Dù là những giáo viên giỏi, các thầy cô dạy trên truyền hình vẫn gặp phải những vất vả và áp lực riêng, khi đằng sau chiếc camera kia là hàng triệu ánh mắt dõi theo của học sinh, phụ huynh và đồng nghiệp.

Dạy trên truyền hình: Từ bục giảng đến trường quay - Ảnh 1.

Cô Nguyễn Thị Mai Hạnh trong tiết giảng ngữ văn trên truyền hình 

Sở GD-ĐT TP.HCM đang phối hợp Đài truyền hình TP.HCM dạy học qua truyền hình lớp 9 (môn toán, văn, ngoại ngữ) và lớp 12 (toán, văn, ngoại ngữ, lý, hóa, sinh), phát sóng tất cả các ngày trong tuần.

Dạy 45 phút, chuẩn bị một ngày

“Mình dạy một tiết thao giảng cho các thầy cô trong tổ là thấy áp lực lắm rồi, còn giờ là dạy cho cả thành phố xem” – ThS Nguyễn Quang Vũ, Trường THPT Nguyễn Công Trứ (Gò Vấp, TP.HCM), phụ trách môn sinh học lớp 12 trong chương trình, chia sẻ tâm trạng lo lắng những ngày đầu khi vừa được giao nhiệm vụ dạy trên truyền hình mùa dịch COVID-19.

Thầy nói tất cả mọi thứ từ kiến thức đến hình thức phải chỉn chu từng li từng tí, một bài giảng khi phát sóng chỉ dài khoảng 45 phút nhưng thầy phải bỏ một ngày ròng chuẩn bị giáo án.

Chưa hết, thầy còn “khổ công” luyện nói, luyện đọc tại nhà hàng chục lần chẳng khác gì một phát thanh viên chuẩn bị cho lần đầu ghi hình. Do đứng trên bục giảng đã quá quen, với những học trò quen mặt nên phong cách giảng dạy, cách dùng câu từ đậm màu lớp học.

Nay trên trường quay mọi thứ cần khác đi, trước mặt toàn máy quay phim, đèn chiếu, cũng không được dùng từ ngữ quá tự nhiên như thông thường.

“Mình phải soạn thật kỹ từng chỗ phải nói như thế nào, chỗ kia diễn đạt ra làm sao để các em xem có cảm giác như mình đang tương tác với nhau” – thầy Vũ nói.

Với phái nữ như cô Nguyễn Thị Mai Hạnh, Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (TP.HCM), phụ trách môn ngữ văn lớp 9 trong chương trình ôn tập, bề ngoài khi lên sóng cũng là một áp lực không nhỏ.

Là giáo viên ngữ văn khiến cô tự đặt ra yêu cầu cao hơn: phải thật chuẩn, từng câu, từng chữ, cách diễn đạt mượt mà và đặc biệt không được vấp váp.

Bởi phải chăm chút từng chút một, cô Hạnh kể hôm nào cũng mất từ 8h sáng đến hơn 12h trưa mới quay xong ba tiết ngữ văn, trong khi trên bục giảng ba tiết này chỉ khoảng 2 tiếng 15 phút.

Khó cân bằng cho các cấp độ

Từng có nhiều kinh nghiệm dạy học trên truyền hình nhưng thầy Vũ chia sẻ hình thức dạy học này không hề dễ.

Ở lớp có những chỗ thầy trò dễ dàng trao đổi, hỏi đáp nhưng trên sóng thì được giao bao nhiêu phút phải “độc thoại” hết bấy nhiêu. Từ đó người dạy rất dễ “lướt” giáo án, nếu không chuẩn bị giáo án thật kỹ thì chỉ nói tầm 20-25 phút đã hết bài.

Cân bằng các cấp độ kiến thức trong từng bài giảng cũng là một điều trăn trở.

“Tôi ưu tiên những kiến thức cơ bản, những điểm quan trọng tôi thường lặp đi lặp lại nhiều lần trong bài để các em học sinh chậm có thể hiểu chắc. Đan xen vào đó là những câu khó cho các em khá giỏi.

Tôi cũng chú ý nhấn vào các lỗi sai các em hay mắc phải bởi chính từ các lỗi sai này, các em sẽ nắm bài kỹ hơn” – thầy Vũ Vạn Xuân, hiệu trưởng Trường TH-THCS Việt Mỹ (Tân Bình), phụ trách môn tiếng Anh lớp 9 trong chương trình ôn tập, nói.

Trong khi đó cô Mai Hạnh chia sẻ trên lớp cô trò rất hiểu nhau, chỉ cần một ánh mắt hoặc một cử chỉ gì của cô là học trò đã hiểu phải làm gì. Trên truyền hình mọi thứ đều phải tiết chế và chuẩn mực, lại khó dùng ngôn ngữ hình thể.

Dạy “một lèo” nên đôi lúc trong bài giảng cần các em lắng đọng để thấm lời dạy, cảm cái hay của bài thì đành “bó tay”. Trên sóng nếu dừng sẽ làm thời gian chết.

“Tôi khá tiếc khi đôi chỗ rất muốn có đôi ba phút lắng đọng cho các em hiểu hơn và cảm hơn về bài giảng” – cô Hạnh nói.

Học sinh lịch sự

Các bài sau khi phát sóng đều được đài đăng tải trên kênh YouTube riêng, thầy Nguyễn Quang Vũ thường xuyên lên xem lại phần giảng của mình và đồng nghiệp để rút kinh nghiệm.

Thầy Vũ chia sẻ trước khi ghi hình thầy khá lo lắng về chuyện liệu sẽ nhận phản hồi ra sao và đặc biệt có vấp phải những bình luận thái quá hay không.

Tuy nhiên thầy cho biết thực tế số bình luận khen nhiều hơn, xen vào là những góp ý tâm huyết của các em trên tinh thần xây dựng với câu từ và lời lẽ rất lịch sự. Nhiều em còn đặt thêm câu hỏi, thầy cũng nhiệt tình giải đáp.

“Không chỉ bài của mình mà ở các bài giảng của các thầy cô khác, học sinh bình luận rất lịch sự” – thầy nói.

– “Tôi chọn cách dạy chậm rãi để các em tiếp thu đầy đủ kiến thức hơn. Trên truyền hình khó giao tiếp với các em, nên nếu tốc độ giảng nhanh dễ làm các em không theo kịp bài”.

Cô Nguyễn Ngọc Thùy Trinh
(Trường trung học Thực hành Sài Gòn, Q.5, TP.HCM)

– “Vinh dự khi được dạy trên truyền hình cũng có, nhưng phần lo lắng vẫn nhiều hơn như cả thành phố dự giờ. Dẫu vậy trong mùa dịch, chúng tôi đóng góp được gì thì sẽ cố gắng hết sức”.

Cô Lê Phan Phương Ngọc(Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ, Q.4, TP.HCM, phụ trách môn toán lớp 12 trong chương trình ôn tập)

– “Những bình luận, góp ý của học sinh, đồng nghiệp nếu chính xác sẽ là rất quý báu bởi chúng tôi cũng có những sai sót cần phải điều chỉnh để bài giảng được tốt hơn”.

Thầy Nguyễn Anh Minh

(Trường THPT Trường Chinh, Q.12, TP.HCM, phụ trách môn hóa học lớp 12 trong chương trình ôn tập)

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : bục giảngdạy trên truyền hìnhtiết giảngtrường quay

Các tin liên quan đến bài viết