Từ con cá bán ở chợ quê, cá tra vươn mình thành mặt hàng thủy sản xuất khẩu chủ lực của đất nước. Vượt qua bao thăng trầm, đến nay con cá tra đã có mặt trên bàn ăn tại nhiều quốc gia trên thế giới mang lại giá trị hàng tỉ USD cho nước nhà.

Để cá tra Việt Nam vươn ra biển lớn: Cá tra lần đầu tiên cán mốc trên 2,4 tỉ USD - Ảnh 1.

Xuất khẩu cá tra Việt Nam 2010-2022 

Ước tính năm 2022, xuất khẩu cá tra Việt Nam lần đầu tiên đạt mốc trên 2,4 tỉ USD.

Hành trình chinh phục thế giới

Những ngày đầu tháng 12, chúng tôi tìm về “thủ phủ cá tra” Hồng Ngự, Đồng Tháp để tìm hiểu về câu chuyện những người đi mở đường cho ngành hàng cá tra ngày ấy.

Theo lời kể của ông Nguyễn Trạng Sư, ngụ xã Bình Thạnh, TP Hồng Ngự – một trong số những người nuôi cá lâu năm của TP này, vào những năm 2000, người dân chủ yếu nuôi cá lồng, bè dọc các sông lớn để nuôi cá da trơn như cá ba sa, cá hú. Sau đó, do nguồn cá giống cạn kiệt, nguồn nước không ổn định… nông dân bắt đầu chuyển đổi sang nuôi con cá tra, đem từ sông lên ao sản xuất quy mô lớn.

Người nuôi cá tra trong giai đoạn đầu gặp nhiều thuận lợi do chi phí thấp, giá bán cao. Tuy nhiên sau đó thị trường suy giảm, giá cá tra xuất khẩu giảm liên tục khiến người nuôi nhiều phen thua lỗ phải bỏ nghề hoặc phải tính toán lại cách nuôi.

Đến nay, gia đình ông Sư đang nuôi 20 ao cá tra trên diện tích mặt nước khoảng 25ha. Tất cả ao nuôi đều được cấp mã số, đảm bảo các chuẩn chất lượng. “Khác với trước kia, bây giờ để đạt được lợi nhuận người nông dân phải tính toán, cân nhắc, điều tiết thức ăn, khống chế dịch bệnh, giảm hao hụt”, ông Sư cho biết.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), từ năm 2000 trở đi nghề nuôi cá tra ở ĐBSCL bắt đầu hình thành các vùng nuôi tập trung lớn ở các tỉnh thành: An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Vĩnh Long… với tổng diện tích lên đến hơn 5.000ha.

Năm 1997 lần đầu tiên cá tra tham gia vào thị trường thế giới, xuất khẩu chỉ thu về 1,6 triệu USD. Năm 2008, lần đầu tiên kim ngạch xuất khẩu cá tra đạt trên 1 tỉ USD. 10 năm sau nữa, xuất khẩu cá tra đạt thêm cột mốc mới khi lần đầu tiên vượt mốc 2 tỉ USD (2,26 tỉ USD) vào năm 2018.

Ông Trần Đình Luân – tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản – khẳng định cá tra là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của ngành nông nghiệp. Với lợi thế tuyệt đối về điều kiện tự nhiên của vùng sông nước ĐBSCL, ngành hàng cá tra không ngừng phát triển và trở thành ngành công nghiệp nổi tiếng toàn cầu. Năm 2022, sản lượng cá tra dự kiến đạt 1,68 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu trên 2,4 tỉ USD – kỷ lục lịch sử của ngành hàng.

Để cá tra Việt Nam vươn ra biển lớn: Cá tra lần đầu tiên cán mốc trên 2,4 tỉ USD - Ảnh 2.

Nông dân huyện An Phú, An Giang thu hoạch cá tra thương phẩm bán cho thương lái 

Doanh nghiệp tự tin đưa cá tra ra biển lớn

Hành trình tỉ USD của con cá tra có vai trò rất lớn của các doanh nghiệp chế biến ngành cá tra, trong đó có việc họ luôn chủ động đa dạng hóa sản phẩm, tìm kiếm thị trường.

