Thời điểm tách tỉnh, cũng như các ngành khác, bưu chính viễn thông (BCVT) tỉnh Bình Phước gặp rất nhiều khó khăn về hạ tầng kỹ thuật. Sau 20 năm, toàn tỉnh đã có 14 doanh nghiệp BCVT và internet. Phát triển trong thời kỳ nhiều thách thức và cạnh tranh cao, cả bưu chính lẫn viễn thông đều có sự đổi mới toàn diện, góp phần làm thay đổi diện mạo tỉnh nhà.
HƯỚNG TỚI NHU CẦU PHÁT TRIỂN CỦA XÃ HỘI
Trong chặng đường 20 năm phát triển của ngành BCVT, các doanh nghiệp đều có sự linh động để đáp ứng nhu cầu của người dân và xã hội. Thực hiện tái cơ cấu của Chính phủ năm 2008, Bưu điện tỉnh trở về đúng chức năng của mình là hoạt động giao nhận thư và các dịch vụ công ích, trực thuộc Tổng công ty Bưu điện Việt Nam. 5 năm đầu sau khi chia tách, ngành bưu điện gặp nhiều khó khăn và nhận hỗ trợ từ tổng công ty để cân đối kinh phí hoạt động cho bộ máy. Trước khó khăn, thách thức đặt ra, ngoài việc linh động giao nhận thư, báo chí, ngành đã chủ động thêm việc chi trả lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội trên phạm vi toàn quốc, với khoảng 11 ngàn người và tổng chi là 37 tỷ đồng/tháng; mở thêm dịch vụ COD (dịch vụ chuyển phát hàng, thu tiền hộ) và một số dịch vụ công khác để đưa bưu chính lên một bước phát triển mới.
Anh Vương Đắc Phương, nhân viên Chi nhánh Viettel Phước Long kiểm tra kỹ thuật tại trạm BTS Đồn biên phòng Đắk Ka. Hằng tháng, họ phải lên ít nhất một lần để đảm bảo sóng Viettel hoạt động tốt
Ông Đoàn Tấn Nguyên, Giám đốc Bưu điện tỉnh cho biết: Từ khi tái cơ cấu ngành, thành công lớn nhất của chúng tôi là thay đổi tư duy của nhân viên bưu điện. Mặc dù lợi thế cạnh tranh không bằng các doanh nghiệp khác nhưng cán bộ, nhân viên không còn thụ động, đã hiểu và xác định rằng bưu điện là một doanh nghiệp. Thực hiện chỉ đạo của tổng công ty, Bưu điện tỉnh đã có 3 tuyến đường thư cấp 1, 4 tuyến đường thư cấp 2 và 59 tuyến đường thư cấp 3. Ngành có 5 ôtô và hầu như nhân viên đã linh động đi xe máy để cải tiến chất lượng các dịch vụ chuyển phát, đường thư nội tỉnh, thậm chí là “nhảy” xe đò để thời gian giảm chỉ còn 1-2 ngày. Nhờ thay đổi tư duy, linh động tìm kiếm khách hàng, đến nay mức lương trung bình của nhân viên bưu điện đã nâng lên 6-7 triệu đồng/người/tháng, tăng gần 4 triệu đồng so với lúc mới tách tỉnh.
Chi nhánh Viettel Bình Phước tuy ra đời sau nhưng đã ghi dấu ấn và thành công về phạm vi phủ sóng từ thành thị đến các xã biên giới. Những ngày đầu đi vào hoạt động, Viettel Bình Phước đã hướng đến mục tiêu giúp người dân các xã biên giới, địa hình hiểm trở được sử dụng điện thoại di động giá rẻ mà không cần phải “leo cây nghe điện thoại” như trước. Đến nay, Viettel Bình Phước có 705 ngàn thuê bao di động với thị phần chiếm gần 80% tổng số thuê bao di động toàn tỉnh. Ngoài ra, chi nhánh còn cung cấp dịch vụ băng thông rộng với 400 ngàn kilômét cáp quang tới 100% xã, phường, 100% đồn biên phòng, khu vực vành đai biên giới được phủ sóng, đảm bảo thông tin liên lạc và công tác tuần tra.
