Tới ngày 25/5, trên toàn thế giới đã có khoảng 300 ca nhiễm và nghi nhiễm bệnh đậu mùa khỉ. Các chuyên gia cho rằng virus có thể đã xuất hiện âm thầm trong vài năm bên ngoài châu Phi.

Sự gia tăng đột ngột của bệnh đậu mùa khỉ đã xảy ra ở ít nhất 20 nước trên thế giới trong tháng qua. Đây là lần đầu tiên dịch bệnh được ghi nhận lây lan trong cộng đồng bên ngoài châu Phi.

Giới khoa học đang nghiên cứu xem căn bệnh này bùng phát như thế nào ở nhiều quốc gia trong một khoảng thời gian ngắn như vậy. Nhiều người nghi ngờ bệnh đậu mùa khỉ đã lưu hành ở mức độ thấp, không bị phát hiện ở châu Âu trong vài năm trước khi bùng phát.

Ảnh minh họa

Giáo sư David Heymann, người chủ trì nhóm chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về các mối đe dọa lây nhiễm đối với sức khỏe toàn cầu, cho biết có thể virus đã xâm nhập vào Vương quốc Anh cách đây 2-3 năm.

Từ năm 2018 đến năm 2019, bốn trường hợp được xác nhận mắc đậu mùa khỉ đến Vương quốc Anh. Tất cả đều là những du khách đến từ Nigeria. Ba trường hợp khác vào năm 2021 cũng có hành trình đi đến tương tự.

Có thể đưa ra giả thuyết virus đã lan rộng khi tình cờ xâm nhập vào quần thể có khả năng khuếch đại sự lây truyền.

Các nghiên cứu di truyền virus đậu mùa khỉ ở các bệnh nhân trong đợt bùng phát đang diễn ra cho thấy sự tương đồng với người nhiễm ở Anh, Israel và Singapore vào năm 2018 và 2019.

Trong khi ca đậu mùa khỉ chính thức đầu tiên của Vương quốc Anh năm 2022 đến từ Nigeria vào ngày 4/5, virus đã tồn tại trước đó.

Ngày 14/5, Cơ quan An ninh Y tế Vương quốc Anh (UKHSA) đã công bố những hình ảnh về bệnh đậu mùa khỉ. Bác sĩ tại các phòng khám sức khỏe sinh dục nhận ra một số bệnh nhân của họ có thể đã mắc bệnh này.

Các trường hợp có xét nghiệm âm tính với những bệnh nhiễm trùng thông thường. Bác sĩ nghi ngờ họ mắc bệnh lậu trước khi có kết quả xét nghiệm dương tính với bệnh đậu mùa khỉ.

Giáo sư Marc Van Ranst, nhà virus học tại Đại học Leuven ở Bỉ, cho biết: “Đây có thể là một loại virus đã lưu hành mà không bị phát hiện trong một thời gian khá dài”.

Hiện vẫn chưa rõ liệu các đột biến có làm cho chủng virus dễ lây lan hơn ở người hay không, nhưng các nhà khoa học chỉ ra virus đã tiến hóa trong khi lây nhiễm sang người.

Giáo sư Van Ranst nói: “Chúng tôi biết rằng nhiễm trùng mạn tính không phải là một giả thuyết hợp lý. Điều đó có nghĩa đã có một chuỗi các sự kiện lây nhiễm dường như không được chú ý”.

Đại dịch Covid-19 có thể đóng một vai trò nào đó, vì mọi người ít cơ hội tiếp cận các dịch vụ y tế.

Giáo sư Oyewale Tomori, nhà virus học và cố vấn cho chính phủ Nigeria, cho biết cần có nhiều nghiên cứu hơn nữa để hiểu điều gì đang xảy ra.

“Trong khoảng thời gian từ năm 2019 đến năm 2020, nếu có ai đó ở châu Âu bị phát ban, bạn sẽ không nghĩ đến bệnh đậu mùa khỉ. Bạn cho rằng các bệnh khác gây ra tình trạng này”.

“Nếu hệ thống giám sát bỏ lỡ một trường hợp, tất nhiên đó là cơ hội để lây lan từ người này sang người khác. Tôi nghĩ rằng sự khuếch đại số ca bệnh xảy ra khi có rất nhiều người tụ tập với sự tiếp xúc gần gũi”.

Nguồn: vietnamnet

Từ khóa : Bệnh đậu mùa khỉ

Các tin liên quan đến bài viết