Giấc mơ giảng đường đại học là niềm ao ước của hầu hết lứa tuổi thanh niên, thế nhưng đó không phải là con đường duy nhất của một số thanh nhiên sau khi tốt nghiệp cấp ba. Thực tế cũng đã có nhiều thanh niên từ bỏ giảng đường hoặc học xong không đi theo con đường mình đã học mà về với gia đình để lập nghiệp. Cách khởi nghiệp của hai chàng thanh niên ở tỉnh Bình Phước Lê Vũ Phương Tùng, 25 tuổi, ngụ ấp 6, xã Đồng Tiến, huyện Đồng Phú và Trần Văn Huy, 33 tuổi, xã Đức Hạnh, huyện Bù Gia Mập đã hấp dẫn nhiều bạn trẻ.
Từ bỏ giảng đường phụ gia đình làm kinh tế
Năm 2012, Anh Lê Vũ Phương Tùng quyết định nghỉ học tại Trường Cao đẳng nghề TP.HCM về làm kinh tế phụ giúp gia đình. Người bố bị bệnh mắt kém nên đã giao cho anh quản lý 8 ha trồng cây công nghiệp của gia đình và từ đây anh Tùng trở thành trụ cột gia đình. Với 3 ha cao su và gần 5 ha diện tích trồng điều nhưng nguồn thu mang về không đáng kể. Nhận thấy diện tích điều đã già cỗi, giá cả lại bấp bệnh nên anh Tùng đã bàn với gia đình chuyển đổi cây trồng. Nhưng anh đã gặp sự phản đối của người mẹ, vì bà cho rằng cây điều tuy cho thu nhập thấp nhưng cũng tương đối ổn định hơn nhiều một số loại cây trồng khác. Sau khi tìm hiểu, nghiên cứu nhiều mô hình kinh tế, anh Tùng lén chuyển đổi 1 ha diện tích đất điều sang trồng bưởi da xanh.
![]() |
Sau một thời gian bỏ giảng đường về làm kinh tế, anh Lê Vũ Phương Tùng đã có bước khởi đầu thành công nhờ mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng hợp lý |
Anh Tùng chia sẻ: “Làm kinh tế tôi đã thích từ nhỏ, trong lúc đang học cao đẳng nghề, bố bị bệnh mắt yếu không lao động nặng được. Vì vậy, đây cũng là “cơ hội” để tôi bỏ học trở về nhà làm kinh tế cùng với gia đình. Từ niềm đam mê, bản thân tôi cũng đã trang bị cho mình một số kiến thức nhất định. Ngoài ra, qua việc học tập kinh nghiệm một số nơi, nên tôi thấy hướng đi của mình là hợp lý và quyết định làm cho bằng được”.
Từ 1 ha đất trồng bưởi da xanh ban đầu, đến nay anh Tùng đã mạnh dạn mở rộng, phát triển thêm hơn 100 gốc bưởi da xanh. Thời gian đầu tiếp cận mô hình này, anh Tùng cũng gặp không ít khó khăn, nhất là về kỹ thuật chăm sóc, nhưng qua tham dự các lớp tập huấn, tham quan các mô hình, học hỏi trên sách báo. Đến nay, mô hình trồng bưởi da xanh của anh Tùng đã có kết quả khả quan. Theo tính toán của anh Tùng, 1 ha đất trồng bưởi năm nay, gia đình sẽ thu được khoảng 1 tấn bưởi và từ năm thứ hai sẽ cho năng suất 3-4 tấn/ha. Với giá trung bình tại vườn 50 ngàn đồng/kg, sẽ thu được 50 triệu đồng. Với thu nhập như trên, trong vài năm tới anh Tùng muốn nhân rộng mô hình bưởi da xanh này, qua đó thành lập tổ hợp tác bưởi da xanh theo tiêu chuẩn VietGap để đảm bảo chất lượng cũng như thương hiệu của trái bưởi da xanh.