Bà Nguyễn Ngô Vi Tâm – phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn – cho biết cá tra hiện nay có nhiều tiềm năng có thể cạnh tranh với các loại thủy hải sản hay các loại thịt trắng khác. “Nhu cầu thịt trắng ở các nước rất lớn nhưng Việt Nam cần phải có chiến lược dài hơi, nếu muốn người tiêu dùng thế giới biết đến cá tra thì phải tăng cường truyền thông nhiều hơn”, bà Tâm đề nghị.

Còn ông Nguyễn Đức Tài – phó tổng giám đốc Công ty TNHH Hùng Cá, sau hơn 15 năm xuất khẩu cá tra, năm 2022 công ty đã xuất khẩu vượt kế hoạch hơn 10%, trung bình đã xuất khoảng 7.000 tấn/tháng. Hiện nay, Hùng Cá có 12 sản phẩm giá trị gia tăng từ con cá tra xuất khẩu tại thị trường châu Âu, châu Á và đang được thị trường rất ưa chuộng.

“Ban đầu nhà nhập khẩu châu Âu rất ngạc nhiên vì sao từ một con cá tra lại làm ra nhiều món như vậy. Nhưng sau khi bán thử một thời gian ngắn họ đã nhanh chóng đặt hàng dài hạn hai năm với chúng tôi. Thị trường châu Âu là thị trường mới của chúng tôi nhưng thấy họ rất thích cá tra nên chúng tôi đặt rất nhiều kỳ vọng”, ông Tài vui vẻ kể lại.

Ông Huỳnh Minh Tuấn – phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp – cho biết hiện nay Đồng Tháp có nhiều hình thức liên kết khác nhau như liên kết nuôi gia công cho nhà máy chế biến với hình thức khoán hệ số thức ăn, khoán tiền gia công, nhận cá theo kích cỡ quy định; liên kết theo hình thức mua đứt bán đoạn…

“Từ đầu năm đến nay, giá bán cá tra nguyên liệu tăng cao hơn cùng kỳ nên người nuôi đều có lợi nhuận dẫn đến diện tích, sản lượng nuôi vượt kế hoạch đề ra. Liên kết sản xuất và tiêu thụ cá tra giữa các cơ sở nuôi với doanh nghiệp sản xuất thức ăn, doanh nghiệp chế biến trên địa bàn tỉnh vẫn duy trì ổn định giúp các hộ nuôi cá tra nhỏ lẻ ổn định sản xuất”, ông Tuấn thông tin.

Còn ông Trần Anh Dũng – chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh An Giang – cho hay toàn tỉnh đã hình thành được 9 chuỗi liên kết (63 cơ sở) do các doanh nghiệp đứng đầu và quản lý chuỗi gồm: Tập đoàn Sao Mai, Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn, Công ty cổ phần Nam Việt, Công ty cổ phần Agifish…

Lễ hội cá tra lần thứ 1 năm 2022: sẽ có 70 – 80 món làm từ cá tra

Ông Lê Hà Luân – bí thư Thành ủy Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp – cho biết đến thời điểm này, lễ hội cá tra lần thứ 1 năm 2022 với chủ đề “Vươn ra biển lớn” đã được chuẩn bị hoàn tất.

Lễ hội cá tra diễn ra trong hai ngày 16 và 17-12, gồm các nội dung như: triển lãm văn hóa “câu chuyện cá tra vươn ra biển lớn”; hội nghị tổng kết ngành hàng cá tra năm 2022; yến tiệc cá tra; lễ khai mạc lễ hội cá tra lần thứ 1 năm 2022; hội thảo, nuôi trồng, chế biến và tiêu thụ cá tra… Đặc biệt, tại lễ hội cá tra lần này sẽ tổ chức hội thi ẩm thực cá tra vào chiều 17-12 với 70 – 80 món ăn được chế biến từ cá tra.

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : cá traCá Tra Việt Namđồng tháp

Các tin liên quan đến bài viết