Có người đau đầu hơn 20 năm với kết luận đủ loại bệnh, nhưng lại khỏi tới 70% chỉ sau 1 tháng điều trị giun sán. Các bác sĩ phát hiện một số ca rối loạn tiền đình do ký sinh trùng chui vào não.
Có những loại ký sinh trùng chui vào và làm tổ trong não, đặc biệt trong dịch não tủy rất khó được chẩn đoán để tìm ra bệnh.
Có 5 loại giun sau 20 năm đau đầu
Chị L.T.T.N., 47 tuổi, từ Hà Tĩnh cho biết chị khổ sở vì bệnh đau đầu hơn 20 năm qua, 1 tháng nay mới như “từ cõi chết trở về”. Chị không thể ngờ rằng bao nhiêu năm chữa đủ thứ bệnh gây đau đầu mà không khỏi, càng chữa bệnh càng nặng, cuối cùng sau một tháng điều trị giun sán, chị thấy đỡ bệnh đến 70%.
Chị N. kể chị bị đau đầu, nôn ói, được kết luận rối loạn tiền đình từ ngày còn trẻ. Trước đây, thỉnh thoảng bệnh mới quật ngã chị nằm bất động vài ngày rồi lại thôi. Nhưng một năm nay các cơn đau diễn ra hằng ngày, đau kinh khủng như điên dại khiến chị không cách nào chịu đựng được.
Chị thường xuyên đau đến lịm đi, không kêu, không nói được 3 ngày, không uống hết 1 hộp sữa 200ml. Chị không thể ngờ được trong lúc cùng cực, có người nhắc chị đi xét nghiệm giun sán thì phát hiện ra 5 loài ký sinh trùng: giun lươn não, ấu trùng sán lợn, giun đầu gai, giun đũa chó, giun lươn ruột. Bất ngờ hơn khi uống thuốc trị giun mới 10 ngày chị thấy bớt đau đầu đến 70%, nay không bị cơn đau nào hành hạ nữa.
GS.TS Nguyễn Văn Đề – nguyên trưởng bộ môn ký sinh trùng Trường ĐH Y Hà Nội – cho biết một bác sĩ nguyên trưởng khoa ở một bệnh viện tỉnh cũng bị đau đầu kéo dài nhiều năm không rõ nguyên nhân. Vị bác sĩ này cũng đã dùng mọi phương pháp chữa trị nhưng khi cơn đau đầu đến thì đủ cách, đủ tư thế cũng không xua được cơn đau. Kết quả xét nghiệm của bác sĩ dương tính với giun đũa chó và ấu trùng sán lợn. Sau uống thuốc trị giun 3 ngày bác sĩ tự nhiên hết đau đầu, đến nay gần 1 năm không đau lại.
Gây hôn mê rất nặng mà không tạo u
GS.TS Nguyễn Văn Đề chia sẻ trong những trường hợp đau đầu do nguyên nhân giun sán được ông chữa trị có trường hợp bệnh nhân Nguyễn Thị H., 30 tuổi, giáo viên ở Hà Tĩnh bệnh rất nghiêm trọng. Chị H. được bệnh viện tỉnh chẩn đoán rối loạn tiền đình nặng: đau đầu, hoa mắt, chóng mặt, nôn, mất thăng bằng không đi lại được, mọi sinh hoạt cá nhân đều thực hiện tại giường, đã điều trị tích cực tại bệnh viện tỉnh, dùng cả thuốc giảm đau nặng cũng không đỡ.
Do biểu hiện bệnh quá nặng nên chị H. được cấp cứu ở một bệnh viện trung ương và lại được điều trị cấp cứu về bệnh rối loạn tiền đình. Bởi tất cả các kết quả chiếu chụp, xét nghiệm đều không tìm được tổn thương, mọi triệu chứng đều hướng tới bệnh rối loạn tiền đình. GS.TS Đề cho xét nghiệm riêng thì phát hiện chị H. bị giun đũa chó, giun lươn não, ấu trùng sán lợn. Chị H. được điều trị bằng thuốc ký sinh trùng và thật bất ngờ chị khỏi bệnh.
Ông Đề phân tích có nhiều loại ký sinh trùng có thể vào não gây u não, động kinh, đau đầu và các biểu hiện giống rối loạn tiền đình, trong đó có 5 loài hay gặp nhất là: ấu trùng sán lợn, giun lươn não, giun đũa chó, giun đầu gai và giun lươn ruột. Trong đó có 4 loài có thể làm tổ trong não tạo thành u như: ấu trùng sán lợn, giun đũa chó, giun đầu gai và giun lươn ruột, có thể chụp thấy khối u khi chụp CT, MRI nhưng nhiều trường hợp u rất bé cũng không thể chụp thấy. Đặc biệt, nguy hiểm là giun lươn não không thể phát hiện được. Bởi nó bơi trong nước não tủy gây viêm màng não, có thể dẫn tới hôn mê rất nặng và tử vong mà không tạo thành u, đôi khi chúng chui ra mắt.
Ông Đề cho rằng để đề phòng bệnh ký sinh trùng cần ăn chín, uống sôi, không dùng phân tươi bón cây, không đi chân đất…
Dễ chẩn đoán nhầm
Theo GS.TS Nguyễn Văn Đề, bệnh giun sán có tác hại tới đa số người một cách thầm lặng và lâu dài, có thể dẫn tới tử vong nhưng dễ bị chẩn đoán nhầm với các bệnh khác nên đã xử lý sai.
Ví dụ, sán lá gan lớn gây nhầm ung thư gan, sán lá phổi gây nhầm với lao phổi, giun lươn não gây nhầm lao màng não, sán lợn cũng có thể gây ra bệnh ấu trùng sán lợn não dẫn tới tử vong mà những năm gần đây xuất hiện ngày càng nhiều…
Nguồn: tuoitre.vn