Theo TS Lê Văn Út, khi xếp hạng đại học sẽ có trường cao, trường thấp. Còn để có một đại học được xếp hạng thì không thể thiếu tiền cũng như các điều kiện về con người và chiến lược.

VietNamNet có cuộc trao đổi với TS  Lê Văn Út, Trưởng nhóm Nhóm nghiên cứu Đo lường khoa học và Chính sách quản trị nghiên cứu, Trường ĐH Văn Lang về việc xếp hạng đại học. Bài viết được chia làm 2 phần. Sau đây là phần 1:

Trường tốt nhưng bị 0 điểm khi xếp hạng vì kiểm định

Lần đầu tiên Việt Nam có một bảng xếp hạng đại học (VNUR), ông đánh giá như thế nào về các tiêu chí mà tổ chức này đưa ra? 

TS Lê Văn Út: Bảng xếp hạng đại học Việt Nam (VNUR) dựa vào 6 tiêu chí để xếp hạng các đại học Việt Nam với phân bố tỷ trọng cụ thể gồm (1) Chất lượng được công nhận (30%), (2) Dạy học (25%), (3) Công bố bài báo khoa học (20%), (4) Nhiệm vụ khoa học công nghệ và Sáng chế (10%), (5) Chất lượng người học (10%), (6) Cơ sở vật chất (5%). Và 6 tiêu chí này thuộc 2 nhóm chức năng chính của một đại học là nghiên cứu và giáo dục. Những tiêu chuẩn, tiêu chí và cách thực hiện từ thu thập đến xử lý dữ liệu để xếp hạng, thì có thể thấy kết quả xếp hạng của VNUR là công phu và khoa học.

Những tiêu chuẩn dùng để xếp hạng về cơ bản có thể phản ánh khá toàn diện chất lượng của một trường đại học. Dữ liệu dùng để xếp hạng được thu thập gồm cả dữ liệu từ các cở sở dữ liệu khoa học uy tín của Mỹ, các dữ liệu xếp hạng đại học và các dữ liệu ở Việt Nam. Đặc biệt, VNUR đã sử dụng những dữ liệu mà chỉ có thể giới chuyên gia ở Việt Nam mới có thể biết đến và khai thác như dữ liệu 3 công khai, các đề án tuyển sinh, dữ liệu nghiên cứu ứng dụng theo các cơ sở dữ liệu Việt Nam…

Việc sử dụng dữ liệu công khai từ các trường đại học, chắc chắn sẽ góp phần quan trọng vào việc chuẩn hóa thông tin công khai từ các trường đại học trong thời gian tới. Trong các tiêu chuẩn dùng để xếp hạng, VNUR sử dụng 30% tỷ trọng về nghiên cứu khoa học (nhưng thực chất có thể lên đến 38% nếu một cơ sở giáo dục đại học được trọn 8% điểm từ xếp hạng đại học mà nghiên cứu khoa học chiếm tỷ trọng là 100% như ARWU hay US News).

Điều này phần nào đáp ứng được sự mong mỏi rất tha thiết của cộng đồng trong thời gian gần đây khi nhiều bảng xếp hạng đại học uy tín trên thế giới dành tỷ trọng rất lớn cho nghiên cứu khoa học chuẩn quốc tế như THE là 65%, SCImago là 80%, ARWU và US News là 100%; trong khi đó VNUR chỉ dành 20% cho tiêu chí này (10% tiêu chí nghiên cứu còn lại dành cho các đề tài/dự án và sáng chế trong nước).

Một điểm rất đáng lưu ý là VNUR chỉ dành 8% cho số bài báo WoS (hay từng được gọi là ISI), 7% cho hiệu suất công bố WoS và 5% cho trích dẫn theo WoS; như vậy những đại học nào chỉ tập trung mỗi công bố bài báo WoS thì rất khó có hạng cao theo VNUR. VNUR rất có thể sẽ giúp cộng đồng học thuật ở Việt Nam phần nào hạ nhiệt khi đánh giá về xếp hạng đại học, hay vấn đề hạng thấp/hạng cao/chạy hạng thông qua nghiên cứu khoa học.

