Luật Thống kê hiện hành còn những bất cập như danh mục chỉ tiêu thống kê ban hành kèm theo Luật chưa cập nhật, chưa phản ánh kịp thời một số chính sách pháp luật, định hướng phát triển của Đảng, Quốc hội,
Luật Thống kê được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 23/11/2015 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2016. Sau 05 năm thực hiện, Luật Thống kê và các văn bản hướng dẫn thi hành đã có những tác động tích cực đối với công tác thống kê. Theo đó, Luật Thống kê đã tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động thống kê, khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của công tác thống kê, hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước về công tác thống kê ngày càng được tăng cường; Chất lượng thông tin thống kê ngày càng được cải thiện.
Dự thảo Luật Thống kê sẽ được Quốc hội thảo luận |
Bên cạnh những thành tựu đạt được, việc thực hiện Luật Thống kê cũng còn những bất cập như danh mục chỉ tiêu thống kê ban hành kèm theo Luật chưa cập nhật, chưa phản ánh kịp thời một số chính sách pháp luật, định hướng phát triển của Đảng, Quốc hội, Chính phủ mới được ban hành trong thời gian gần đây…
Tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tiến hành tổng kết 05 năm thực hiện Luật Thống kê; tổ chức các hội thảo trực tuyến, trực tiếp với các Bộ, ngành liên quan để lấy ý kiến; hội thảo với các chuyên gia kinh tế, các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu về các chủ đề liên quan đến dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê; nghiên cứu Luật Thống kê một số nước quy định danh mục chỉ tiêu thống kê như: Singapore, Nhật Bản, Mông Cổ, New Zealand, Canada, Thụy Điển.
Chính phủ đã trình Quốc hội xem xét, quyết định sửa đổi, bổ sung 3 nội dung lớn nhằm làm rõ quy trình biên soạn các chỉ tiêu thống kê quốc gia; không ảnh hưởng, tác động đến các nội dung trong các điều, khoản khác của Luật Thống kê hiện hành.
Tại phiên họp ngày 13/10/2021, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đồng ý đổi tên dự án Luật sửa đổi, bổ sung Phụ lục – Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia thành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê và đồng ý trình Quốc hội xem xét thông qua dự thảo Luật này tại Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV. Cũng tại Phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến và nhất trí với phạm vi sửa đổi, bổ sung gồm:
Một là, sửa đổi, bổ sung khoản 6 Điều 17 về Quy trình biên soạn chỉ tiêu Tổng sản phẩm trong nước (GDP) và chỉ tiêu Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (GRDP); Rà soát về việc đánh giá lại quy mô Tổng sản phẩm trong nước báo cáo Chính phủ, trình Quốc hội.
Hai là, sửa đổi, bổ sung điểm d khoản 2 Điều 48 về công bố thông tin thống kê của chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh là phân tổ của chỉ tiêu thống kê quốc gia.
Ba là, thay thế Phụ lục – Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê số 89/2015/QH13 bằng Phụ lục – Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia ban hành kèm theo Luật này.
Xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê nhằm mục tiêu cung cấp thông tin thống kê chính xác, khách quan, kịp thời, phản ánh đúng, đầy đủ tình hình kinh tế – xã hội của đất nước giai đoạn 2021-2030; giúp phân tích, hoạch định và điều hành chính sách vĩ mô. Bên cạnh đó, nhằm xây dựng cơ sở pháp lý để thu thập các chỉ tiêu thống kê quốc gia và bảo đảm yêu cầu so sánh quốc tế trong các lĩnh vực.
Kết cấu Phụ lục – Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia gồm 3 cột: (1) Số thứ tự; (2) mã số; (3) nhóm, tên chỉ tiêu với 20 nhóm và 222 chỉ tiêu.
Mỗi chỉ tiêu quốc gia được xác định, lựa chọn quy định tại Phụ lục – Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia khi đảm bảo các tiêu chí gồm:
Thứ nhất, chỉ tiêu thống kê được lựa chọn quy định tại danh mục phải phản ánh tình hình kinh tế – xã hội chủ yếu của đất nước, phục vụ các cơ quan, lãnh đạo Đảng và Nhà nước các cấp trong việc đánh giá, dự báo tình hình, hoạch định chiến lược, chính sách, xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội; phản ánh, lượng hóa việc thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là những chủ trương, chính sách trong bối cảnh mới. Đó là những thông tin, số liệu về kinh tế – xã hội chủ yếu ở tầm quốc gia.
Thứ hai, chỉ tiêu thống kê được lựa chọn quy định tại danh mục phải bảo đảm tính khả thi – tức là chỉ tiêu thống kê phải thu thập, tổng hợp và biên soạn được trên thực tiễn. Nguyên tắc này đòi hỏi phải: Bảo đảm kế thừa, phát huy hiệu quả những quy định mang tính ưu việt trong Luật Thống kê; Bảo đảm thống nhất, tương thích và tính so sánh quốc gia, giữa các vùng miền nhưng vẫn đáp ứng được các điều kiện thực tiễn; (Bảo đảm thống nhất với các hệ thống chỉ tiêu thống kê Bộ, ngành, hệ thống chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã và các hệ thống chỉ tiêu thống kê đa ngành, đa lĩnh vực và liên kết vùng.
Thứ ba, chỉ tiêu thống kê được lựa chọn quy định tại danh mục phải bảo đảm so sánh quốc tế; phù hợp với thực tiễn thống kê và tuân thủ các nguyên tắc hoạt động thống kê chính thức của Ủy ban Thống kê Liên hợp quốc.
Nội dung chỉ tiêu thống kê gồm: Khái niệm, phương pháp tính; phân tổ chủ yếu; kỳ công bố; nguồn số liệu của chỉ tiêu thống kê và cơ quan chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp sẽ được quy định tại Nghị định quy định nội dung chỉ tiêu thống kê thuộc hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia và quy trình biên soạn Tổng sản phẩm trong nước, Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Nguồn: vietnamnet