“Chống gian lận trong thi cử không thể bằng hào sâu, tường cao, mà phải từ chính quyết tâm của các cấp các ngành”.

Buổi sáng cuối cùng ngày làm việc của năm 2018, tôi gặp ông ở một hội thảo về dự thảo Luật Giáo dục. Ông hỏi tôi: “Cậu có làm ở đâu không?” (ý ông hỏi tôi có làm gì thêm sau khi nghỉ hưu không). Tôi trả lời “Thưa thầy, giờ em đang đi dạy thôi. Thế còn thầy?”. Ông bảo đã nghỉ hưu 15 năm nay, cũng có vài nơi mời nhưng không nhận lời, vì không làm cho ai để có thể độc lập trong nói và viết.

Dạy làm người và niềm tin giáo dục
Giáo dục phải mang lại giá trị đích thực cho người học, cho xã hội thông qua học thật – dạy thật.

Tôi nhớ cách đây nhiều năm, hiện tượng gian lận trong thi cử diễn ra rất trắng trợn trọng giáo dục. “Phao” tung trắng ở nhiều sân trường phổ thông sau các buổi thi. Có tỉnh, việc gian lận trong thi cử còn đáng sợ hơn. Nhiều người bắc thang, leo tường, ném bài giải vào phòng thi. Sự gian lận, như nhiều người nghĩ nếu có chỉ bắt đầu ở thí sinh, đã lan sang sang cả người lớn.

Trước hiện tượng tiêu cực ấy, trường chúng tôi tổ chức một hội thảo với mục tiêu là giảm thiểu sự gian lận trong thi cử. Tôi là người được phân công theo dõi hội thảo. Bữa đó, ông phát biểu rất hăng. Ông nói: “Chống gian lận trong thi cử không thể bằng hào sâu, tường cao, mà phải từ chính quyết tâm của các cấp các ngành”. Hôm sau, trên một tờ báo lớn của thành phố, phóng viên đã giật title đại ý: tường cao, hào sâu cũng không ngăn được gian lận thi cử.

Lãnh đạo Bộ GD-ĐT đọc báo, gọi điện phê bình trường, tôi phải đích thân báo cáo hiệu trưởng về phát biểu của ông.

Ông không chủ ý nói về tiêu cực. Tham luận của ông ở hội thảo vạch ra căn nguyên của thi cử, trong đó có bệnh thành tích; đồng thời, trong tham luận của mình, ông cũng đã chỉ ra các giải pháp chống tiêu cực trong thi cử bằng việc chuyển các môn thi từ hình thức thi tự luận sang thi trắc nghiệm. Đề nghị của ông đã thành hiện thực trong nhiều năm nay và việc áp dụng thi trắc nghiệm trong kì thi trung học phổ thông quốc gia với nhiều mã đề đã là một giải pháp thành công, chống việc gian lận trong phòng thi.

Hôm nay, tại hội thảo, tôi lại lại được nghe ông nói về giáo dục. “Nếu có thị trường giáo dục thì đó là thị trường niềm tin, không phải là loại thị trường kiếm tiền, ai kiếm tiền trong giáo dục cũng được“.

Tôi nghĩ, không phải ông không biết rằng xã hội hóa giáo dục của chúng ta trong thời điểm hiện tại khó có thể có trường ngoài công lập phi lợi nhuận, nhưng làm giáo dục thì việc tính lợi nhuận dứt khoát không thể là bằng mọi giá.

Giáo dục phải mang lại niềm tin: niềm tin của học sinh đối với thầy cô giáo; niềm tin của phụ huynh, của xã hội đối những chủ nhân tương lai của đất nước; niềm tin của phụ huynh, của xã hội đối với người dạy học, với nghề thầy.

Niềm tin trong giáo dục nói riêng và niềm tin vào xã hội nói chung là điều mà chính quyền nào cũng muốn hướng đến. Vậy mà một năm qua, không ít những sự việc diễn ra trong ngành ảnh hưởng đến niềm tin của học sinh, phụ huynh và xã hội đối với ngành giáo dục.

Hành động gian lận trong kỳ thi THPT quốc gia vừa rồi; hiện tượng thầy cô giáo đánh học trò, học trò phạt bạn bằng cả trăm cái tát theo lệnh của cô giáo, phụ huynh bắt giáo viên quỳ… dù không diễn ra thường xuyên nhưng lại làm cho học sinh, phụ huynh, xã hội thiếu lòng tin.

Ai trong chúng ta cũng đều biết, giáo dục bao giờ cũng thay đổi chậm hơn so với những thay đổi trong nền kinh tế, sau sự phát triển của xã hội. Những tác động xấu của nền kinh tế thị trường đến giáo dục, dù chậm hơn nhưng cuối cùng cũng đã đặt chân vào.

Hiện tượng học giả lấy bằng thật, mua bán bằng cấp. quan hệ thầy – trò cũng có nhiều thay đổi. Có những thay đổi tích cực như tính dân chủ trong nhà trường, vai trò của người thầy, sự tham gia của các thành phần kinh tế…, thì những tác động tiêu cực trong giáo dục cũng tăng hơn.

Có cách nào làm lành mạnh hoá giáo dục hoặc hạn chế ảnh hưởng của kinh tế thị trường đến giáo dục không? Câu trả lời là . Giáo dục phải mang lại giá trị đích thực cho người học, cho xã hội thông qua học thật – dạy thật.

Cách đây gần hai chục năm, có một phụ huynh kể đứa con đã hỏi thẳng anh rằng “Không học giỏi, con không là người à?“. Câu hỏi của anh đeo đẳng tôi suốt nhiều năm làm nghề dạy học. Tôi luôn tự dặn mình, dặn học trò rằng: Hãy chân thành đối với học sinh, yêu thương học sinh như con em mình trước khi truyền thụ kiến thức, trước khi dạy cho các em biến kiến thức sách vở thành cuộc sống tương lai.

Hôm nay, tôi đã được gặp ông – một GS. NGND đã 81 tuổi, trong tay cầm một cuốn sách dày viết về giáo dục. Tôi còn gặp nhiều luật gia, nhiều nhà giáo tâm huyết đến dự hội thảo… Tất cả họ đã, đang và sẽ dành hết đời mình cho giáo dục nước nhà. Ngoài kia, bao nhiêu thầy cô giáo còn gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống nhưng họ vẫn gắn bó với nghề dạy học không chỉ vì mưu sinh, mà còn vì một cái gì đó lớn hơn: Vì tương lai đất nước.

Sao lại không có quyền mơ ước về một nền giáo dục Việt Nam tiên tiến, hiện đại, đào tạo nên những con NGƯỜI – chủ nhân tương lại của đất nước khi chúng ta có cả một xã hội quan tâm đến giáo dục nước nhà?

Nguồn: vietnamnet

Từ khóa : đổi mới giáo dụcgiáo dụcniềm tin

Các tin liên quan đến bài viết