TS Lê Văn Út

Điểm thú vị là VNUR có những tiêu chí/cách đánh giá mà SATU không có như: Tích hợp kết quả xếp hạng các trường đại học của các bảng xếp hạng đại học uy tín khác trên thế giới; Sử dụng kết quả kiểm định các trường đại học, kiểm định chương trình…từ quốc gia cho đến khu vực, quốc tế; Sử dụng thành tựu từ nhiệm vụ khoa học và công nghệ trong nước, sáng chế trong nước; Sử dụng điểm tuyển sinh đầu vào, diện tích sàn xây dựng, tài liệu học thuật trong thư viện. Đây là cách tiếp cận hết sức tinh tế của VNUR, và những khác biệt trên đã tạo nên khẩu vị riêng cho bảng xếp hạng của VNUR (made in Vietnam).

Tiêu chí của VNUR và xếp hạng của VNUR, ông có gì lấn cấn? 

TS Lê Văn Út: Một khi đã có xếp hạng thì bao giờ cũng có trường đại học này được xếp hạng cao hơn trường đại học kia và ngược lại, dù thống kê về mặt số liệu có thể cũng không lệch nhau nhiều. Tuy nhiên, việc xếp hạng cho các trường đại học lúc nào cũng cần thiết, vì đây là một kênh tham khảo rất bổ ích cho chính các đại học, sau đó là phụ huynh, học sinh và cả xã hội. Thực tế cho thấy rất khó để có thể có một bảng xếp hạng trường đại học toàn diện, có nghĩa là có thể vừa lòng tất cả cộng đồng.

Do đó, việc tranh cãi hay những ý kiến trái chiều xung quanh bảng xếp hạng trường đại học là điều tất yếu. Tuy nhiên, sẽ hữu ích hơn nếu có những ý kiến đóng góp thiết thực để làm cho các bảng xếp hạng trường đại học hoàn thiện hơn, và những chuyên gia chủ trì các bảng xếp hạng các trường đại học cũng nên mở lòng theo hướng tiếp tục phát huy điểm mạnh, cải tiến những điểm chưa phù hợp để những kết quả xếp hạng tiếp theo sẽ ngày càng tối ưu hơn.

Tuy nhiên, trong thời gian tới VNUR cũng có thể xem xét và nâng cấp thêm các tiêu chí đánh giá và cách thực hiện để có thể nâng cao tính khoa học và độ tin cậy của việc xếp hạng. Thứ nhất, cần xem xét thêm về sự chồng chéo giữa các tiêu chí trong tiêu chuẩn 1, trong khi tiêu chuẩn này chiếm đến 30%. Thứ hai, cần xem xét thêm giải pháp đánh giá chất lượng của các công bố WoS, thay vì chỉ cào bằng thông qua các chỉ số đo lường. Thứ ba, việc sử dụng tiêu chí về đề tài nghiên cứu các cấp thì cũng cần xem xét sâu hơn về vai trò của đại học khi tham gia vào đề tài đó và trọng lượng về kinh phí được cấp cũng cần được xem xét. Thứ tư, có thể không nên chỉ dừng lại ở số lượng bằng sáng chế mà nên xem xét thêm việc chuyển giao các bằng sáng chế đó.
 
Để có một đại học được xếp hạng thì không thể thiếu tiền

Theo ông tại sao trong bảng xếp hạng VNUR lại nổi lên một số trường không có tiếng tăm, trong khi đó nhiều trường lâu nay được đánh giá có chất lượng thì ở vị trí rất thấp?

TS Lê Văn Út: Đây là tính hiệu rất tốt vì chứng tỏ các đại học Việt Nam, không kể tuổi tác, đã bắt đầu có sự đầu tư và bứt phá. Việc xếp hạng của VNUR dựa vào những thông số học thuật khách quan, không cảm tính, không khảo sát/vote nên dữ liệu thế nào thì hạng thế ấy nên nói chung là khách quan và công bằng.

Có đại học lâu đời và rất uy tín nhưng có hạng thấp hơn một số đại học trẻ; sau khi kiểm tra dữ liệu thì mới thấy đại học này bị 0 điểm đối với một số tiêu chí về kiểm định. Có thể thông qua xếp hạng VNUR, trong thời gian tới đại học này sẽ cải tiến tiêu chí về kiểm định và chắc chắn sẽ có hạng cao.

Không phải cứ có thứ hạng cao là trường có chất lượng? Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

TS Lê Văn Út: Thứ nhất, xếp hạng chỉ là một kênh thông tin về chất lượng của đại học thông qua một bộ tiêu chí nhất định nào đó; có thể chưa là công cụ tuyệt đối để khẳng định liệu một đại học có chất lượng hay không.

