Duy trì, phát triển nghề dệt thổ cẩm của đồng bào dân tộc thiểu số không chỉ nhằm lưu giữ nét đẹp truyền thống mà còn tạo việc làm, tăng thu nhập cho nhiều gia đình. Song, những người tâm huyết với nghề dệt thổ cẩm ở Bình Phước không khỏi trăn trở khi đầu ra gặp khó khăn.
Nghệ nhân Điểu An Đê, ấp Sơn Hòa, xã Thọ Sơn (Bù Đăng) nổi tiếng là người dệt thổ cẩm khéo và đẹp. Sản phẩm của bà được khách hàng đánh giá là có hồn, phối màu sáng tạo, đẹp mắt. Để truyền nghề cho thế hệ trẻ, bà phối hợp thành lập một câu lạc bộ dệt gồm 35 người. Tham gia câu lạc bộ là các bà, các mẹ từ 40-60 tuổi. Họ cùng nhau trao đổi kỹ thuật, cách phối màu để làm ra những sản phẩm đẹp nhất. Dưới bàn tay khéo léo, những sợi chỉ nhiều màu sắc được sắp xếp hài hòa dệt thành những vuông thổ cẩm tinh xảo và đẹp mắt. Tuy nhiên, vì không có đầu ra nên sản phẩm dồn ứ, các thành viên trong câu lạc bộ không tập trung dệt nữa. Họ tự dệt ở nhà khi có thời gian và chủ yếu phục vụ nhu cầu gia đình.
Bà Hoàng Thị Ái Nhiên, Phó chủ tịch Thường trực Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (bìa trái) tham quan tại Tổ hợp tác dệt thổ cẩm ấp Lồ Ô, xã Thanh An (Hớn Quản)
Bà Điểu An Đê cho biết: “Hiện tôi chỉ dệt khi rảnh. Nhà có 2 cái khung dệt thì khung to tôi cất rồi vì không có hàng đặt làm. Sản phẩm của mình dệt thủ công, tỉ mỉ mà không bán được nên buồn lắm. Giờ chỉ dệt cho mình mặc, hoặc nhà nào có đám cưới, họ đặt hàng thì mới làm. Nghề dệt cần được bảo tồn, duy trì nhưng không có đầu ra sản phẩm nên chị em bỏ bê lắm”.
“Mỗi tấm thổ cẩm dệt ra là một tác phẩm tâm huyết của đồng bào, từ đường chỉ, hoa văn chim muông, cây trái… tất cả đều gần gũi với đời sống của chúng tôi. Có nhiều lớp học để “truyền lửa” đến thanh niên, nhưng tụi trẻ không háo hức. Bây giờ quần jean, áo thun nhiều, đồ thổ cẩm không được thanh niên chuộng mặc. Tổ dệt ấp Bù Dinh có trên 30 người, đa số từ tuổi 40-60, ít thanh niên lắm. Tôi lo con gái S’tiêng mà không biết dệt thổ cẩm thì kỳ lắm!”.
Bà THỊ MƯƠNG, ấp Bù Dinh, xã Thanh An (Hớn Quản) |
Tổ dệt thổ cẩm ở ấp Bù Dinh, xã Thanh An (Hớn Quản) cũng tương tự. Sản phẩm dệt ra không cạnh tranh được với quần áo may sẵn đành cất trong tủ. Tổ hợp tác dệt thổ cẩm của ấp Lồ Ô, xã Thanh An ra đời cuối năm 2016 với 35 thành viên. Trước đó, năm 2013, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh Bình Phước đã ký hợp đồng kinh tế với bà Thị Giôn (nay bà không còn quản lý tổ hợp tác) để thực hiện Đề án “Hỗ trợ đào tạo nghề dệt thổ cẩm cho người dân tộc S’tiêng ở ấp Lồ Ô, xã Thanh An, huyện Hớn Quản”. Tuy nhiên, sau một thời gian hoạt động, sản phẩm cũng không có đầu ra. Để trang trải cuộc sống hằng ngày, thành viên trong tổ đành gác lại khung dệt, đến các công ty, xí nghiệp làm việc.
Người con gái S’tiêng khi đến tuổi trưởng thành nếu biết dệt thổ cẩm thì được tôn trọng, đánh giá cao và là tiêu chí để các chàng trai chọn vợ. Tuy nhiên, hiện nay, người dệt thổ cẩm đã ít, người trẻ dệt thổ cẩm lại càng khan hiếm.
Trước tình trạng những giá trị văn hóa truyền thống bị mai một, đã có nhiều chương trình hợp tác, xúc tiến đầu tư. Ngày 29-12-2015, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2989/QĐ-UBND, phê duyệt Đề án “Bảo tồn và phát triển nghề dệt thổ cẩm truyền thống của đồng bào dân tộc S’tiêng trên địa bàn huyện Hớn Quản giai đoạn 2016-2020”. Thế nhưng thực tế huyện Hớn Quản chỉ có trên 1.000 hộ còn dệt thổ cẩm, tập trung ở 2 xã Thanh An, An Khương và mang tính tự phát. Hiện chỉ có ấp Lồ Ô, xã Thanh An đã thành lập tổ hợp tác dệt thổ cẩm được đầu tư quy mô và bài bản với 35 nghệ nhân. Tuy nhiên, cả năm 2017, tổ chỉ dệt được 83 sản phẩm, mới bán được khoảng 15 sản phẩm, còn lại trưng bày tại khu nhà dệt.
Trước sự cạnh tranh khốc liệt của thổ cẩm công nghiệp, thổ cẩm Trung Quốc, khách hàng chưa hiểu được giá trị đích thực thổ cẩm của đồng bào dân tộc thiểu số. Vì vậy, những người tâm huyết, làm công tác bảo tồn, phát triển nghề truyền thống, trong đó có nghề dệt thổ cẩm còn rất nhiều việc phải làm.
Theo Báo Bình Phước