã bắt tay thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Đây là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước, hợp lòng dân nhằm mục tiêu không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của dân cư nông thôn, tạo sự chuyển biến nhanh hơn ở các vùng còn nhiều khó khăn.
Sau khi chương trình được phê duyệt và triển khai rộng rãi trên toàn quốc đã đạt những kết quả quan trọng. Diện mạo nông thôn có nhiều thay đổi, nhất là hệ thống giao thông nông thôn, kết cấu hạ tầng xã hội; mô hình sản xuất tập trung bước đầu được hình thành; đời sống vật chất, tinh thần của người dân được cải thiện, nâng cao đáng kể. Đến tháng 10-2016, cả nước có 2.061 xã (chiếm 23%) đạt tiêu chí nông thôn mới, 27 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt tiêu chí nông thôn mới.
Tại kỳ họp thứ hai vừa qua, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về kết quả giám sát việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (giai đoạn 2010-2015) gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Tuy nhiên, theo dõi qua truyền hình trực tiếp, nhiều cử tri thấy băn khoăn, lo lắng về khoản nợ đọng lên đến hơn 15.000 tỷ đồng. Có đến 53/63 tỉnh, thành trong cả nước phải “ăn đong” kinh phí xây dựng nông thôn mới. Một số địa phương có nợ đọng lớn như Bắc Ninh 1.631 tỷ đồng, Thanh Hóa 1.547 tỷ đồng, Thái Bình 1.232 tỷ đồng… Có 3.637 xã phải “ghi sổ nợ”, chiếm 40,7% số xã xây dựng nông thôn mới cả nước với mức nợ bình quân khoảng 4,2 tỷ đồng/xã. Các địa phương chạy đua với thời gian, huy động tối đa các nguồn lực để sớm hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới là điều đáng hoan nghênh nhưng nếu không biết “liệu cơm gắp mắm”, để rồi trở thành “con nợ” thì cũng cần xem xét lại cách làm như thế liệu đã phù hợp chưa?
Mới đây, trong buổi làm việc với tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng chủ trì, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường đã nhận định: Mục tiêu của xây dựng nông thôn mới là đưa đời sống của nhân dân đi lên, ngày càng rút ngắn khoảng cách giữa các vùng, miền. Nếu giai đoạn tới không quyết liệt điều chỉnh sự chênh lệch này thì nơi giàu càng giàu, nơi nghèo càng nghèo. Bên cạnh đó, nhiều địa phương chỉ tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng để lấy thành tích báo cáo cấp trên, ít quan tâm đến chuyển dịch cơ cấu kinh tế, ngành nghề, bảo vệ môi trường, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân… nên nhìn bề ngoài thì mới mà bên trong chưa mới!
Chắc hẳn nhiều người chưa quên câu chuyện “cười ra nước mắt” xảy ra cuối năm 2015 khi chính quyền một xã ở đồng bằng sông Cửu Long đã “ép” các hộ dân xây cổng bê tông (tự xây hoặc nộp tiền cho xã xây) để… đạt tiêu chí xã nông thôn mới trong khi đời sống của bà con ở đây vẫn còn khó khăn, nhiều gia đình đang phải ở nhà lá. Tục ngữ Việt Nam có câu “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn”. Điều mà người dân mong đợi và quan tâm không phải cái danh “xã đạt chuẩn”, “huyện đạt chuẩn” mà cốt làm sao để cho diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc, chất lượng cuộc sống phải được nâng lên. Đây cũng chính là ý Đảng – lòng dân khi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.
Hoài Bảo