GÓP PHẦN PHÁT TRIỂN KINH TẾ – XÃ HỘI
Với tổng doanh thu trung bình của các doanh nghiệp BCVT đạt khoảng 1.000 tỷ đồng/năm, trong đó đóng góp vào ngân sách địa phương khoảng 80 tỷ đồng/năm, hoạt động của các doanh nghiệp BCVT đã góp phần đắc lực vào công cuộc phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng – an ninh. Và quan trọng hơn, sự phát triển của BCVT đã thay đổi cuộc sống của người dân tại các vùng biên giới, dân tộc thiểu số, địa hình hiểm trở.
Cùng nhân viên Viettel đi tiếp nhiên liệu cho hoạt động của trạm BTS các đồn biên phòng Đắk Ka, Đắk Bô và Bù Gia Mập (xã Bù Gia Mập, huyện Bù Gia Mập), tôi hiểu hơn vai trò của viễn thông với lực lượng cán bộ, chiến sĩ đang công tác nơi đây. Vùng xa, biên giới không có điện nên ở mỗi trạm BTS, nhân viên Viettel phải lắp thêm tấm năng lượng mặt trời. Tuy nhiên, khi mùa mưa đến, tấm năng lượng mặt trời không cung cấp đủ pin, nhân viên Viettel phải đặt kèm một máy nổ để phát điện. Mỗi tháng, nhân viên Viettel phải chở dầu diesel từ thị xã Phước Long vào để chạy máy và kiểm tra các thiết bị, đảm bảo việc phát sóng được ổn định.
Năm đầu tái lập tỉnh, để liên lạc, đa phần người dân Bình Phước biết đến hai nơi: bưu điện, bưu cục và theo đường thư. Việc sở hữu một chiếc điện thoại di động lúc đó là điều xa xỉ với người dân. Đến nay, tại Bình Phước đã hiện diện 7 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ bưu chính chuyển phát và 7 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, internet. Điều đó giúp người dân không chỉ sở hữu 1 mà có thể sử dụng từ 2-3 điện thoại di động ở mọi lúc, mọi nơi. Hiện mạng lưới bưu chính đã triển khai rộng khắp các xã, phường của tỉnh với 138 điểm, đáp ứng tốt dịch vụ chuyển phát của người dân và nhiệm vụ bưu chính công ích mà Đảng, Nhà nước giao. Bên cạnh đó, các điểm bưu điện văn hóa xã được triển khai Dự án BMGF-VN (nâng cao khả năng sử dụng máy tính), góp phần nâng cao dân trí, phát triển xã hội. Hạ tầng viễn thông đã phát triển rộng khắp trên địa bàn tỉnh với 1.247 trạm BTS, phủ sóng gần như 100% vùng địa hình khác nhau. Tổng thuê bao điện thoại toàn tỉnh 1,1 triệu, đạt 199,4 thuê bao/100 dân. Đặc biệt, dịch vụ công trực tuyến được đẩy mạnh thực hiện nhằm từng bước hiện đại hóa nền hành chính, hệ thống một cửa điện tử đã triển khai đến các sở, ngành và 11 huyện, thị xã. Đến nay, hội nghị truyền hình trực tuyến đã được đầu tư tại 15 điểm cầu, trong đó có 4 điểm cầu chính cấp tỉnh và 11 điểm cầu cuối cấp huyện, thị, phục vụ các cuộc họp từ Trung ương đến huyện, thị.
Sự phát triển mạnh mẽ của ngành BCVT đã đưa các dịch vụ viễn thông, internet từ cao cấp, xa xỉ trở thành bình dân, phổ biến. Từ đó không chỉ đáp ứng tốt nhu cầu thông tin liên lạc của người dân, phục vụ tốt sự chỉ đạo điều hành của Đảng, Nhà nước mà còn tạo môi trường học tập, lao động vô cùng tiện ích cho người dân.
Nguồn: BPO