Nhiều chính sách đã được Chính phủ đưa ra để hỗ trợ nền kinh tế, tới đây là giảm thuế VAT. Nhưng cần nhìn lại những chính sách hiệu quả chưa cao, từ đó giảm khả năng “lên tivi nhận hỗ trợ”.
Vắng khách nên nhiều sạp hàng tại chợ An Đông (TP.HCM) đóng cửa treo biển sang sạp
Khi chính sách được đẩy mạnh và thực hiện một cách thực chất, việc phục hồi kinh tế sẽ diễn ra mạnh mẽ hơn.
Bài học gói hỗ trợ lãi suất
Theo báo cáo Chính phủ, đến cuối tháng 7-2023, số tiền hỗ trợ lãi suất (2%/năm) gói 40.000 tỉ đồng cho các khoản vay mới đạt khoảng 681 tỉ đồng, tương đương 1,7% nguồn lực bố trí.
Bà Nguyễn Minh Thảo – trưởng ban nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) – nhấn mạnh bất kỳ gói hỗ trợ nào đều có ý nghĩa trong bối cảnh khó khăn.
Tuy nhiên, gói hỗ trợ lãi suất một số doanh nghiệp “than” khó tiếp cận trước điều kiện về chuẩn tín dụng, trả nợ cũ, tài sản thế chấp…
Ngân hàng cũng lo rủi ro khi xác định đối tượng thuộc diện “có khả năng phục hồi”. Ngay cả với khách hàng có khả năng trả nợ cũng khó chắc chắn về việc này.
“Có những biến động không ai đoán định được. Các bên đều sẽ e ngại bị đánh giá trục lợi chính sách”, bà Thảo nói và cho rằng cần rút kinh nghiệm triển khai các gói hỗ trợ sau này.
Cần thúc đẩy phục hồi mạnh hơn
Nhận định việc giảm thuế VAT là chính sách đúng, theo GS.TSKH Võ Đại Lược – nguyên viện trưởng Viện Kinh tế và chính trị thế giới, cần rút kinh nghiệm từ gói hỗ trợ lãi suất 2%. Giảm thuế VAT nên áp dụng đồng loạt cho mọi doanh nghiệp, mọi ngành nghề.
“Nếu tách bạch sẽ có nguy cơ xin cho, phức tạp, tiêu cực hoặc sợ sai không dám làm”, ông Lược nói. Vị này cũng cho rằng nên kéo dài thời gian tròn một năm.
Bà Nguyễn Minh Thảo cũng đề nghị giảm 2% thuế VAT cho tất cả các nhóm hàng hóa, dịch vụ bởi nhiều doanh nghiệp kinh doanh đa ngành, rất phức tạp khi bị thanh tra, kiểm tra.
Bên cạnh việc giảm thuế, theo bà Thảo, việc khơi thông nguồn vốn cho doanh nghiệp rất quan trọng. Không chỉ tín dụng, việc đẩy nhanh tiến độ hoàn thuế cũng cần được xác định là giải pháp cấp bách.
Ông Đinh Tuấn Minh – giám đốc nghiên cứu Trung tâm Nghiên cứu giải pháp thị trường cho các vấn đề kinh tế và xã hội (MASSEI) – cho rằng cần coi thu hút dòng tiền ngoại chảy vào nền kinh tế như những giải pháp quan trọng, trong đó có dòng vốn này bao gồm kênh FDI, đẩy mạnh xuất khẩu, bán tài sản, đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước…
Thực chất và thực chất hơn
Đặc biệt, bà Nguyễn Minh Thảo cho rằng “gói hỗ trợ giảm rào cản, thủ tục hành chính không mới nhưng rất cần”. “Gói” này, theo bà Thảo, không cần chi ngân sách mà vẫn tạo ra hiệu quả và bền vững.
Ông Võ Đại Lược cũng nhận thấy có sự chững lại trong cải thiện môi trường kinh doanh những năm gần đây, thậm chí “sợ sai không dám làm hay làm quyết liệt”.
Vị chuyên gia nhiều năm kinh nghiệm chỉ ra: Phải có giải pháp để sự cải thiện về môi trường kinh doanh đi vào thực chất, tránh những chính sách quyết liệt nhưng chỉ mang tính “hô hào” hay câu chuyện “lên tivi mới có”.
Nêu quan điểm, ông Lược cho rằng cần cải cách, đột phát từ khâu làm luật, làm chính sách, không để cài cắm lợi ích, gây khó doanh nghiệp.
“Nhiều dự thảo luật, chính sách lấy ý kiến chuyên gia, doanh nghiệp… rộng rãi nhưng thử hỏi thực sự tiếp thu được bao nhiêu”, ông Lược đặt vấn đề.
Nguồn: tuoitre.vn