Các đại biểu Quốc hội “bật đèn xanh” thúc giục Chính phủ về một gói kích thích kinh tế dù cả Chính phủ và Quốc hội chưa thảo luận về chủ đề này.
Tiếng nói đồng vọng với phục hồi kinh tế
Trong hai ngày thảo luận ở hội trường vừa qua, đã xuất hiện rải rác các ý kiến chung với mong muốn Chính phủ có giải pháp mạnh để hỗ trợ nền kinh tế rơi vào tình trạng tăng trưởng thấp nhất từ Đổi mới, do tác động của dịch bệnh.
ĐB Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) nhắc tới việc nếu tới đây QH ban hành gói kích thích phục hồi kinh tế thì nên bao gồm chính sách miễn giảm thuế.
Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai |
Bà cho rằng: “Tại thời điểm hiện nay, nên theo đuổi một chính sách khoan sức dân, nuôi dưỡng nguồn thu thông qua các biện pháp hỗ trợ và phát triển sản xuất kinh doanh. Điều đó sẽ là cần thiết và hợp lý hơn một chính sách tận thu”.
ĐB Nguyễn Như So (Bắc Ninh) khẳng định, cần nhanh chóng ban hành các gói hỗ trợ tiếp theo, tạo cú hích giúp cho các doanh nghiệp tận dụng quãng thời gian còn lại của năm để tăng tốc hoàn thành kế hoạch.
Nhắc lại kinh nghiệm của thế giới can thiệp mạnh vào nền kinh tế bằng các gói hỗ trợ, ông cho rằng, Chính phủ đặt ra mục tiêu nợ công năm 2022 khoảng 44-45% so với GDP là khả thi so với ước thực hiện năm nay là 43,7%. Việc kiểm soát lạm phát ở mức 4% là an toàn so với trần nợ công 60% GDP.
“Do vậy, chúng ta còn nhiều dư địa để tiếp tục nghiên cứu, tung ra các gói kích thích đủ lớn, có hiệu ứng lan tỏa sâu rộng để thúc đẩy phục hồi kinh tế mà vẫn đảm bảo kiểm soát được chỉ tiêu vĩ mô”, ông phát biểu.
ĐB Trịnh Xuân An (Đồng Nai) bổ sung thêm, cần có các gói kích thích kinh tế với liều lượng hợp lý, hỗ trợ trực tiếp có hiệu quả cho hệ thống doanh nghiệp.
Ông nói: “Báo cáo QH, hiện nay chúng ta mới có khoảng 30% doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận được với các nguồn vốn từ ngân hàng, còn lại 70% phải sử dụng nguồn vốn tự có hoặc đi vay từ các nguồn không chính thức với chi phí rất cao. Gói vay 16.000 tỷ đồng đến ngày 31/7/2020 kết thúc giải ngân thì chưa có đơn vị nào tiếp cận được”.
ĐB Vũ Tiến Lộc (Hà Nội) phân tích sâu hơn, trong bối cảnh dư địa của chính sách tiền tệ không còn nhiều, biện pháp tiếp máu cho nền kinh tế chỉ có thể là sự cộng hưởng giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ, trong đó, chính sách tài khóa phải đóng vai trò chủ đạo.
Ông Lộc đề nghị thúc đẩy hình thức đối tác công tư, Nhà nước đừng làm một mình vì đây chính là chìa khóa để thể thúc đẩy quan hệ đối tác công tư trong thời gian tới, để huy động nguồn lực của toàn xã hội.
Người dân và doanh nghiệp suy kiệt
Gần đây, một số chuyên gia đề nghị cần có một gói kích thích kinh tế vào khoảng 8-10% GDP, thậm chí tầm 15% GDP trong 2 năm tới sau khi gói kích thích chỉ tương đương 2,9% GDP, thấp hơn nhiều so với các quốc gia khác.
