Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Phạm Phú Quốc (TP.HCM) thừa nhận việc có thêm quốc tịch Cộng hòa Síp (trả lời trên báo Tuổi trẻ TP.HCM). Theo Cục trưởng Cục Hộ tịch, Quốc tịch và Chứng thực (Bộ Tư pháp), không có quốc gia nào cho phép ĐBQH, cán bộ công chức có 2 quốc tịch
Như chúng tôi thông tin về trường hợp ĐBQH Phạm Phú Quốc, trả lời PV Dân Việt, ông Trần Văn Túy, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Công tác Đại biểu, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương cho biết, ông đã nắm thông tin ĐBQH Phạm Phú Quốc trả lời trên báo thừa nhận có quốc tịch Síp.
Ông Túy cũng khẳng định, tinh thần chung đã là ĐBQH thì không có 2 quốc tịch. Thông lệ quốc tế cũng vậy, ĐBQH không có 2 quốc tịch.
Trao đổi với PV Dân Việt, ông Nguyễn Công Khanh, Cục trưởng Cục Hộ tịch, Quốc tịch và Chứng thực (Bộ Tư pháp) cho biết: Về nguyên tắc, công dân Việt Nam chỉ được mang một quốc tịch. Nhưng trong một số trường hợp ngoại lệ, Việt Nam vẫn cho phép công dân được mang 2 quốc tịch.
Cụ thể, các trường hợp ngoại lệ gồm: người được Chủ tịch nước cho phép; trường hợp xin trở lại quốc tịch Việt Nam; người Việt Nam định cư ở nước ngoài và đã nhập quốc tịch nước ngoài nhưng vẫn muốn nhập quốc tịch Việt Nam; trẻ em là con nuôi. Ngoài ra, người có vợ chồng, cha mẹ đẻ, con đẻ là công dân Việt Nam thì được nhập quốc tịch Việt Nam và giữ lại quốc tịch của họ. Những trường này chỉ áp dụng với công dân bình thường, không áp dụng với cán bộ, công chức, đảng viên.
Vẫn theo ông Khanh, riêng đối với người là ĐBQH, đại biểu Hội đồng nhân dân, cán bộ công chức Nhà nước thì không có một quốc gia nào chấp nhận cho 2 quốc tịch.
“Tất cả các nước đều quy định đối với cán bộ công chức, ĐBQH, nghị sĩ, công an, quân đội thì chỉ có một quốc tịch duy nhất của quốc gia đó”, Cục trưởng Cục Hộ tịch, Quốc tịch và Chứng thực nhấn mạnh.
ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng, Phó Trưởng Ban Dân nguyện (Ủy ban Thường vụ Quốc hội) cho biết: Hiến pháp đã quy định: ĐBQH là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của Nhân dân ở đơn vị bầu cử ra mình và của Nhân dân cả nước. “Nếu một ĐBQH lại mang 2 quốc tịch thì anh đại diện cho ai?”, ĐB Nhưỡng nói
Trở lại với việc của ĐBQH Phạm Phú Quốc, khi trả lời trên báo ông này cho biết có quốc tịch Síp từ năm 2018 (khi ứng cử ĐBQH năm 2016 ông chỉ có 1 quốc tịch Việt Nam) và đang thực hiện đầy đủ các nội dung báo cáo theo đúng quy định về việc này cho các cơ quan chức năng có thẩm quyền.
Câu hỏi đặt ra, ông Phạm Phú Quốc có thêm quốc tịch Síp từ năm 2018, đến nay là tháng 8/2020, nhưng Ban Công tác đại biểu (cơ quan giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội quản lý ĐBQH) không biết và đang phải cho xác minh. Là cán bộ đảng viên, ông Phạm Phú Quốc đã trung thực và khai báo kịp thời với tổ chức hay chưa? (một trong 19 điều đảng viên không được làm là Báo cáo, lập hồ sơ, kê khai lý lịch, lịch sử bản thân không trung thực). Nếu như sự việc của ông Phạm Phú Quốc không bị báo chí nước ngoài thông tin, báo chí trong nước vào cuộc thì sự việc sẽ thế nào?
Còn nhớ vào năm 2018, trên mạng xã hội rộ thông tin ĐBQH Nguyễn Văn Thân (Thái Bình) có quốc tịch nước ngoài. Khi đó trả lời báo Dân Việt, ông Nguyễn Văn Thân cho biết, trước đây ông có quốc tịch Ba Lan, khi về Việt Nam ứng cử ĐBQH ông đã xin thôi quốc tịch Ba Lan. Ông khẳng định chỉ có duy nhất một quốc tịch đó là quốc tịch Việt Nam (cơ quan chức năng của Quốc hội cũng khẳng định như vậy).
Ngược lại, trường hợp của Phạm Phú Quốc, khi đã là ĐBQH ông lại có thêm quốc tịch khác, cho dù như lời ông trên báo là do gia đình bảo lãnh chứ không phải mua với giá 2,5 triệu USD thì cũng là điều không thể chấp nhận.
Theo Dân việt