Thứ hai, dù các đại học có thứ hạng khác nhau nhưng thật ra sự chênh lệch về điểm số có khi là không đáng kể, nhưng một khi đã là xếp hạng thì cái khổ là phải có cao có thấp.

Sinh viên Trường ĐH Công nghệ TP.HCM

Thứ ba, có thể xếp hạng chưa quyết định sự khác biệt rõ rệt về chất lượng giữa các đại học có hạng gần nhau, nhưng nếu hạng khá xa nhau thì lại là một vấn đề khiến chúng ta phải suy nghĩ.

Thứ tư, trong xếp hạng đại học thì không tránh khỏi việc đại học nghiên cứu kỹ các kỹ chiến thuật xếp hạng và thực hiện những giải pháp đột phá để có hạng cao hay hạng nhanh. Xếp hạng kiểu này cũng rất thú vị nhưng có thể xem là kiểu xếp hạng không bền vững. Một thứ hạng được gọi là bền vững thì nên tỷ lệ thuận với chất lượng nói chung của đại học.

Thực tế thì mỗi cá nhân, mỗi đơn vị, mỗi tổ chức và mỗi quốc gia đều cần thành tích để tồn tại và phát triển. Đối với các đại học cũng vậy, được xếp hạng và thậm chí được hạng cao bởi các tổ chức xếp hạng uy tín là thành tựu rất quan trọng; trên thế giới đã có không ít hiệu trưởng đại học bị mất chức vì đại học rớt hạng, đã có những đại học phải bị sát nhập vì không có hạng,…

Do đó, thành tích về xếp hạng là rất quan trọng, không chỉ đối với từng sinh viên, từng giảng viên, mà còn là sự “sống còn” của lãnh đạo đại học, còn là thể diện quốc gia và sự tự hào dân tộc. Tuy nhiên, xếp hạng đại học thực chất thì mới đáng được trân trọng, nghĩa là thứ hạng của đại học tương đương với đẳng cấp thật sự của đại học.

Như đã nói trong chiến lược, các đại học vẫn có thể chọn một số mũi nhọn để đột phá, nhất là đại học ở các nước đang phát triển với nguồn lực còn khiêm tốn và rất khó phát triển tổng lực. Một khi có hạng nhờ vào kỹ chiến thuật trong phát triển đột phá thì rất không nên tự mãn mà phải có chiến lược phát triển đồng bộ để kịp thời khắc phục các khía cạnh chưa thực sự mạnh. Không nên lạm dụng “đột phá” quá sâu trong xếp hạng đại học vì dễ tạo nên sự bất cân đối trong phát triển của đại học, nghĩa là phát triển và xếp hạng không bền vững. Theo thời gian, các bảng xếp hạng đại học sẽ ngày càng hoàn thiện tiêu chí đánh giá và cách thức thực hiện; khi đó, những đại học có hạng không bền vững thì sẽ sớm bị rớt hạng và sẽ trở về thứ hạng thực chất.

Có ý kiến cho rằng bảng xếp hạng là cuộc cạnh tranh của những trường có “tiền”, quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào? 

TS Lê Văn Út: Để được xếp hạng thì một đại học nhất thiết phải có mục tiêu. Tiếp theo là phải tập trung mọi nguồn lực để đầu tư phát triển nhằm đạt được mục tiêu đã đề ra. Để đầu tư có hiệu quả thì rất cần chiến lược phát triển tối ưu. Như thế vẫn chưa đủ, vì nếu phát triển mà không đáp ứng các tiêu chí xếp hạng thì cũng khó được xếp hạng nên đại học rất cần có chiến lược xếp hạng. Từ đó, có thể thấy rằng để có một đại học được xếp hạng thì không thể thiếu tiền, nhưng tiền chưa phải là yếu tố duy nhất. Tiền có thể xem là điều kiện cần nhưng điều kiện đủ thì chính là con người và chiến lược.

Trong bài 2, TS Lê Văn Út sẽ có trao đổi về vấn đề đại học Việt Nam đang ở đâu trên bản đồ thế giới, kính mời độc giả đón đọc!

Nguồn: vietnamnet

Từ khóa : xếp hạng đại học

Các tin liên quan đến bài viết