Đây là nhận xét của nhiều giáo viên, giảng viên về đề thi môn Ngữ văn thi tốt nghiệp THPT sáng nay 7/7. Đề thi năm nay cũng được đánh giá cao hơn năm trước.

Học sinh không bị bỡ ngỡ

“Đề thi năm nay cũng giống đề nhiều năm trước, không dễ quá và cũng không khó” – đây là nhận định của thầy Trần Hinh, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội.

Theo thầy Hinh, đây là đề thi vừa tầm với học trò.

“Trong hoàn cảnh như hiện nay, ra khó quá là có lỗi với học trò. Nhưng nếu dễ quá, nó sẽ tạo thành một thói quen không hay với những học trò lớp sau, tạo ra sự trơ lì trong học hành, thi cử. Thực ra, học trò bây giờ giỏi hơn ngày xưa. Thêm nữa, vẫn còn hơn 60% nhu cầu xét tuyển đại học dựa vào kết quả kì thi tốt nghiệp này. Ra đề như thế nào để chọn đúng học sinh vào đại học là nhiệm vụ quan trọng. Đề thi trước tiên đạt được yêu cầu đó”.

Đề Ngữ văn 'phân hóa tốt', dự đoán điểm trung bình 6 - 7 điểm
Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp năm 2021 tại TP.HCM sáng nay. 

Thầy Hồ Tấn Nguyên Minh, Tổ trưởng tổ Văn, trường THPT chuyên Lương Văn Chánh (Phú Yên) cũng nhận xét đề thi vẫn được ra theo lối cũ, không có gì phá cách, sáng tạo nhưng về cơ bản, một đề thi như vậy đáp ứng được yêu cầu đề ra.

Đánh giá đề thi năm nay cao hơn năm trước, thầy Minh cho từ đề thi này có thể nhận thấy, cấu trúc đề thi ổn định trong những năm trở lại đây, học sinh đã quen với cấu trúc này nên không cảm thấy bỡ ngỡ. Sự phân hóa của đề thi được thể hiện tương đối rõ. Câu hỏi được ra với những dạng quen thuộc, học sinh đã được chuẩn bị nhiều nên không cảm thấy bỡ ngỡ.

Đề Ngữ văn 'phân hóa tốt', dự đoán điểm trung bình 6 - 7 điểm
Đề thi Ngữ văn của kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021

Tuy nhiên, với đề thi này, thầy Trần Hinh có một số lưu ý.

“Về vấn đề nghị luận xã hội, mấy năm nay ở phần này tôi cứ thấy ra hoài về hy sinh, trách nhiệm, cống hiến, nhân ái… Tôi sợ ra nhiều quá như vậy sẽ đào sâu cái rãnh nhàm chán trong học trò”.

Đối với câu nghị luận văn học, thầy Hinh cho rằng “3 đoạn thơ chọn của đề giá như biết tách bạch một chút vẫn tốt hơn. Vì hai khổ đầu thì rõ là một tình yêu đầy nữ tính nhưng khổ thứ 3 (6 câu), chủ đề nổi bật là nỗi nhớ trong tình yêu, nhớ qua không gian, qua thời gian – cái này thì không chỉ có nữ mà nam cũng thế. Vì vậy, lấy khổ thơ này bắt học trò chứng minh nó nữ tính thì có phần khiên cưỡng”.

Cuối cùng, về câu lệnh đề văn “Cảm nhận của anh/chị về đoạn thơ trên. Từ đó, nhận xét vẻ đẹp nữ tính trong thơ Xuân Quỳnh”, theo thầy Hinh “nhìn thì thấy ngay, câu lệnh có hai câu. Câu 1 không vấn đề gì nhưng câu 2 – “Từ đó,…” rõ ràng không đúng ngữ pháp (không có chủ ngữ). Nội dung hỏi mênh mông không xác định: nữ tính trong phong cách thơ Xuân Quỳnh qua đoạn thơ trên hay trong toàn bộ thơ Xuân Quỳnh?”.

“Với học trò trò phổ thông, rất cần những câu chữ quy chuẩn trong một đề thi mang tầm quốc gia như thế này” – thầy Hinh lưu ý.

Dự đoán điểm thi ở mức khá

“Với đề thi này, học sinh trung bình đạt được mức điểm khoảng 5,5 – 6,5 điểm”. Đây là dự đoán của cô Nguyễn Thị Minh Thủy, Tổ trưởng chuyên môn Tổ Ngữ văn cấp THPT của Trường Phổ thông liên cấp Olympia (Hà Nội).

“Nhìn tổng thể, đề Ngữ văn thi tốt nghiệp THPT logic với chủ đề Sóng nước để đi đến bản ngã cá nhân, khát vọng, lẽ sống, sự cống hiến của con người.

Ngữ liệu bài đọc hiểu vừa gần gũi vừa sâu sắc, giúp học sinh có khả năng liên tưởng, kết nối và chia sẻ được nhiều nhất cảm nhận, trải nghiệm và ứng xử cá nhân.

Phần nghị luận xã hội khá phù hợp với bối cảnh thời sự, khi con người cần nhiều tới sự quan tâm, chia sẻ” – cô Thủy nhận xét.

