Tổng cục Thi hành án dân sự vừa đề nghị chủ tịch tỉnh Khánh Hòa chỉ đạo thi hành dứt điểm bản án của TAND cấp cao tại Đà Nẵng, xem xét trách nhiệm người chậm thi hành án hoặc chấp hành không đúng, không đầy đủ.
Mảnh đất của ông Nguyễn Văn Lụm được thừa kế từ cha ông mua đến nay đã 122 năm cùng nhiều mồ mả gia tộc tại xã Vĩnh Ngọc, TP Nha Trang (Khánh Hòa)
Ngày 1-2, ông bà Nguyễn Văn Lụm, Lê Thị Thôi (ở xã Vĩnh Ngọc, TP Nha Trang, Khánh Hòa) đã nhận được công văn của Tổng cục Thi hành án Bộ Tư pháp trả lời đơn phản ánh về việc chủ tịch UBND TP Nha Trang và chủ tịch UBND xã Vĩnh Ngọc “cố ý không thi hành bản án hành chính phúc thẩm” của TAND cấp cao tại Đà Nẵng và quyết định của TAND tỉnh Khánh Hòa (tháng 6-2022) buộc thi hành bản án đó.
Bản án hành chính phúc thẩm nêu trên (số 96/2021/HC-PT ngày 21-1-2021) của TAND cấp cao tại Đà Nẵng có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án, đến nay đã hơn 2 năm.
Ông Lụm, bà Thôi là người thắng kiện trong vụ án hành chính đã được TAND cấp cao tại Đà Nẵng xét xử phúc thẩm. Còn phía bị kiện và bị buộc phải thi hành bản án hành chính phúc thẩm là chủ tịch và UBND xã Vĩnh Ngọc, chủ tịch và UBND TP Nha Trang.
Ông Lụm, bà Thôi cũng vừa nhận thêm công văn của Ban Tiếp công dân UBND tỉnh Khánh Hòa tiếp tục thông báo chuyển đơn của ông bà về việc chủ tịch UBND TP Nha Trang, chủ tịch UBND xã Vĩnh Ngọc không thực hiện quyết định buộc thi hành bản án hành chính phúc thẩm kể trên cho chính đối tượng phải thi hành bản án đó là chủ tịch UBND TP Nha Trang “để được xem xét, giải quyết”.
Tổng cục Thi hành án dân sự đã đề nghị “Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa chỉ đạo chủ tịch UBND TP Nha Trang rà soát, tổ chức thi hành và chỉ đạo UBND xã Vĩnh Ngọc thi hành dứt điểm bản án hành chính phúc thẩm và quyết định buộc thi hành án nêu trên”.
Đồng thời, Tổng cục Thi hành án dân sự cũng đề nghị chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa “xem xét trách nhiệm đối với người phải thi hành án trong trường hợp chậm thi hành án, không chấp hành, chấp hành không đúng hoặc không đầy đủ nội dung bản án, quyết định của tòa án theo đúng quy định pháp luật”. Đó là căn cứ theo nghị định (71/2016/NĐ-CP) của Chính phủ quy định thời hạn, trình tự, thủ tục thi hành án hành chính và xử lý trách nhiệm đối với người không thi hành bản án, quyết định của tòa án.
Theo bản án hành chính phúc thẩm của TAND cấp cao tại Đà Nẵng, ông Lụm, bà Thôi là người sử dụng liên tục thửa đất 920m2 tại xã Vĩnh Ngọc được thừa kế từ cha, ông đã mua cách đây 122 năm. Thế nhưng, UBND xã Vĩnh Ngọc không chấp nhận làm thủ tục để cấp giấy tờ quyền sử dụng thửa đất đó cho ông Lụm, bà Thôi. Ông Lụm, bà Thôi khiếu nại thì đều bị chủ tịch UBND xã Vĩnh Ngọc, chủ tịch UBND TP Nha Trang ra quyết định bác khiếu nại và bị Tòa sơ thẩm TAND tỉnh Khánh Hòa bác nội dung khởi kiện.
Sau đó, TAND cấp cao tại Đà Nẵng đã xét xử phúc thẩm, chấp nhận các yêu cầu kháng cáo của ông Lụm, bà Thôi; hủy các quyết định giải quyết khiếu nại (lần đầu) của chủ tịch UBND xã Vĩnh Ngọc và của chủ tịch UBND TP Nha Trang (lần 2).
Đồng thời, bản án phúc thẩm của TAND cấp cao tại Đà Nẵng cũng buộc UBND xã Vĩnh Ngọc và UBND TP Nha Trang xác định thửa đất số 297 (920m2) mà ông Lụm, bà Thôi được thừa kế, sử dụng “không thuộc đất công ích 5%” và “xem xét, căn cứ vào tài liệu, hồ sơ xác định quyền sử dụng đất theo đúng pháp luật”.
Thế nhưng, hơn 2 năm qua đến nay ông Lụm, bà Thôi vẫn phải gởi đơn đến nhiều cơ quan chức năng liên quan của tỉnh và trung ương để kêu cứu về việc các đối tượng phải thi hành án “cố ý không thi hành bản án hành chính phúc thẩm” kể trên của TAND cấp cao tại Đà Nẵng và quyết định của TAND tỉnh buộc thi hành bản án hành chính đó.
Nguồn: tuoitre.vn