Trên phạm vi toàn quốc, số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý 3 là hơn 1,7 triệu |
Cho dù Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cơ quan soạn thảo chương trình trên, chưa công bố chính thức, Chính phủ và QH chưa thảo luận, thì việc các ĐB phát biểu như trên cho thấy sự mong mỏi đối với gói hỗ trợ này trong bối cảnh kinh tế rất khó khăn với mức tăng trưởng chỉ khoảng 3% trong 2 năm nay.
Đại dịch Covid-19 đã làm bối cảnh kinh tế 2 năm gần đây khác xa so với tính toán, làm hàng triệu người mất việc, đẩy hàng chục triệu người xuống dưới ngưỡng đói nghèo, hàng trăm ngàn doanh nghiệp giải thể hay thoi thóp.
Bộ Lao động đưa ra con số: Trong tổng số hơn 28,2 triệu người bị tác động tiêu cực bởi dịch quý 3 năm nay, có 4,7 triệu người bị mất việc, chiếm 16,5%; 14,7 triệu người phải tạm nghỉ/tạm ngừng sản xuất kinh doanh, chiếm 51,1%; 12 triệu người bị cắt giảm giờ làm hoặc buộc phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên, chiếm 42,7% và 18,9 triệu lao động bị giảm thu nhập, chiếm 67,2%.
Lương bình quân của người lao động còn 5,2 triệu đồng/người trong quý 3, tức đã giảm 877.000 đồng so với quý 2 và giảm 603.000 đồng so với năm ngoái.
Tỉ lệ lao động thiếu việc làm, thất nghiệp tăng cao, tỉ lệ thiếu việc làm trong quý 3 là 4,46%, tương đương hơn 1,8 triệu người, tăng 1,86% so với quý trước.
Trên phạm vi toàn quốc, số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý 3 là hơn 1,7 triệu người, tăng 532.200 người so với quý trước và tăng 449.600 người so với cùng kỳ năm trước.
Tỉ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý 3 là 3,98%, tăng 1,36% so với quý trước và tăng 1,25% so với cùng kỳ năm trước. Tỉ lệ thất nghiệp trong độ tuổi của khu vực thành thị là 5,54%.
Trong bối cảnh đó, tài khóa còn nhiều dư địa để mở rộng. Nợ công chỉ khoảng 44% GDP, thấp hơn nhiều so với ngưỡng 55% GDP. Quy mô dự trữ ngoại hối đạt hơn trăm tỷ đô. Nguồn vốn từ các định chế tài chính quốc tế dồi dào.
Nếu không có chính sách hỗ trợ kịp thời với quy mô đủ lớn, thời gian đủ dài, phạm vi đủ rộng, nền kinh tế không thể sớm phục hồi và tăng trưởng, sẽ tác động đến ngân sách nhà nước, thị trường tài chính, tiền tệ, lao động, việc làm… bỏ lỡ các cơ hội mới, thời cơ mới trong chuỗi sản xuất, kinh doanh, đầu tư, thương mại toàn cầu và thích ứng, phát triển với tương lai sau dịch bệnh.
Điều này sẽ ảnh hưởng đến thực hiện các mục tiêu phát triển trong trung và dài hạn, làm xói mòn thành quả đổi mới, lấn sâu vào tụt hậu.
Tất nhiên, liều lượng gói kích thích bao nhiêu sẽ còn được bàn nhiều lần nữa để cân bằng với giữ ổn định kinh tế vĩ mô nhưng hi vọng nó sẽ được ra sớm song hành với các cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường.
Đây là những gì mà ĐB Lộc chia sẻ: “Tôi tha thiết đề nghị không lơ là nhiệm vụ trọng tâm là tiếp tục đẩy mạnh các cải cách thể chế, cắt giảm thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia để phát huy được sức mạnh của toàn dân, để nền kinh tế nước ta không ‘lỡ nhịp, lỡ thì’ với thiên hạ”.
“Chính niềm tin và những cải cách thể chế mạnh mẽ và thực chất chứ không phải là các gói hỗ trợ về tiền bạc sẽ định hình tương lai của nền kinh tế Việt Nam”, ông nói.
Nguồn: vietnamnet