Anh Bùi Hồ Phương – Bí thư Xã đoàn Đồng Tiến, huyện Đồng Phú cho biết: “Thanh niên địa phương rất khâm phục nghị lực và quyết tâm của bạn Tùng. Với điều kiện kinh tế gia đình thì Tùng có thể lựa chọn cho mình nhiều con đường khác nhau. Nhưng Tùng đã lựa chọn con đường nối nghiệp bố mẹ, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng hợp lý và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Trong thời gian tới, Xã đoàn sẽ mở rộng mô hình này đến với đoàn viên thanh niên cũng như đưa các bạn đoàn viên thanh niên đến học hỏi, tìm hiểu để mở rộng, nhân rộng mô hình này để các bạn phát triển kinh tế”.
Bỏ phố về lập công ty sản xuất chế biến điều
Cũng như nhiều thanh niên khác, năm 2003, anh Trần Văn Huy, 33 tuổi, thi đậu vào Trường Đại học Bách khoa TP.HCM chuyên ngành điện tử. Sau khi tốt nghiệp, Huy không về nhà mà bám trụ lại thành phố để kiếm việc làm. Sau 2 năm lăn lộn, kinh qua nhiều công ty khác nhau, anh nhận ra rằng nếu cứ làm công ty này công ty nọ suốt đời mình cũng chỉ là người làm thuê. Vì vậy anh quyết định trở về nhà mạnh dạn đề xuất với gia đình mở công ty thu mua chế biến hạt điều.
Anh Huy cho hay: “Sau một thời gian làm cho nhiều công ty khác nhau, mình nhận thấy nếu cứ tiếp tục như vậy thì không thể nào có tiền dư, hơn nữa làm cho người ta, đúng thì chẳng sao, còn sai thì người ta chửi mắng. Vì vậy tôi thầm nghĩ, kinh nghiệm kinh doanh thì cũng có chút ít, nên tôi quyết tâm từ bỏ mọi thứ trở về nhà cùng gia đình lập công ty để làm ăn cho khỏe”.
![]() |
Anh Trần Văn Huy sau nhiều năm vật lộn đã có một cơ ngơi ổn định, tạo ra nhiều công ăn việc làm cho bà con địa phương |
Nói là làm, năm 2009, Huy xin cha mẹ được 200 triệu đồng cùng với một ít vay từ bạn bè, người thân đầu tư mua được 13 máy chẻ hạt điều, sau đó tận dụng đất nhà xây dựng một cái xưởng nhỏ. Từ đó, Huy thu mua điều tại địa phương, thuê công nhân gia công cho các đầu mối lớn. Đúng như câu nói “Thương trường còn hơn chiến trường”, do chưa có nhiều kinh nghiệm trong quá trình sản xuất kinh doanh, nên có năm lỗ hàng tỷ đồng, năm thì hòa vốn, năm nào có lãi thì cũng chỉ vài trăm triệu đồng. Nhưng dám nghĩ dám làm, dám dấn thân với quyết tâm cao vươn lên làm giàu, anh Huy không lùi bước mà tiếp tục lao vào kinh doanh.
Từ việc thu mua hạt điều ở địa phương rồi thuê công nhân gia công, bán cho các đầu mối lớn. Dần dần tích lũy thêm được ít vốn, vay thêm tiền, anh Huy lại mua thêm máy, mở rộng xưởng. Đến cuối năm 2013, anh Huy đã đầu tư mua được máy tách vỏ nhân hạt điều trị giá hàng tỷ đồng, đầu tư xây dựng nhà trọ miễn phí cho công nhân. Đến nay, công ty do anh quản lý và điều hành thu lợi nhuận ổn định hơn một tỷ đồng/năm, giải quyết công ăn việc làm cho hơn 60 công nhân với mức lương trung bình từ 5-6 triệu đồng/người/tháng, trong đó 30% là người đồng bào dân tộc thiểu số.
“Mới đầu chưa có kinh nghiệm, giá nguyên liệu bấp bênh, đầu ra lại không ổn định, việc thua lỗ ban đầu là hoàn toàn không tránh khỏi. Nếu rút lui thì khoản lỗ quá lớn không có cách nào bù lại được, tôi chỉ suy nghĩ tính toán thế nào hợp lý là cứ làm. Hơn nữa, muốn thành công thì phải có lòng kiên nhẫn, thấy khó là bỏ thì mình cũng không có được sự thành công như ngày hôm nay đâu” – anh Huy bộc bạch.