Theo cô Thủy, câu nghị luận văn học tương đối hay, nhưng nội dung hỏi về vẻ nữ tính có thể gây khó với học sinh trung bình hoặc khá. Tuy nhiên, câu hỏi này sẽ giúp phân hóa được học sinh.

Đề Ngữ văn 'phân hóa tốt', dự đoán điểm trung bình 6 - 7 điểm
Sáng nay, gần 1 triệu sĩ tử làm bài thi tốt nghiệp môn Ngữ văn. 

Thầy Nguyễn Phước Bảo Khôi, Khoa Ngữ Văn, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM thì cho rằng “Đề thi rất bất ngờ”.

Cũng như cô Thủy, thầy Khôi đánh giá đề khá hay, độ phân hoá khá tốt, tuy nhiên không dễ đạt được điểm cao. Dự kiến phổ điểm trung bình từ 6-7 điểm.

Nhận xét cụ thể hơn, thầy Khôi cho rằng ngữ liệu ở câu đọc hiểu rất hay, đặt ra nhiều vấn đề có thể khai thác.

“Nội dung các câu hỏi giúp người đọc thấu suốt hơn về sự bình yên, hiền hoà cần thiết của cõi sống và sự gắn bó thiết thân của nước với nhân sinh. Chọn vấn đề này, người ra đề đã khơi sâu nguồn mạch yêu đời, lẽ sống cống hiến – vốn là những điều rất quan trọng trong những ngày đầy thử thách này, khi chúng ta đã và đang phải đương đầu cùng đại dịch. Có một chút bất ngờ là câu hỏi đầu tiên không đề cập đến những nội dung kiến thức quen thuộc, thế nhưng học sinh vẫn có thể dễ dàng làm được”.

Còn vấn đề “sự cần thiết phải sống cống hiến” ở câu nghị luận xã hội vừa mang tính thời sự vừa có giá trị giáo dục cao. Tính thống nhất của phần đọc hiểu và nghị luận xã hội cao, vấn đề quen thuộc với đa số học sinh.

Phần gây bất ngờ nhất của đề thi, theo thầy Khôi, chính là nghị luận văn học. Vốn dĩ năm ngoái cả 2 đợt thi và đề dự bị đều ra văn bản thơ, năm nay đề thi cho bài thơ “Sóng” của Xuân Quỳnh sẽ khiến nhiều thí sinh ngỡ ngàng vì ôn không đúng trọng tâm. Nhưng sau phút mất bình tĩnh có thể có, mong các em tự tin hơn vì bao giờ phân tích thơ, lại có sẵn dẫn chứng, cũng dễ dàng hơn phân tích thể loại khác. Vả lại, các khổ thơ 3,4,5 trong bài cũng là những khổ thơ có nhiều vấn đề có thể khai thác sâu, phát huy cách hiểu của cá nhân. Chỉ e là vấn đề được nhận xét (vẻ đẹp nữ tính trong thơ Xuân Quỳnh thể hiện qua tác phẩm) hơi khó so với học sinh. Nhưng cũng chính vì thế mà tính phân hoá của đề thi lại cao, phù hợp với mục đích sử dụng trong xét tuyển vào đại học.

Đề Ngữ văn 'phân hóa tốt', dự đoán điểm trung bình 6 - 7 điểm
Thí sinh làm bài thi Ngữ văn sáng nay ở TP.HCM. 

Cô Nguyễn Thúy Anh, giáo viên Văn của Trường THPT Chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An) đánh giá, phần ngữ liệu đọc hiểu của đề thi hay, sâu sắc và sinh động. “Câu hỏi phù hợp và phân hoá được mức độ của học sinh. Câu số 3, 4 của phần đọc hiểu hơi khó so với học sinh có lực học trung bình”, cô Thúy Anh nói.

Cô Thúy Anh nhận định, phần nghị luận xã hội của đề thi khơi gợi được lẽ sống đẹp, trách nhiệm cho tuổi trẻ, đặc biệt là trong hoàn cảnh đất nước hiện nay.

Do đó, cô Thúy Anh cho rằng, các học sinh có học lực trung bình trở xuống sẽ làm phần đọc hiểu khoảng: 1,25 +1,0 + 3,0 = 5,5 (chiếm 60%).

Mức điểm từ 5,5 đến 7,5 điểm sẽ chiếm khoảng 25%; và khoảng 15% học sinh từ mức 8 – 10 điểm.

Còn cô giáo Vũ Thị Bình, Tổ trưởng tổ Ngữ văn, Trường THPT Trần Phú, Hoàn Kiếm (Hà Nội) cho biết, với những học sinh khá giỏi sẽ ghi thêm điểm ở những phần nâng cao khi đưa ra được nhận xét đầy đủ và sâu sắc về vẻ đẹp nữ tính trong thơ Xuân Quỳnh.

Cô Vũ Thị Bình dự đoán, phổ điểm trung bình sẽ dao động từ 6 – 8 điểm, sẽ có nhiều điểm giỏi cho những học sinh có năng lực, đảm bảo đáp ứng 2 tiêu chí: xét tốt nghiệp và xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng.

Nguồn: vietnamnet

Từ khóa : đề thi môn ngữ vănthi tốt nghiệp THPT

Các tin liên quan đến bài viết